0236.3650403 (128)

CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HUY ĐỘNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CỦA NHTM.


Để nhận định chính xác và toàn diện về huy động vốn của một Ngân hàng thương mại phải đưa ra những tiêu chí đánh giá kết quà hoạt động này. Huy động vốn có thể được nhìn nhận từ góc độ quy mô, cơ cấu và chi phí huy động…qua các năm.

1/ Quy mô huy đồng tiền gửi tiết kiệm.

Vấn đề đầu tiên được quan tâm đến khi xem xét kết quả huy động tiền gửi tiết kiệm của một NHTM chính là quy mô vốn, hay độ lớn của lượng TGTK mà ngân hàng đó huy động được.

Quy mô vốn TGTK của mỗi Ngân hàng cần được xác định dựa trên sự so sánh tương quan với hoạt động cho vay và các hoạt động sử dụng tài sản khác. Nếu một NHTM huy động quá nhiều vốn và không kịp cho vay, nó sẽ rơi vào tình trạng ứ đọng vốn và có nguy cơ bị thua lỗ. Để giải quyết tình trạng đó, một số Ngân hàng mở rộng cho vay một cách mạo hiểm, không thẩm định tín dụng chặt chẽ. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là các khoản nợ xấu và nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô vốn sẽ làm phát sinh chi phí mới. Quy mô vốn huy động càng lớn, chi phí biên sẽ càng cao và ảnh hưởng đến thu nhập của Ngân hàng. Do đó, một quy mô vốn hợp lý là điều mỗi NHTM cần có sự tính toán cẩn trọng.

Quy mô vốn TGTK là một chỉ số tuyệt đối và nếu chỉ được dùng đơn lẻ, nó không phản ánh được đầy đủ khả năng huy động TGTK của một ngân hàng. Dựa vào chỉ tiêu quy mô, nhiều chỉ số tương đối được xác định. Các chỉ số này cho thấy một cách đầy đủ hơn khả năng huy động TGTK của NHTM. Nếu quy mô nguồn TGTK cho biết độ lớn của lượng TGTK ngân hàng huy động được thì tốc độ tăng trưởng phản ánh sự tăng (giảm) của nguồn vốn từ TGTK tại các thời điểm khác nhau cũng như sự tăng (giảm) đó là nhiều hay ít.

Tỷ lệ tăng trưởng vốn TGTK =   


Tốc độ tăng trưởng > 0: quy mô vốn từ TGTK của ngân hàng tăng.

Tốc độ tăng trưởng < 0: quy mô vốn từ TGTK của ngân hàng giảm.

Một hình thức huy động vốn TGTK được đánh giá là tốt ngoài những yếu tố như đáp ứng nhu cầu với chi phí thấp cần phải có sự ổn định, tức là không có sự thay đổi đột ngột trong thời gian sử dụng nguồn vốn đó của ngân hàng, điều này cũng đúng với hoạt động huy động TGTK nói riêng.

Nguồn vốn này phải có sự tăng trưởng ổn định về mặt số lượng để thoả mãn nhu cầu tín dụng cũng như nhu cầu của các hoạt động khác. Mặt khác nó cũng cần phải có sự ổn định về thời gian. Chẳng hạn như nếu ngân hàng huy động được một nguồn vốn lớn từ TGTK dân cư, đáp ứng được yêu cầu tín dụng nhưng lại không đánh giá, dự báo được khả năng ổn định của nguồn vốn đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, tạo cho ngân hàng những rủi ro khó lường trước được. Ngược lại, nếu ngân hàng chỉ huy động được nguồn vốn từ TGTK nhỏ nhưng ổn định về thời gian sẽ làm cho việc đầu tư từ nguồn này trở nên an toàn hơn, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.

2/ Tỷ trọng vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm trên tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại.

               Công thức tính tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm trong tổng vốn huy động mỗi kỳ:


Tỷ trọng vốn huy động từ TGTK trên tổng nguồn vốn huy động của NHTM cho biết mức độ tác động của nguồn vốn TGTK tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng là nhiều hay ít. Chỉ số này có mối quan hệ tỷ lệ thuận với khả năng ảnh hưởng của nguồn vốn huy động từ TGTK dân cư đối với hiệu quả hoạt động tạo vốn của NHTM.

   Tỷ trọng này lớn thể hiện mức độ huy động vốn bằng nguồn từ TGTK là cao, cũng có nghĩa là sự thay đổi của lượng TGTK huy động được sẽ ảnh hưởng lớn tới tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng. Ngược lại, nếu tỉ trọng này nhỏ có nghĩa là mức độ huy động vốn bằng nguồn từ TGTK là không cao, khi đó sự thay đổi của nguồn huy động TGTK không làm ảnh hưởng nhiều tới tổng nguồn vốn ngân hàng huy động được.

Trong hoạt động ngân hàng thì nguồn vốn huy động phải đảm bảo đủ lớn để sử dụng trong hoạt động tín dụng và trong các hoạt động khác của ngân hàng. Với tỉ trọng lớn của nguồn vốn huy động từ TGTK, ngân hàng sẽ giảm được chi phí sử dụng các nguồn vốn khác, mà thông thường các nguồn vốn đó có chi phí rất cao (ví dụ như vay trên thị trường liên ngân hàng). Từ đó có thể thấy rằng tỉ trọng vốn huy động từ TGTK trên tổng nguồn vốn huy động của NHTM là một chỉ tiêu thể hiện hiệu quả hoạt động huy động TGTK dân cư, vì nó không chỉ biểu hiện kết quả huy động vốn của NHTM mà còn ảnh hưởng tới chi phí huy động ngân hàng phải bỏ ra.

3/ Chi phí huy động tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng.

Chi phí huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm dân cư chủ yếu là chi phí trả lãi. Ngoài ra còn có chi phí bảo hiểm tiền gửi, chi phí quản lý, chi phí cho hoạt động marketing, quảng cáo để thu hút khách hàng gửi tiền, chi phí mua máy móc thiết bị,…và các chi phí khác liên quan đến hoạt động huy động vốn này.

Chi phí trả lãi mà ngân hàng trả cho khách hàng là chi phí trả lãi dựa trên lãi suất danh nghĩa, lãi suất ngân hàng công bố cho khách hàng. Chi phí này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kỳ hạn, loại tiền gửi, chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong từng thời ký, tiện ích kèm theo,… Tuy nhiên, lãi suất thực tế của nguốn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm dân cư đối với ngân hàng là cao hơn bởi vì ngoài chi phí trả lãi, ngân hàng còn phải bỏ ra nhiều loại chi phí khác nữa. Vì vậy, chỉ tiêu chi phí huy động TGTK/tổng vốn huy động được từ TGTK chia nhỏ ra làm hai chỉ tiêu khác. Đó là:

Chi phí trả lãi/ tổng vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm dân cư cho thấy để huy động được một đồng vốn từ tiền gửi tiết kiệm dân cư thì ngân hàng cần phải trả bao nhiêu tiền dựa trên lãi suất công bố cho khách hàng.

            Chi phí trả lãi/tổng vốn huy dộng từ tiền gửi tiết kiệm dân cư cho thấy một đồng vốn huy động được từ tiền gửi tiết kiệm dân cư thì ngân hàng cần bỏ ra chi phí là bao nhiêu cho việc quản lý, cất giữ, bảo quản…

            Tóm lại chi phí huy động TGTK/tổng vốn huy động được từ TGTK được dùng để đánh gíá xem một đồng TGTK ngân hàng huy động được cần phải bỏ ra bao nhiêu chi phí.

            Như vậy, khi xem xét hiệu quả huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm dân cư, cần chú ý chi phí cho một đồng vốn phải hợp lý, đảm bảo các khoản thu nhập có thể bù đắp được chi phí này và có lợi nhuận cho ngân hàng. Chỉ tiêu này càng thấp thì huy động vốn càng có hiệu quả. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng để giảm chi phí huy động thì cần phải giảm lãi suất huy động và có các chi phí quản lý, bảo quản, dự trữ vốn huy dộng được từ tiền gửi tiết kiệm một cách tối ưu nhất. Việc đưa ra một lãi suất huy động hợp lý là rất quan trọng, lãi suất không quá cao - đảm bảo lợi ích ngân hàng - thu hút được khách hàng gửi tiền. Đồng thời giảm các chi phí phi trả lãi cũng sẽ làm cho hiệu quả của hoạt động huy động TGTK của ngân hàng hiệu quả hơn.

                                                                                                                                                                                                      Lê Phúc Minh Chuyên