0236.3650403 (128)

CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ DỰ ÁN (PHẦN 1)


Khi tiến hành tổ chức bộ máy quản lý của một doanh nghiệp nói chung và của một dự án đầu tư nói riêng, để đảm bảo tính khoa học và hiệu quả của bộ máy quản lý đó trong quá trình vận hành hoạt động, những nhà soạn thảo dự án cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Nguyên tắc mục tiêu

            Quá trình quản lý dự án là một quá trình quản lý theo mục tiêu, vì vậy khi thiết lập bộ máy quản lý của dự án các nhà soạn thảo cần phải tuân thủ nguyên tắc mục tiêu. Nguyên tắc này đòi hỏi khi xây dựng mô hình CCTC quản lý của dự án các nhà soạn thảo cần phải căn cứ vào mục tiêu của dự án để lựa chọn hình thức cũng như nội dung mô hình sao cho phù hợp và có khả năng thực hiện tốt nhất mục tiêu mà dự án đề ra.

            Nguyên tắc này cũng chỉ ra rằng, trong quá trình xây dựng bộ máy quản lý, việc hình thành nên các bộ phận của mô hình đó phải căn cứ vào mục tiêu của các bộ phận đó, nếu bộ phận nào đó không có mục tiêu hoạt động rõ ràng thì bộ phận đó cũng không có lý do để hoàn thành. Nói cách khác đó là mục tiêu phải là cái có trước, mục tiêu quyết định hình thức còn hình thức tổ chức chỉ là phương tiện, điều kiện để thực hiện mục tiêu mà thôi.

2. Nguyên tắc thống nhất về mặt chức năng

            Trong mô hình tổ chức quản lý được hình thành có thể bao gồm nhiều đơn vị, nhiều bộ phận có chức năng hoạt động khác nhau. Tuy nhiên theo yêu cầu của nguyên tắc này thì tất cả các chức năng hoạt động đều phải có một điểm thống nhất chung đó là hướng vào việc thực hiện các mục tiêu của dự án một cách hữu hiệu nhất.

3. Nguyên tắc tinh gọn

            Mô hình tổ chức quản lý được xây dựng phải đảm bảo sao cho tinh gọn, đơn giản, các mối quan hệ là rõ ràng, tiết kiệm chi phí và dễ vận hành nhất mà vẫn đảm bảo thỏa mãn được tất cả các yêu cầu mà dự án đặt ra cho nó.

4. Nguyên tắc về mối quan hệ giữa các cá nhân

            Nguyên tắc này đòi hỏi mô hình tổ chức quản lý được thiết lập phải thỏa mãn được những yêu cầu đòi hỏi của bản thân người vận hành sử dụng nó, làm sao cho những người này cảm thấy thỏa mái và thuận tiện nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ của họ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các mối quan hệ hợp tác giữa các bộ phận và các cá nhân hoạt động trong tổ chức đó.

ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD