0236.3650403 (128)

BỘ MÁY QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG Ở VIỆT NAM


Ở Trung ương từ góc độ hành chính công, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hai cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về tài chính nói chung và tài chính công nói riêng.

Chức năng chính về lĩnh vực tài chính công của hai cơ quan này là: chức năng hoạch định chính sách như: chính sách thuế, chính sách chi ngân sách, chính sách vay nợ... và các chức năng thực hiện chính sách, như quản lý thu thuế, quản lý ngân quỹ, quản lý nợ, mua sắm đấu thầu công.

Để thực hiện được chức năng này, nhiệm vụ chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước cùng với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế quốc dân làm cơ sở cho Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước bao gồm quản lý thu, quản lý ngân quỹ, quản lý nợ và đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước.

Cơ quan quản lý thuế           

Trách nhiệm chính trong quản lý thuế thuộc về hai cơ quan: cơ quan thuế và cơ quan hải quan.

Tổng cục thuế là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước và tổ chức quản lý thuế. Cơ quan hải quan có nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các Cục thuế trực thuộc Tổng cục thuế. Ở các quận, huyện có Chi cục thuế thuộc Cục thuế. Cơ quan Hải quan tại trung ương là Tổng cục Hải quan và địa phương có 34 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc Tổng cục hải quan ngoài ra còn có các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cơ quan quản lý ngân quỹ

Tương tự như cơ quan thuế, để quản lý tài chính công dưới góc độ quản lý quỹ có cơ quan Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước cũng là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ tài chính công, quản lý ngân quỹ. Cụ thể: tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước, kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước, thực hiện kế toán ngân sách nhà nước, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ.

Giống như cơ quan thuế, Kho bạc nhà nước được tổ chức thành hệ thống dọc từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện. Cơ quan Kho bạc nhà nước ở địa phương gồm: Kho bạc nhà nước cấp tỉnh và Kho bạc nhà nước cấp huyện.

Tại các cấp chính quyền địa phương

Cơ quan chuyên môn về có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra theo dõi, đánh giá hoạt động tài chính công là Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại chính quyền cấp huyện, quận, thị xã (gọi chung là cấp huyện) là phòng Tài chính-Kế hoạch. Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) không tổ chức cơ quan chuyên môn tham mưu mà chỉ có công chức tài chính - kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở Tài chính đảm nhận các nhiệm vự tương tự như nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nhằm phục vụ trực tiếp cho tổ chức điều hành hoạt động tài chính công của chính quyền cấp tỉnh.

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đảm nhận các nhiệm vụ tương tự của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phục vụ chính quyền cấp huyện.

ThS. Phạm Thị Uyên Thi - Khoa QTKD