0236.3650403 (128)

CÁC PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CƠ BẢN CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO


Phong cách độc đoán

Người lãnh đạo nắm bắt tất cả các quan hệ và thông tin, tập trung quyền lực vào trong tay. Cấp dưới chỉ được cấp trên cung cấp thông tin tối thiểu, cần thiết đề thực hiện nhiệm vụ. Các quyết định, mệnh lệnh được đề ra trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm của lãnh đạo, không quan tâm đến ý kiến của những người dưới quyền. Các chỉ thị mệnh lệnh được đề ra rất nghiêm ngặt  và buộc người dưới quyền phải chấp hành chúng một cách tập trung, chính xác. Người lãnh đạo kiểm tra một cách nghiêm ngặt hành vi của người dưới quyền. Theo quan niệm của dòng thông tin thì phong cách độc đoán có chiều của dòng thông tin là từ trên xuống.

Ưu điểm của phong cách đoán là nó cho phép giải quyết nhanh chóng các nhiệm vụ. Song, do người lãnh đạo không quan tâm đến ý kiến của người dưới quyền và ra quyết định trên cơ sở những thông tin sẵn có nên phong cách độc đoán có nhược điểm là không tận dụng được sáng tạo, kinh nghiệm của người dưới quyền

Phong cách dân chủ

Người lãnh đạo thu hút đông đảo người lao động tham gia vào việc thảo luận, xây dựng và lựa chọn các phương án quyết định cũng như giải quyết những nhiệm vụ  của đơn vị. Bản thân người lãnh đạo chỉ tập trung giải quyết  những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề còn lại giao cho cấp dưới. Công việc được phân công, giải quyết và đánh giá trên cơ sở có sự tham gia của tập thể. Theo quan niệm của dòng thông tin phong cách này được thực hiện thông qua dòng thông tin hai chiều: Từ trên xuống và từ dưới lên.

Ưu điểm của phong cách dân chủ là nó cho phép khai thác những sáng kiến, kinh nghiệm của những người dưới quyền, của tập thể. Từ đó nó tạo ra sự thỏa mãn lớn cho người dưới quyền vì tạo được cảm giác về được chấp nhận và được tham gia. Người lao động cảm thấy thỏa mãn vì họ được thực hiện những công việc do chính họ đề ra, thậm chí tham gia đánh giá kết quả công việc. Nhược điểm của phong cách dân chủ là quá trình dân chủ là quá trình tốn kém thời gian. Trong rất nhiều trường hợp, việc bàn bạc kéo dài mà không đi đến được quyết định trong khi thời gian giải quyết nhiệm vụ không cho phép kéo dài.

 Phong cách tự do

Người lãnh đạo tham gia ít nhất vào các công việc của nhóm, giao hết quyền hạn và trách nhiệm cho mọi người. Các thành viên trong nhóm được cung cấp tối đa các thông tin và được phép tự do hành động theo điều họ nghĩ, theo cách thức mà họ cho là tốt nhất. Theo quan niệm của dòng thông tin, phong cách này thông tin được thực hiện chủ yếu theo chiều ngang. Nếu xét về lượng thông tin mà người dưới quyền được biết thì phong cách độc đoán là ít nhất, kế đến là dân chủ và phong cách tự do là nhiều nhất.

Ưu điểm của phong cách này là nó cho phép phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người dưới quyền. Tuy nhiên, phong cách này dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ trong tổ chức do thiếu vắng các chỉ dẫn của người lãnh đạo.

Từ việc so sánh hiệu quả của ba phong cách, Kurt Lewin kết luận rằng phong cách dân chủ là phong cách mang lại hiệu quả cao nhất và coi đây là phong cách của người thành công. Kết luận này đã được đón nhận rất nồng nhiệt, vì thế trong một thời gian dài các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã cố gắng tìm kiếm, bố trí những người lãnh đạo là những người có phong cách dân chủ. Hơn nữa, việc đào tạo và huấn luyện những người lãnh đạo cũng rất chú trọng vào hoàn thiện và phát triển phong cách dân chủ cho người lãnh đạo.

Tuy nhiên, vào những năm 1960, các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng phê phán kết luận của Kurt Lewin. Một số nghiên cứu cho rằng phong cách dân chủ không phải luôn tạo ra một năng suất cao. Thậm chí có nghiên cứu còn chỉ ra rằng cả sự thỏa mãn của người dưới quyền và năng suất là cao hơn ở những người lãnh đạo có phong cách độc đoán. Một trong những phê phán mạnh mẽ nhất là đã chỉ ra rằng kết luận của Kurt Lewin dựa trên thực nghiệm về các học sinh, liệu kết luận từ môi trường giáo dục có phù hợp với môi trường kinh doanh hay không ? Và nó có phù hợp với người lớn hay không ?

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN