0236.3650403 (128)

CHUỖI GIÁ TRỊ THỦY SẢN VÀ CÁC TÁC NHÂN THAM GIA


ĐỖ VĂN TÍNH

 

Khái niệm chuỗi giá trị thủy sản

Theo Michael Porter thì chuỗi giá trị của một ngành, một doanh nghiệp bao gồm các hoạt động chính và các hoạt động bổ trợ tạo nên lợi thế cạnh tranh khi được cấu hình một cách thích hợp…Theo đó, chuỗi giá trị là một chuỗi các hoạt động mà các sản phẩm trải qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo một thứ tự và tại mỗi hoạt động thì sản phẩm đó gia tăng thêm một số giá trị. Chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của tất cả các hoạt động cộng lại. 

Chuỗi giá trị của Michael Porter và ứng dụng trong doanh nghiệp

Chuỗi giá trị của Michael Porter (1985)

Áp dụng lý thuyết chuỗi giá trị vào trong ngành thủy sản, có thể hiểu chuỗi giátrị thuỷ sảnlà tập hợp các hoạt động từ người sản xuất đến ngườ.  si tiêu dùng cuối cùng gồm các tác nhân sau: (i) Người sản xuất (người nuôi trồng thủy sản; người đánh bắt thủy sản); (ii) Người chế biến; (iii) Người tiêu thụ. Đây là những tác nhân trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị. Quan hệ của các tác nhân này dựa trên dòng thông tin, dòng hàng hóa (dịch vụ) và dòng tiền trên chuỗi. Sự vận động của chuỗi giá trị còn chịu tác động bởi các tác nhân và yếu tố bên ngoài chuỗi như hệ thống cung ứng, hoạt động marketing, hệ thống luật pháp, cung cầu hàng hóa.

Đặc trưng của chuỗi giá trị thủy sản

Theo Lambert and Cooper (2000) một chuỗi giá trị có bốn đặc trưng cơ bản: thứ nhất, chuỗi giá trị bao gồm nhiều công đoạn (bước) phối hợp bên trong các bộ phận, phối hợp giữa các bộ phận (tổ chức) và phối hợp dọc. Thứ hai, một chuỗi bao gồm nhiều tác nhân độc lập nhau, do vậy cần thiết phải có mối quan hệ về mặt tổ chức. Thứ ba, một chuỗi giá trị bao gồm dòng vật chất và dòng thông tin có định hướng, các hoạt động điều hành và quản lý. Thứ tư, các thành viên của chuỗi nỗ lực để đáp ứng mục tiêu là mang lại giá trị cao cho khách hàng thông qua việc sử dụng tối ưu nguồn lực của mình.

Nếu xem chuỗi GTTS là một chuỗi giá trị nông sản, thì một chuỗi giá trị nông sản gồm các tác nhân cung cấp đầu vào, sản xuất và phân phối nông sản thực phẩm (Bijman, 2002). Chuỗi này chứa đựng đồng thời dòng vật chất và dòng thông tin. Chuỗi giá trị thủy sản nói chung khác với chuỗi giá trị của các ngành khác ở các điểm: (1) Đối tượng sản xuất là sinh vật, phải tuân theo quy luật sinh học và quy luật tự nhiên, do vậy làm tăng tính biến động và rủi ro; (2) Bản chất của sản phẩm, có những đặc trưng tiêu biểu như dễ hư hỏng và sự thay đổi chất lượng, phẩm cấp sản phẩm khi chuyển dịch trên chuỗi, nên mỗi sản phẩm khác nhau yêu cầu chuỗi khác nhau; (3) Thái độ của xã hội và người tiêu dùng ngày càng quan tâm về an toàn thực phẩm và vấn đề môi trường.

Trong một chuỗi, sự phối hợp có thể dưới nhiều hình thức: hợp nhất dọc, hợp đồng dài hạn hoặc giao dịch trực tiếp trên thị trường. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chuỗi GTTS nói riêng và nông sản-thực phẩm nói chung, các giao dịch đang có sự thay đổi (Bijman 2002). Hầu hết các lĩnh vực trong ngành nông sản- thực phẩm đang dịch chuyển theo hướng liên kết dọc. Theo Zuurbier (2000), phối hợp dọc là một quá trình phối hợp các giao dịch thị trường giữa nhà cung cấp và khách hàng. Phối hợp dọc trong kinh doanh nông nghiệp và ngành thực phẩm bao gồm một số hoặc nhiều giao dịch trao đổi các yếu tố đầu vào từ nhà cung cấp giống hoặc vốn tới người nông dân, hoặc trao đổi nguyên liệu nông sản giữa nông dân và người chế biến hoặc sản phẩm tươi sống giữa nhà bán buôn với người bán lẻ hoặc giữa người bán lẻ và người tiêu dùng.

- Chuỗi giá trị bao gồm nhiều công đoạn (bước) phối hợp bên trong các bộ phận, phối hợp giữa các bộ phận (tổ chức) và phối hợp dọc.

- Một chuỗi bao gồm nhiều tác nhân độc lập nhau, do vậy cần thiết phải có mối quan hệ về mặt tổ chức.

- Một chuỗi giá trị bao gồm dòng vật chất và dòng thông tin có định hướng, các hoạt động điều hành và quản lý.

- Các thành viên của chuỗi nỗ lực để đáp ứng mục tiêu là mang lại giá trị cao cho khách hàng thông qua việc sử dụng tối ưu nguồn lực.

Các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản

Trong chuỗi GTTS, các bên tham gia chính là các tác nhân hoạt động trên mọi cấp độ của chuỗi thủy sản, bao gồm những người thu hoạch, người sơ chế, người thu mua, các công ty chế biến, các đại lý vận tải, người phân phối, tiêu thụ, và đại diện của các đơn vị hỗ trợ, các trường, viện... những người đóng vai trò thúc đẩy chuỗi. Một chuỗi GTTS điển hình sẽ bao gồm các tác nhân chính: sản xuất (đánh bắt, hoặc nuôi trồng thuỷ sản, hoặc kết hợp cả hai), chế biến, phân phối, tiếp thị và tiêu dùng cuối cùng.

Các hoạt động kinh tế của các tác nhân chính là chức năng của các tác nhân đó trong chuỗi. Tên chức năng thường trùng với tên tác nhân. Ví dụ, hộ sản xuất có chức năng sản xuất, hộ chế biến có chức năng chế biến,... Một tác nhân có thể có một vài chức năng. Các tác nhân đứng sau thường có chức năng hoàn thiện sản phẩm của các tác nhân đứng kề nó hay sản phẩm của các tác nhân trước là chi phí trung gian của các tác nhân kề sau nó. Và giá trị hàng hóa của các tác nhân kế tiếp ngày càng tăng.

Chỉ có sản phẩm của tác nhân cuối cùng trước khi đến tay người tiêu dùng mới là sản phẩm cuối cùng của chuỗi và khi đó chức năng của tác nhân cuối cùng ở từng khâu kết thúc. Người tiêu dùng cuối cùng của một chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản phải có chức năng hoàn trả toàn bộ chi phí sản xuất và dịch vụ sản phẩm từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng của chuỗi.

Phân tích chuỗi chuỗi chuỗi giá trị thuỷ sản là quá trình phân tích, đánh giá sản phẩm thủy sản từ nhiều cấp độ, nhiều khía cạnh để thấy được bức tranh về dòng chảy sản phẩm, dòng thông tin, dòng tiền, các tác nhân chính trên chuỗi thường gắn với sản phẩm hoặc dịch vụ, các tác nhân quan hệ ràng buộc với nhau và giá trị sản phẩm được tăng thêm tại mỗi mắt xích.

Khung phân tích chuỗi giá trị thuỷ sản

Nội dung phân tích chuỗi giá trị thủy sản: Đề tài cũng đã xác định cần tập trung phân tích vào các nội dung cơ bản: lập sơ đồ chuỗi, phân tích hoạt động và mối liên kết của các tác nhân dọc theo chuỗi, phân tích kinh tế, phân tích hoạt động quản lý chuỗi và phát triển chuỗi; Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi: bao gồm nhân tố ảnh đến mối liên kết của các tác nhân, nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế chuỗi, nhân tố ảnh hưởng đến quản lý chuỗi và các nhân tố khác ảnh hưởng đến chuỗi.

Các bước phân tích chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu

- Xác định chuỗi giá trị cần phân tích;

- Lập sơ đồ chuỗi giá trị: Nhận diện các quá trình trong chuỗi giá trị; Xác định các đối tượng tham gia các quá trình; Xác định những sản phẩm/ dịch vụ trong chuỗi giá trị; Lập sơ đồ dòng luân chuyển sản phẩm/ dịch vụ về địa lý; Xác định các hình thức liên kết và các sản phẩm/ dịch vụ liên quan.

- Phân tích các quá trình của chuỗi giá trị: Doanh thu hay tổng giá trị đầu vào; Giá trị gia tăng hay tổng giá trị đầu ra dòng; Chi phí và lợi nhuận; Công nghệ; Việc làm; Các mối liên kết khác như điểm hòa vốn, quy trình thực hiện công việc, thanh toán,….

- Rút ra các kết luận: Việc phân tích chuỗi giá trị bao giờ cũng để phục vụ một mục đích nào đó như phân phối lợi ích thích hợp, đổi mới và nâng cấp chuỗi giá trị, tìm ra những khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị và hướng giải quyết, xây dựng chiến lược hoạt động, tăng cường mức độ tham gia vào chuỗi giá trị. 

Sơ đồ chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu

Mô hình chuỗi liên kết giá trị trong hoạt động xuất khẩu thủy sản được thực hiện chủ yếu theo liên kết dọc. Các chủ thể chính liên kết với nhau chặt chẽ nhất là người sản xuất (các hộ khai thác và nuôi trồng) và doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, có các đại lý trung gian trong việc đưa thủy sản từ các hộ sản xuất đến với DN và thị trường, trong một số trường hợp, trung gian này còn có thể cung cấp các yếu tố đầu vào cho người nuôi (tín dụng, giống, thức ăn, hóa chất,...)

Mô hình chuỗi giá trị của hoạt động xuất nhập khẩu các doanh nghiệp thủy sản

Tầm quan trọng của phân tích chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu

Khi phân công lao động sâu sắc hơn và sự phân bố sản xuất ngày một rộng hơn trên phạm vi quốc gia và quốc tế thì tính cạnh tranh của cả tổng thể với sự phối hợp của tất cả các chủ thể có liên quan đến các công đoạn tạo ra sản phẩm trở nên quan trọng hơn.

- Tính hiệu quả trong sản xuất chỉ là điều kiện cần cho sự thành công trong kinh doanh;

- Phân tích các yếu tố động có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp/ người tham gia hoạt động sản xuất;

- Ngoài ra phân tích chuỗi giá trị cũng tìm ra được những điểm yếu trong các khâu trong chuỗi, để từ đó đưa ra được những giải pháp nhằm khắc phục những điểm yếu đó;

- Bên cạnh đó phân tích chuỗi giá trị cũng có vài trò quan trọng trong việc phát hiện ra những cơ hội, để từ đó nâng cấp chuỗi giá trị;

- Việc phân tích chuỗi giá trị cho ta biết giá trị từ các tác nhân trong chuỗi, từ đó giúp phân bổ hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi đó. Góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của toàn bộ chuỗi giá trị đó. 

Giá trị gia tăng các tác nhân trong toàn chuỗi 

- Giá trị gia tăng là thuật ngữ dùng để chỉ giá trị tăng thêm được tạo ra ở mỗi giai đoạn nhất định của quá trình sản xuất thông qua hình ảnh của doanh nghiệp và marketing.

- Tổng giá trị gia tăng ở các quá trình khác nhau bằng với giá trị của sản phẩm cuối cùng

- Giá trị gia tăng trong một chuỗi giá trị được tính như sau:  [Giá trị gia tăng] = [tổng giá bán sản phẩm] – [giá trị hàng hóa trung gian].

- Giá trị gia tăng được tạo ra bởi tác nhân của từng khâu trong chuỗi giá trị;

- Hàng hóa trung gian, đầu vào và dịch vụ vận hành được cung cấp bởi các nhà cung cấp mà họ không phải là tác nhân của khâu;

- Chuỗi giá trị chỉ mang lại lợi nhuận cho các  tác nhân nếu người tiêu dùng sẵn sàng chi trả giá sản phẩm cuối cùng. Người tiêu dùng không tạo ra giá trị gia tăng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]    Bộ NNPTNT (2020), Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2030, Hà Nội.

[2]    TS. Lâm Minh Châu (2015), "Xuất khẩu thuỷ sản miền Trung - Những lợi thế và giải pháp phát triển", Tạp chí Kinh tế và phát triển, (91), tr.16-18.

[3]    Michael Porter (1985), Competive advantage:  Creating and sustaining superior performance, New York Free Press