0236.3650403 (128)

CÁC TÁC NHÂN ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI (PHẦN 2)


2. Cơ hội để tận dụng lợi thế về chi phí từ địa điểm:

Chi phí hoạt động và khả năng tạo sinh lợi của một công ty bị tác động mạnh mẽ của việc đặt địa điểm sản xuất, phân phối và hoạt động dịch vụ khách hàng. Sự khác biệt lớn về giá cả nhân công giữa các quốc gia khiến cho những nước có giá nhân công rẻ như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, Việt Nam, Mexico, Brazil, Guatemala, Honduras, Philippines và một số các quốc gia ở châu Phi và Đông Âu khác trở thành những thiên đường để sản xuất hàng hóa và lắp ráp sản phẩm với lực lượng lao động có kĩ năng thấp. Bên cạnh đó, một công ty sản xuất sản phẩm cũng có thể tận dụng được lợi thế chi phí bằng cách đặt nhà xưởng của mình ở  các quốc gia có quy định luật pháp lỏng lẻo, thuế khóa thấp, chi phí về năng lượng rẻ hoặc dễ dàng tiếp cận được với các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không gặp nhiều khó khăn.

3. Rủi ro về thay đổi tỉ giá hối đoái:

Sự lên xuống bất thường của tỉ giá hối đoái giúp các công ty xuất khẩu có được lợi thế cạnh tranh khi đồng tiền ở nước xuất khẩu yếu và đánh mất lợi thế cạnh tranh khi đồng tiền ở nước xuất khẩu mạnh hơn.

4. Tác động của các chính sách của quốc gia chủ nhà đối với môi trường kinh doanh địa phương:

Chính phủ các nước luôn muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao mức sống của người dân. Điều đó khiến cho các quốc gia này thường xuyên nỗ lực trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn với các công ty nước ngoài để thu hút đầu tư. Chính phủ các nước có thể giảm thuế, cho vay với lãi suất thấp và hỗ trợ phát triển nếu các công ty nước ngoài đồng ý xây dựng nhà xưởng hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất và phân phối ở quốc gia sở tại. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn bị tác động bởi các yếu tố chính trị và kinh tế của chính quốc gia đó.Rủi ro về chính trị thường được hiểu là sự không ổn định của chính sách hoặc chính phủ tỏ ra yếu kém trong việc kiểm soát các vấn đề kinh tế hoặc không hào hứng với các hình thức kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Rủi ro về kinh tế được hiểu là sự đe dọa bị đánh cắp các tài sản trí tuệ cũng như sự thiếu ổn định từ kinh tế vĩ mô như tỉ lệ lạm phát cao hoặc chi tiêu công không hợp lý dẫn đến khủng hoảng về hệ thống tiền tệ và suy thoái kinh tế kéo dài.

 

ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD