0236.3650403 (128)

Đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh trong tháng 9 – 2022


Về tín dụng và tiền gửi, theo số liệu Tổng cục thống kê, tới ngày 20/9/22, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 10,54%. Sau giai đoạn tín dụng tăng chậm vào tháng 7 và tháng 8 thì các ngân hàng đã tiếp tục đẩy mạnh cho vay sau khi được nới room đầu tháng 9. Mức tăng này cao hơn hẳn mức tăng 7,17% của cùng kỳ năm 2021, thể hiện nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang tăng cao sau dịch. Huy động vốn tại các TCTD đã tăng 4,04% so với đầu năm. Mức tăng này chỉ bằng gần nửa so với tăng trưởng tín dụng và chậm hơn mức tăng trưởng 4,28% của cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang ở vùng thấp và làm giảm sự hấp dẫn của kênh tiền gửi. Sự mất cân bằng giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng từ đầu năm cũng có thể là nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng đã có lúc vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ qua.

Về chất lượng tài sản, Tỷ lệ bao nợ xấu duy trì mức cao tạo bộ đệm vững chắc về tình hình hoạt động. Tại 30/06/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng đang niêm yết tăng lên 1,5% so với mức 1,37% thời điểm 31/12/2021. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh như: NVB (tăng từ 3% lên 11,05%), SHB (tăng từ 1,69% lên 2,55%), VPB (tăng từ 4,57% lên 5,25%),... Đối với nợ nhóm 2 (quá hạn đến 90 ngày), chúng tôi ghi nhận sự tăng nhanh ở một số ngân hàng như BAB (+165%), SSB (+123%), VCB (+70%),...Cần lưu ý các khoản nợ này sẽ chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời gian tới nếu các ngân hàng không kịp thời thu hồi

Về doanh thu – chi phí, tổng thu nhập hoạt động 6T/22 tăng 19%yoy với điểm sáng từ thu nhập ngoài lãi. Một số ngân hàng có tổng thu nhập tăng trưởng tốt như: LPB (+47%yoy), VPB (+37%yoy), TPB (+31%yoy),...Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng 23%yoy chủ yếu nhờ lãi dịch vụ tăng 12%yoy, lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 49%yoy và các hoạt động dịch vụ khác tăng mạnh 76%yoy. Tính riêng Q2/22, thu nhập hoạt động tăng 16%yoy do thu lãi thuần tăng ổn định 16%yoy, lãi dịch vụ tăng 10%yoy và lãi kinh doanh ngoại hối tăng 50%yoy. Tổng chi phí 6T/22 chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ nhờ giảm trích lập dự phòng. Trong đó, chi phí dự phòng đã giảm nhẹ 1% sau giai đoạn dịch nhờ giảm trích lập dự phòng. Tổng chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 15% trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 19% khiến hệ số CIR của các ngân hàng đã giảm xuống 31,3% từ mức 32,3% trong 6T/21. Việc tăng cường đẩy mạnh đầu tư công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động trong các năm tới.  

ThS. Mai Xuân Bình – Khoa QTKD