0236.3650403 (128)

Chất lượng thông tin thống kê


CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN THỐNG KÊ

 

1. Khái niệm chất lượng thông tin thống kê

Khái niệm chung nhất về chất lượng thông tin thống kê được hiểu đó là "sự phù hợp cho sử dụng". Ban đầu các nhà thống kê hiểu và đồng nhất chất lượng thông tin thống kê với tính chính xác của nó. Cách hiểu như vậy chưa đầy đủ vì nếu thông tin chính xác nhưng được tính toán và công bố chậm, hoặc người sử dụng không thể tiếp cận để có thông tin thì cũng không thể nói thông tin thống kê có chất lượng vì nó không có ý nghĩa dưới góc độ người sử dụng.Như vậy,Chất lượng của thông tin thống kê là sự phù hợp sử dụng của khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu của ‘’khách hàng‘’ đối với thông tin thống kê, cơ quan thống kê phải xác định yêu cầu của người sử dụng là gì. Dựa vào điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng quốc gia, ý thức phục vụ người sử dụng, mỗi cơ quan thống kê có cách tiếp cận tới khái niệm chất lượng và đưa ra các tiêu thức riêng để phản ánh chất lượng thông tin thống kê. Với chức năng nhiệm vụ và mục tiêu, mỗi tổ chức quốc tế có cách tiếp cận riêng tới khái niệm và lựa chọn các tiêu thức phản ánh chất lượng thông tin thống kê khác nhau. Chẳng hạn, Quỹ tiền tệ quốc tế quan tâm nhiều tới phương pháp luận thống kê nên đã xây dựng một lược đồ đánh giá chất lượng thông tin theo thứ bậc với năm cấp. Cấp một có năm tiêu thức phản ánh chất lượng và hiểu đó là các điều kiện tiên quyết, bao gồm: tính trung thực; tính tin cậy về phương pháp luận; tính chính xác; khả năng tiếp cận và khả năng phục vụ. Cấp hai và cấp ba bao gồm các yếu tố và các chỉ tiêu của chất lượng. Cấp bốn đề cập tới những vấn đề tập trung đặc biệt và cấp năm liên quan tới những điểm cơ bản cần thực hiện để đảm bảo chất lượng thông tin.

2. Thống kê Việt Nam lựa chọn các tiêu thức phản ánh chất lượng thông tin

Xét điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời tham khảo việc lựa chọn các tiêu thức phản ánh chất lượng thông tin của tổ chức thống kê các nước và quốc tế, Tổng cục Thống kê đề xuất sáu tiêu thức nên lựa chọn trong công tác quản ký và nâng cao chất lượng thông tin thống kê:tính phù hợp, tính chính xác, tính kịp thời,khả năng tiếp cận, khả năng giải thích và tính chặt chẽ. Đề xuất sáu tiêu thức dựa trên những cơ sở chủ yếu sau đây:

- Để đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong hoạt động thống kê được qui định trong Luật Thống kê đòi hỏi thông tin thống kê phải đáp ứng các tiêu thức về tính phù hợp, tính chính xác và tính kịp thời. Luật thống kê cũng qui định "Công khai về phương pháp thống kê, công bố thông tin về thống kê" và "Bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê nhà nước phải được công bố công khai". Hai nguyên tắc này đòi hỏi thông tin thống kê phải đáp ứng các tiêu thức về khả năng tiếp cận và khả năng giải thích.

- Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng độ tin cậy của thông tin thống kê đó là phương pháp luận áp dụng trong thu thập, xử lý và biên soạn các chỉ tiêu chưa đồng bộ và thống nhất. Tính chặt chẽ đòi hỏi Tổng cục thống kê phải sử dụng thống nhất các khái niệm, phân loại chuẩn và phương pháp luận trong toàn bộ hệ thống thống kê, vì vậy tiêu thức tính chặt chẽ rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn của Tổng cục thống kê.

- Áp dụng sáu tiêu thức là điều kiện cần để Tổng cục thống kêđáp ứng 10 nguyên tắc cơ bản của thống kê nhà nước do các tổ chức thống kê quốc tế nêu ra, đảm bảo uy tín của Tổng cục thống kêvà đảm bảo chất lượng của thông tin thống kê.

-   Lựa chọn sáu tiêu thức phù hợp với xu thế lựa chọn chung của cơ quan thống kê các nước và các tổ chức quốc tế, đảm bảo tính tương thích trong cách hiểu, phương pháp tiếp cận đến phương pháp quản lý chất lượng thông tin thống kê và trong chừng mực nào đó đảm bảo khả năng so sánh giữa các cơ quan thống kê quốc gia.

Sáu tiêu thức phản ánh chất lượng thông tin thống kê có nội dung như sau :

2.1. Tính phù hợp của số liệu thống kê được thể hiện qua mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng. Đánh giá mức độ phù hợp của số liệu thống kê phụ thuộc vào nhu cầu khác nhau và hay thay đổi của người dùng tin. Với nguồn lực có hạn, cơ quan thống kê không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của người dùng tin mà phải xác định những loại số liệu biên soạn nhằm giải quyết bất cập giữa nhu cầu thông tin đa dạng với nguồn lực có hạn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng.

2.2. Tính chính xác của số liệuthể hiện qua mức độ phản ánh sát thực các hiện tượng kinh tế, xã hội của các chỉ tiêu thống kê. Không thể đòi hỏi số liệu thống kê phản ánh đúng hiện tượng vì thông tin thống kê đầu vào dùng để tính toán luôn chứa đựng sai số hệ thống và sai số ngẫu nhiên.

2.3. Tính kịp thời của số liệu thống kêbiểu thị độ trễ về thời gian giữa thời kỳ hay thời điểm số liệu thống kê phản ánh với thời điểm công bố số liệu. Luôn có sự đánh đổi giữa tính chính xác và tính kịp thời của số liệu thống kê, yêu cầu số liệu càng nhanh thì độ chính xác của số liệu càng kém.

2.4. Khả năng tiếp cận của số liệu thống kê thể hiện mức độ dễ dàng để có được số liệu từ các cơ quan thống kê. Khả năng tiếp cận thể hiện ở hai khía cạnh: Mức độ dễ dàng để có thể xác minh được số liệu thống kê cần có và sự phù hợp của các phương thức tiếp cận số liệu.

2.5. Khả năng giải thích của số liệu thống kêphản ánh mức độ sẵn có của những thông tin bổ sung và các bảng giải thích cần thiết giúp cho người dùng tin hiểu và sử dụng số liệu một cách chính xác và hợp lý, bao gồm: khái niệm của chỉ tiêu, các phương pháp phân loại đang áp dụng, phương pháp thu thập và xử lý thông tin, phương pháp luận dùng trong biên soạn chỉ tiêu và chỉ rõ mức độ chính xác của số liệu thông tin thống kê.

2.6. Tính chặt chẽ của số liệu thống kêphản ánh mức độ kết hợp số liệu từ các nguồn khác nhau để đưa vào cùng một lược đồ số liệu rộng hơn theo thời gian. Tính chặt chẽ đòi hỏi cơ quan thống kê phải sử dụng thống nhất các khái niệm, phân loại chuẩn và phương pháp luận trong toàn bộ hệ thống thống kê.

Các tiêu thức phản ánh chất lượng thông tin thống kê mang ý nghĩa định tính. Trong quản lý, các nhà thống kê đã xây dựng Hệ thống đánh giá chất lượng thông tin để đo lường chất lượng thông tin về mặt định lượng. Hệ thống này tập trung đánh giá trên sáu lĩnh vực: Môi trường làm ra thông tin thống kê; Tính phù hợp của qui trình làm ra thông tin thống kê, Tính chính xác của hoạt động thu thập thông tin; Tính hoàn hảo của thông tin thống kê đã công bố; Mức độ thoả mãn nhu cầu của người sử dụng; Nỗ lực hoàn thiện chất lượng thông tin. Trong mỗi lĩnh vực đều lựa chọn một số chỉ tiêu để đánh giá và cuối cùng lượng hoá bằng điểm số cho cả hệ thống.

                                                                                                                                                                   Nguyễn Thị Tiến-Khoa QTKD