0236.3650403 (128)

Giải pháp cho chi Ngân sách Nhà Nước thường xuyên hiệu quả


Ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng… vì NSNN giúp Nhà nước thực hiện những chức năng nhiệm vụ của mình trong việc điều tiết nền kinh tế và xã hội. Do đó vai trò của việc thu NSNN và chi NSNN cũng quan trọng không kém. Vì nếu bội thu NSNN thì dẫn đến tình trạng thừa tiền gây lạm phát, còn bội chi thì trong một mức độ nào đó cũng không tốt cho nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia từ cường quốc cho đến quốc gia phát triển đều xảy ra tình trạng bội chi NSNN tùy theo mức độ khác nhau. Việc chi NSNN đóng vai trò quyết định cho việc cung cấp những phương tiện duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn nhân lực, hay đảm bảo đời sống xã hội cho mọi người…

Trong năm 2013, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu tích cực, nhưng chưa khởi sắc, chứa đựng nhiều rủi ro: kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng kinh tế còn thấp; hoạt động của các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, trở ngại do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng còn khó khăn; sức mua của nền kinh tế còn yếu do việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút;... tạo sức ép lớn đến việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

            Đối với hoạt động tài chính – NSNN, kết quả thực hiện NSNN 4 tháng đầu năm cho thấy tình hình rất khó khăn. Tiến độ thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt thấp so với yêu cầu dự toán (theo dự toán, bình quân thu phải đạt 68.000 tỷ đồng/tháng, thực hiện 4 tháng chỉ đạt 61.000 tỷ đồng/tháng, giảm 7.000 tỷ đồng/tháng so với yêu cầu; như vậy, để hoàn thành dự toán, 8 tháng cuối năm phải thu gần 572.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 71.500 tỷ đồng/tháng); tăng trưởng thu so với năm 2012 ở cả lĩnh vực thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều thấp (yêu cầu dự toán phải tăng 20% so với thực hiện năm 2012; thực tế số thu 4 tháng từ 2 lĩnh vực này chỉ xấp xỉ bằng, hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2012). Nếu không quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thì khả năng giảm thu năm 2013 là khá lớn. Nếu tình hình thu không tốt thì tình hình chi cũng gặp nhiều khó khăn do không đủ quỹ tiền tệ để thực hiện.

Những giải pháp cho chi thường xuyên hiệu quả

            Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, quản lý và sử dụng hợp lý ngân sách nhà nước cân đối giữa thu và chi có tác dụng vô cùng quan trọng, sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu muốn việc chi NSNN có hiệu quả và thực hiện được thì thu NSNN cần phải đạt mức dự toán đề ra để tạo nguồn ngân quỹ cho việc chi NSNN nói chung và chi thường xuyên nói riêng. Bên cạnh đó phải giảm bớt chi tiêu NSNN, chi hiệu quả và tiết kiệm. Ta có thể có những giải pháp sau:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu; tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN.

-                     Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

-                     Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành các cấp chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các ngành để nâng cao chất lượng công tác quản lý thu ngân sách.

-                     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Tăng cường kiểm soát chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.

-                     Chủ động rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định…

-                     Tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…

-                     Đảm bảo nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và chính sách an sinh xã hội, hạn chế tối đa bổ sung kinh phí ngoài dự toán.

-                     Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên của những tháng còn lại trong dự toán năm 2013.

Rà soát các trường hợp chính sách để chi thường xuyên thực sự hiệu quả.

-                     Sở dĩ có biện pháp này là vì gần đây, số trường hợp giả mạo hồ sơ để nhận tiền chính sách là không nhỏ. Ví dụ đã có rất nhiều trường hợp giả mạo thương binh để nhận tiền trợ cấp từ Nhà nước. Theo Báo Thanh Niên đưa tin vào ngày 9/8/2013, 2 đối tượng làm giả hồ sơ thương binh để hưởng tổng cộng 178 triệu đồng tiền chính sách từ tháng 9/2009 đến khi bị bắt đã bị khởi tố xét xử. Vấn đề này thật sự nghiêm trọng nếu chúng ta không có sự sàng lọc ngay từ ban đầu, việc này sẽ tạo ra 1 khoản chi rất lớn và gây thất thoát NSNN.

-                     Địa phương cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ để xét các trường hợp chính sách như hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, thương binh… để đảm bảo cho quá trình chi thường xuyên được đúng đắn và cho đúng đối tượng.

ThS. Hoàng Thị Xinh