0236.3650403 (128)

DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ


1. Vốn đầu tư?

            Trong nền kinh tế thị trường, vốn được xem là yếu tố quan trọng nhất của mọi quá trình đầu tư và kinh doanh. Để quản lý hiệu quả vốn đầu tư cần thiết phải xem xét, nhận thức lại khái niệm và những đặc trưng của vốn.

            Vốn đầu tư là yếu tố tiền đề của mọi quá trình đầu tư. Trong thời kỳ kinh tế bao cấp tại Việt Nam, phần lớn vốn đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước, các doanh nghiệp được Nhà nước cấp phát vốn hoặc cho vay với lãi suất rất thấp nên người ta không quan tâm đến những vấn đề lý luận về vốn, đặc biệt là thuộc tính hàng hóa và các đặc trưng của vốn.

            Có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm vốn đầu tư. Theo tác giả K.Marx, ông đã khái quát phạm trù vốn qua phạm trù Tư bản. Theo K.Marx: Tư bản là giá trị đem lại giá trị thặng dư. Định đề rút gọn này của K.Marx đã bao quát cả nội dung, các đặc trưng và vai trò của vốn. Để nhận thức đúng tư tưởng của K.Marx chúng ta cần phải phân tích sâu hơn phạm trù vốn này.

            Tóm lại: Vốn đầu tư được hiểu là giá trị của những tài sản mà một cá nhân, một công ty hoặc Nhà nước bỏ vào các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích kiếm lợi nhuận trong tương lai.

2. Các đặc trưng cơ bản của vốn đầu tư:

            Ở phần trên chúng ta đã nghiên cứu khái niệm cũng như vai trò của vốn đầu tư đối với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Dưới đây là một số đặc trưng cơ bản của vốn đầu tư:

            Thứ nhất, vốn đầu tư được biểu hiện bằng giá trị của những tài sản, điều này có nghĩa là vốn phải đại diện cho một lượng giá trị đích thực của các tài sản hữu hình hoặc vô hình như: tư liệu sản xuất, nhà xưởng, đất đai, nguyên vật liệu, bằng phát minh sang chế, sở hữu trí tuệ,… Như vậy, một lượng tiền được in khống để tung vào đầu tư thì không được gọi là vốn đầu tư. Bên cạnh đó, những khoản nợ chồng chất mà doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, đi đến vỡ nợ, phá sản cũng không đúng với nghĩa của vốn. Vì vậy khi huy động vốn, các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và chịu sự giám sát chặt chẽ của chủ nợ.

            Thứ hai, vốn phải là tài sản vận động. Vốn được biểu thị bằng tiền nhưng điều đó không có nghĩa là có tiền là có vốn. Tiền chỉ là dạng tiềm năng của vốn, để tiền trở thành vốn thì tiền đó phải vận động và sinh lời. Vì vậy, hàng hóa vật tư tồn kho ứ đọng, tài sản cố định không dùng, tài nguyên, sức lao động không được sử dụng, tiền vàng cất trữ và các khoản nợ khó đòi chỉ là vốn chết.

            Ba là, vốn phải được tích tụ, tập trung đến một lượng nhất định mới có thể phát huy được tác dụng. Để đầu tư kinh doanh, vốn phải được gom lại thành những món tiền đủ lớn. Vì vậy, để đầu tư các nhà đầu tư không chỉ khai thác mọi tiềm năng vốn có của doanh nghiệp mà còn phải tìm cách góp vốn, hung vốn liên doanh, phát hành cổ phiếu,…Tại các nước phát triển, để tìm kiếm nguồn tài trợ cho đầu tư, các nhà đầu tư thông qua hoạt động mua bán vốn trên thị trường chứng khoán của quốc gia và quốc tế.

            Thứ tư, trong nền kinh tế thị trường, vốn kinh doanh luôn gắn liền với quyền sở hữu. Mọi nguồn vốn sử dụng trong kinh doanh đều có chủ sở hữu, ở đâu còn những nguồn vốn vô chủ thì ở đó còn có tình trạng sử dụng vốn lãng phí và kém hiệu quả. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là vốn có khả năng tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn. Tùy theo hình thức đầu tư, người sở hữu vốn có thể đồng nhất với người sử dụng vốn, hoặc cũng có thể người sở hữu vốn được tách khỏi người sử dụng vốn. Còn đối với nguồn vốn của Nhà nước, Bộ Tài chính thay mặt cho Nhà nước là chủ sở hữu vốn, còn Giám đốc hoặc Hội đồng quản trị các doanh nghiệp Nhà nước là người sử dụng vốn.

            Năm là, trong nền kinh tế thị trường vốn phải được quan niệm là một hàng hóa đặc biệt. Khác với hàng hóa thông thường, hàng hóa vốn khi được bán sẽ không bị mất quyền sở hữu mà chỉ bán quyền sử dụng. Người mua được quyền sử dụng vốn trong một thời gian nhất định và phải trả cho người sở hữu vốn một khoản tiền được gọi là tiền lãi (theo lãi suất được áp dụng). Lãi suất chính là giá phải trả cho việc được sử dụng vốn trong một thời kỳ nhất định.  

            Việc mua bán vốn được diễn ra trên thị trường tài chính, trong nền kinh tế thị trường có 2 loại thị trường tài chính như sau:

            - Thị trường tiền tệ: Là nơi mua bán vốn ngắn hạn (có thời hạn sử dụng dưới 1 năm).

            - Thị trường chứng khoán: Là nơi các nhà kinh doanh mua bán vốn dài hạn (có thời hạn sử dụng trên 1 năm). Giá mua bán vốn chính là lãi suất mà người sử dụng vốn phải trả cho chủ sở hữu của khoản vốn đó. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả mua bán vốn cũng tuân theo quan hệ cung cầu trên thị trường vốn.

            Thứ sáu, trong nền kinh tế thị trường, vốn không chỉ biểu hiện bằng tiền, phản ánh giá trị của những tài sản hữu hình mà nó còn được biểu hiện bằng giá trị của những tài sản vô hình. Tài sản vô hình là một loại tài sản đặc biệt, hình thức biểu hiện của nó rất đa dạng và nhiều khi giá trị của nó rất lớn. Ví dụ như vị trí kinh doanh của một doanh nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phát minh khoa học, uy tín trong kinh doanh, trình độ quản lý,… Vấn đề cần lưu ý là những tài sản này phải được giá trị hóa, nghĩa là nó phải được đo lường bằng tiền tệ. Đây là một vấn đề rất khó, song việc giá trị hóa này là rất cần thiết trong các trường hợp góp vốn liên doanh và định giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

 

ThS Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD