0236.3650403 (128)

Đánh giá chung về thị trường nửa đầu năm 2023


Bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 cho thấy nhiều yếu tố khó khăn hơn thuận lợi. Các đầu kéo kinh tế xuất khẩu, sản xuất công nghiệp giảm; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh. Các chỉ số dự báo kinh tế như PMI, IIP kém tích cực cho thấy tình hình kinh tế trong các tháng tới sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.

Áp lực lạm phát khả năng tiếp tục tăng trong Quý I, tuy nhiên sau đó duy trì ổn định khi sức cầu đang giảm tốc dần và cả năm 2023 dự báo đạt 4,5% theo muc tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến yếu tố giá cả các hàng hóa cơ bản (điện, y tế) dự báo tăng sẽ tác động đến lạm phát. Ngoài ra, trong trường hợp các dự án đầu tư công không đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng có thể tạo áp lực lên lạm phát.

Cho năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng yếu tố đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.

Dòng vốn FDI mới tăng trong tháng 1 phản ánh Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ duy trì đà tăng trưởng ổn định và lạm phát kiểm soát. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn trước biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.

Th.S Mai Xuân Bình - Khoa QTKD