0236.3650403 (128)

ĐẦU TƯ CÔNG TẠI ĐÀ NẴNG


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Đầu tư công theo nghĩa hẹp được hiểu là đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ nguồn viện trợ phát triển chính thức  của  nước ngoài, từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ ở trong nước và nước ngoài.

Theo dự thảo luật đầu tư công (03/2010) thì đầu tư công là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, d ự án phục vụ phát triển kinh tế -xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Hội nghị quốc tế về đầu tư công do Ngân hàng thế giới tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2010  có  đưa ra khái  niệm  sau: “Đầu tư công là sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư vào các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế -  xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận và không có khả năng thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn chậm”.

Như vậy, đầu tư công chính là đầu tư phát triển của khu vực kinh tế nhà nước. Trong nội dung  bài viết dưới đây, đầu  tư  công  sẽ được  hiểu  theo  khái niệm này.

 

Đầu  tư  phát  triển và đầu tư công ở Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế  - xã hội của Thành phố, tuy nhiên bên cạnh những mặt làm được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là:

Mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai  thác tài nguyên và gia công hàng xuất khẩu.

Năng lực sản xuất của vốn đầu tư đang có xu hướng giảm dần. Hệ số ICOR của thành phố Đà Nẵng có xu hướng gia tăng khá cao qua các năm, trong giai đoạn 1997-2000, hệ số ICOR trung bình là 2,7 đã tăng lên 3,7 trong  giai đoạn 2001-2005 và 4,6 trong giai đoạn 2006-2012. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng hiệu quả sử dụng vốn có xu hướng giảm là do tình trạng đầu tư còn dàn trải và tiến độ chậm của nhiều dự án lớn. Riêng năm 2006 có  hệ số ICOR rất cao, tăng vọt lên 8,04 chủ yếu do thiệt hại từ thiên tai làm GDP giảm sút trong khi phải tăng vốn đầu tư - xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch do sửa chữa, xây dựng lại nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng để  ổn định đời sống và sản xuất.

Tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội ở Đà Nẵng còn cao hơn mức bình quân cả nước và có xu hướng giảm chậm. Tình trạng đầu tư công thiếu quy hoạch, đầu tư phân tán, đầu tư thiếu đồng bộ, đ ầu tư cùng lúc vào nhiều dự  án…vẫn còn xảy ra. Một số dự án triển khai chậm, kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và chậm đưa công trình vào sử dụng; thậm  chí có công trình đã đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả đầu tư không đạt như mong muốn và dự tính ban đầu.

Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư công lớn và tăng nhanh nên việc bố  trí đầu tư  công  còn dàn trải, làm giảm hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Việc triển khai các phương thức đầu tư mới nhằm kêu gọi đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng như hợp tác công tư (PPP), BOT, BTO, BT… chưa được quan tâm chú ý. Thành phố  còn thiếu các cơ chế  mang tính đột phá và vượt trội  trong kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Một số dự án do ngân sách trung ương đầu tư trên địa b àn thành phố tiến độ triển khai rất chậm, nhất là các dự án trọng điểm theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Mặc dù Đà Nẵng đã được thực hiện cơ chế ưu đãi theo Quyết định 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006 của Thủ  tướng Chính phủ, song chưa được phân cấp mạnh, nhất là thẩm quyền quyết định đầu tư, do vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố có các bước phát triển đột phá.

Định hướng đầu tư công

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020 đã  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng định hướng đầu tư công ở Đà Nẵng trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung sau:

Đầu tư NSNN tập trung cho kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn và các ngành công nghiệp công nghệ cao; Ưu tiên đầu tư phát triển  giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, gắn kết với hạ tầng giao thông liên tỉnh, quốc tế và bảo vệ môi trường.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới, một số giải pháp chủ yếu cần được nghiên cứu triển khai như sau:

Một là, Thành phố cần sớm banhành một chương trình tổng thể để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh, có các mục tiêu định lượng cụ thể với lộ trình thực hiện rõ ràng, kèm theo các chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư khả thi.

Hai là, tập trung nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các công trình trọng điểm, cần sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng để phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn có lợi thế trong việc tạo ra giá trị gia tăng lớn gồm du lịch, vận tải - kho bãi, bưu chính - viễn thông, thương mại, tài chính - ngân hàng...

Ba là, ban hành tiêu chí thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư bằng vốn NSNN, tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế  - xã hội; tiến hành rà soát, đánh giá lại tất cả các dự án đang thực hiện hoặc trong quy hoạch để phân loại theo thứ tự ưu tiên thực hiện, kiên quyết loại bỏ các dự án không còn đáp ứng tiêu chí đặt ra.

Bốn là, nâng cao năng lực quản lý đầu tư, hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nhà nước.

Năm là, ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư và quản lý đầu tư để khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, có tác động lan tỏa và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. 

Sáu là,  nghiên cứu triển khai phương thức phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình để thu hút vốn đầu tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển thành phố phối hợp  cùng các tổ chức tín dụng thực hiện các hình thức cho vay hợp vốn đối với các dự án phát triển sản xuất – kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên phát triển.

Bảy là,  Xây dựng kế hoạch dài hạn về vận động vốn hỗ trợ phát triển chính  thức (ODA) và viện trợ  phi chính  phủ (NGO). Tăng  cường quản  lý, sử dụng nguồn vốn ODA, NGO một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Tám là, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào các dự án xây dựng cơ bản thông qua: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục đầu tư - XDCB; Cung cấp công khai, đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về kinh tế vĩ mô, quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư nhà nước... của Thành phố đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Triển khai các hình thức kêu gọi đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng theo các  hình  thức  BOT,  BTO,  BT;  thí  điểm  triển  khai  hình  thức  hợp  tác công tư (PPP).