0236.3650403 (128)

DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ


Các dự án phát triển kinh tế là dự án trực tiếp tạo ra sản phẩm chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngành, vùng, thúc đẩy quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế hoặc cơ cấu thu nhập của nhiều bộ phận dân cư.

          Các dự án phát triển làm giảm khuyết tật của thị trường, những nhân tố làm chậm quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Các dự án phát triển nằm trong kế hoạch kinh tế của quốc gia. Dự án phát triển có quy mô lớn, thời gian vận hành dài.

          Đặc điểm của dự án phát triển.

          - Dự án phát triển là những dự án lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

          - Dự án phát triển nhắm tới 2 mục tiêu: hiệu quả tài chính và hiệu quả xã hội.

          - Dự án phát triển nhận hỗ trợ trực tiếp từ nhà nhà nước.

           Nguồn tài trợ cho dự án phát triển.

          Việc thiết kế nguồn tài trợ đóng vai trò quan trọng, vì phải đảm bảo yêu cầu: tập trung khối lượng vốn lớn trong nền kinh tế với thời gian ngắn, lãi suất thấp, thời gian sử dụng dài. Các nguồn vốn tài trợ cho dự án phát triển bao gồm:

          - Nguồn ngân sách nhà nước. Vốn ngân sách cho đầu tư sẽ được ưu tiên cho những dự án không có khả năng hoàn trả, hoặc có khả năng hoàn trả song mức sinh lời thấp, rủi ro cao, thời gian hoàn vốn dài. Nguồn ngân sách cho dự án phát triển bao gồm:

          + Thặng dư ngân sách.

          + Trái phiếu chính phủ.

          - Nguồn tài trợ phát triển của các chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế (ODA, viện trợ song phương, tài trợ của WB...)

          - Vay của ngân hàng phát triển.

          - Vay ngân hàng thương mại.

          - Nguồn khác.

          Sự cần thiết của ngân hàng phát triển đối với việc cung cấp các nguồn vốn cho dự án phát triển.

          Quá trình hình thành ngân hàng phát triển của các tổ chức tài chính gắn liền với quá trình phát triển kinh tế. Các ngân hàng như ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, các tổ chức tài chính phi ngân hàng như quỹ đầu tư, công ty tài chính...đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thu hút tiết kiệm và tài trợ cho phát triển, hạn chế rủi ro và tăng khả năng sinh lời. Phần lớn các trung gian tài chính này hoạt động nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho các chủ sở hữu. Bệnh cạnh đó, có các tổ chức hoạt động với mục tiêu và đối tượng đặc biệt, hướng tới lợi ích kinh tế xã hội, trong đó có ngân hàng phát triển.

          Ngân hàng phát triển là một tổ chức tín dụng mà hoạt động chủ yếu là tài trợ trung và dài hạn cho các dự án phát triển.

          Hoạt động của ngân hàng phát triển là huy động, tài trợ và làm các dịch vụ thanh toán. Mục tiêu hoạt động của ngân hàng phát triển là tài trợ có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế do chính phủ hoạch định. Phương thức tài trợ chủ yếu là đầu tư trung và dài hạn cho các công trình kinh tế trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thông qua đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ.

          Sự cần thiết phải hình thành ngân hàng phát triển.

          - Do nhu cầu vốn trung và dài hạn cho sự phát triển kinh tế. Nguồn vốn này rất hạn chế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển vì các nguyên nhân sau:

+ Hệ thống ngân hàng thương mại với nguồn vốn ngắn hạn là chủ yếu, chỉ tập trung cho vay ngắn hạn.

+ Thị trường vốn trung và dài hạn không có, hoặc kém phát triển.

+ Chi ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế bị hạn chế.

          - Do việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội trong tài trợ dài hạn.

+ Các dự án phát triển là rất cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế. Các dự án này có khả năng sinh lời thấp, rủi ro cao.

+ Các ngân hàng thương mại không sẳn sàng đầu tư vào các dự án phát triển vì phần lớn các khoản tín dụng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp và phải đạt được hiệu quả tài chính theo thị trường.

          - Do yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển có hiệu quả.

Nguyễn Thị Hạnh - Khoa QTKD