0236.3650403 (128)

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ 1/2022 – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NHÀ ĐẦU TƯ


Bức tranh kinh tế - xã hội Quý I năm 2022 được duy trì ổn định với tăng trưởng GDP đạt 5,03% so với cùng kỳ 2021 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các sự kiện địa chính trị khó lường. Kinh tế có nhiều điểm sáng như bán lẻ tiêu dùng hồi phục, cán cân thương mại xuất siêu, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đang hồi phục tích cực để hướng đến mục tiêu GDP 6,5% - 7% năm 2022.

Các sự kiện Xung đột Nga – Ukraine; FED tăng lãi suất; Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid có thể tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá các sự kiện chính trị trên về cơ bản chỉ tác động về mặt tâm lý trong ngắn hạn, trong khi nội lực từ đà phục hồi kinh tế đang rõ nét giúp kỳ vọng VN-Index lập các đỉnh cao mới.

Áp lực lạm phát đang gia tăng chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh hơn 40% từ đầu năm theo giá nhiên liệu thế giới. Mục tiêu lạm phát của Việt Nam năm 2022 khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nếu giá dầu duy trì tại mặt bằng giá cao suốt cả năm và mất cân đối cung – cầu khi đà khôi phục sản xuất không theo kịp nhu cầu. Mặc dù vậy, nhiều khả năng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 4-5% nhờ giá cả lương thực, thực phẩm hỗ trợ kiềm chế và giá xăng dầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, Chính phủ cũng kịp thời đưa ra các chính sách điều tiết giả cả. Cụ thể, ngày 15/03, Chính phủ đã đưa biện pháp kịp thời giảm 50% thuế BVMT với xăng dầu để điều tiết lạm phát.

Cơ hội cho thị trường:

P/E VN-Index hiện quanh 17x, là mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các TTCK khác trong khu vực. Đồng thời mặt bằng P/E 2022 dự kiến sẽ giảm xuống khi lợi nhuận các doanh nghiệp hồi phục. Với kỳ vọng dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp quay trở lại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, sức cầu tiêu dùng hồi phục, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định.

Hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến tiếp tục khởi sắc trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu dùng quốc tế tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ xuất khẩu gạo, sắt thép, hóa chất, phân bón nhờ chiến tranh Nga – Ukraine. Đồng thời, việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, FTAs, CPTPP, RCEP kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Các nhóm xuất khẩu được chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng trong 2022 là Xơ, sợi; Dệt may; Gỗ và các sản phẩm Gỗ; Thủy sản.

Năm 2022, việc thực hiện Chương trình phục hồi của Chính phủ cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và gói cấp bù lãi suất 2% kỳ vọng sẽ giúp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kinh tế dần hồi phục sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Một số nhóm ngành được hưởng lợi bao gồm Hàng không; Du lịch; Vận tải, kho bãi; Công nghệ thông tin; Công nghiệp; Nông Nghiệp; Bất động sản Khu công nghiệp.

Rủi ro cho thị trường:

Áp lực lạm phát gia tăng: Sức ép lạm phát từ chi phí đẩy và cầu kéo khả năng sẽ gia tăng trong các năm tới. Trường hợp lạm phát tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cũng như các dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán.

Rủi ro ở một số nhóm cổ phiếu: Nhóm cổ phiếu vốn penny, đầu cơ đang có mặt bằng giá cao và rất cao nếu so với cùng kỳ năm 2021 trong khi hoạt động kinh doanh hầu hết các mã không cải thiện tương xứng với mức tăng giá. Đây là nhóm cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp thị trường chuyển biến xấu hoặc khi có các thông tin vĩ mô, địa chính trị không thuận lợi.

ThS. Mai Xuân Bình  - Khoa QTKD