ĐÁNH GIÁ CÁC NGUỒN LỰC, CẤU TRÚC CHI PHÍ VÀ TÍNH CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY (PHẦN 1)
Nhà quản trị cần phải hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp để từ đó tăng cường điểm mạnh và giảm bớt điểm yếu. Nhưng làm thế nào để đánh giá được tình hình bên trong của công ty bao gồm nguồn lực và khả năng, vị trí tương đối của công ty và sức mạnh cạnh tranh của công ty so với đối thủ? Bên cạnh việc trả lời câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu?” và kiểm tra lại chiến lược hiện tại mà công ty đang áp dụng thông qua “Ba bước kiểm tra tính thành công của chiến lược”, còn có năm câu hỏi có thể giúp nhà quản trị soi sáng lối đi, đó là:
- Chiến lược hiện tại của công ty có hoạt động hiệu quả hay không?
- Nguồn lực và khả năng nào của công ty đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình cạnh tranh?
- Cấu trúc chi phí và giá trị mang lại cho khách hàng của sản phẩm có cạnh tranh so với đối thủ không?
- Các đối thủ quan trọng đang mạnh hơn hay yếu hơn so với công ty của chúng ta?
- Những vấn đề chiến lược hiện tại có phải là ưu tiên hàng đầu đối với các cấp quản lý hay không?
Chúng ta sẽ lần lượt xem xét chi tiết từng câu hỏi:
Vấn đề 1: chiến lược hiện tại của công ty có hoạt động hiệu quả hay không?
Hai tiêu chí tốt nhất để đánh giá hiệu quả của chiến lược mà công ty đang áp dụng đó là (1) công ty có đang gặt hái lợi nhuận và tạo ra sức mạnh tài chính không? và (2) sức mạnh cạnh tranh và vị thế trên thị trường của công ty có đang được cải thiện không. Các tiêu chí khác để đánh giá hiệu quả của công ty có thể bao gồm:
- Các xu hướng bán hàng và tăng trưởng lợi nhuận của công ty.
- Các xu hướng về giá cổ phiếu.
- Sức mạnh tài chính tổng quan của công ty.
- Tỉ lệ giữ chân khách hàng.
- Tỉ lệ thu hút khách hàng mới.
- Thay đổi trong hình ảnh và danh tiếng của công ty đối với khách hàng.
- Bằng chứng của việc cải thiện các quy trình nội bộ như tỉ lệ sản phẩm lỗi, hoàn thành đơn đặt hàng, thời gian giao hàng, số ngày lưu kho và năng suất của nhân viên.
Công ty có tình hình tổng quan càng tốt sẽ không nhất thiết có những thay đổi triệt để về chiến lược và ngược lại. Tóm lại, cách tiếp cận cạnh tranh của từng công ty đòi hỏi phải phù hợp chặt chẽ với môi trường bên trong và trở nên mạnh mẽ hơn khi công ty tận dụng được các nguồn lực có giá trị, khó sao chép và không thể bị các nguồn lực khác của đối thủ thay thế. Như vậy, hiểu rõ phương pháp nhận định được lợi thế cạnh tranh dài hạn của công ty là chìa khóa mở cửa cho thành công của công ty trên thị trường.
Th.S Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD