0236.3650403 (128)

Các nhân tố tác động đến ngành Điện trong thời gian gần đây


Cơ chế giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp thấp hơn giá FIT: Ngày 07/01/2023, Bộ Công Thương đã công bố Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp. Khung giá này áp dụng cho 85 dự án bao gồm các dự án đã xây dựng nhưng không kịp thời hạn hưởng giá FIT ưu đãi (31/12/2020 với điện mặt trời và 31/10/2021 với điện gió) và các dự án mới đang trong quá trình triển khai. Trong đó có 77 nhà máy điện gió với tổng công suất 4.185,4 MW và 8 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 506,66 MW. Theo EVN, tính đến ngày 02/06/2023, trong 85 dự án NLTT chuyển tiếp có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính và ký PPA; có 9 dự án đã công nhận COD, giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Tăng giá điện bán lẻ: Theo Bộ Công thương, giá thành sản xuất điện năm 2022 của EVN tăng hơn 9% so với giá bán lẻ điện khiến tập đoàn ghi nhận khoản lỗ trên 26.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá than đầu vào tăng cao (gấp 4-5 lần cùng kỳ) trong khi giá bán lẻ điện đã không điều chỉnh tăng 4 năm nay. Trước tình trạng mất cân đối tài chính của EVN, Ngày 03/02/2023, Bộ Công thương đã ban hành khung giá điện bán lẻ mới, đạt 1.826-2.444 đồng/kWh, tăng 220-538 đồng/kWh so với khung giá cũ, làm cơ sở xác định giá điện bán lẻ.

Từ ngày 04/05/2023, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng 3% so với giá hiện hành đạt 1.920,4 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Theo ước tính của EVN, việc điều chỉnh giá điện bán lẻ tăng 3% giúp tập đoàn thu thêm 8.000 tỷ đồng (chưa bằng 1/3 khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022). Trong khi đó, chu kì El Nino mạnh lên làm tăng nhu cầu huy động nguồn nhiệt điện giá cao khiến EVN có khả năng lỗ tiếp. Do đó, EVN đề xuất tiếp tục nâng giá bán lẻ điện vào tháng 9.

Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý phát triển nhiều dự án: Ngày 15/05/2023, Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy hoạch điện VIII đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu nguồn nhiệt điện theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

ThS. Mai Xuân Bình – khoa QTKD