0236.3650403 (128)

Giải pháp nâng cao việc thu thuế tài nguyên Việt Nam


Trong điều kiện các nguồn lực để phát triển kinh tế còn chưa đủ mạnh, tài nguyên là nguồn lực đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian qua, sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên đã cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào đáng kể cho các ngành sản xuất khác, góp phần ổn định dần sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Theo thống kê hàng năm, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp từ 10% - 12% GDP. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả cần phải có những giải pháp đồng bộ sau:

Sẽ tiếp tục sửa đổi để khích lệ người nộp thuế: Theo Vụ Chính sách thuế- Bộ Tài chính, trong thời gian tới thuế Tài nguyên cần được nghiên cứu, bổ sung theo hướng vừa khích lệ người nộp thuế vừa là công cụ hữu hiệu góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa XK tài nguyên chưa qua chế biến. Sẽ sửa đổi, bổ sung qui định về giá tính thuế, thuế suất và thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính thì việc tính thuế Tài nguyên cần thay đổi theo hướng dựa vào trữ lượng có thể khai thác được xét đến lợi thế về điều kiện khai thác mỏ và lợi thế thị trường tiêu thụ… chứ không đơn thuần dựa trên báo cáo sản lượng khai thác của DN.

Đơn cử trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, hiện nay, nguồn thu trực tiếp từ việc khai khoáng vẫn dựa chủ yếu vào thuế Tài nguyên. DN tự kê khai sản lượng khoáng sản thực tế khai thác hàng năm và cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm cơ sở cho việc tính thuế tài nguyên khoáng sản. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp báo cáo chưa đúng sản lượng khai thác gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Ngoài ra, việc duy trì phương thức tính thuế tài nguyên dựa theo hóa đơn xuất của DN cũng có thể dẫn tới tình trạng DN bắt tay với đối tác ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá thực tế nhằm trốn thuế và các loại phí liên quan. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để tình trạng "chảy máu" tài nguyên, gây thất thu cho ngân sách, Nhà nước cần phải đánh thuế ở mức cao các loại quặng xuất khẩu.

Vấn đề đặt ra hiện nay, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường; xây dựng, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác... Nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Thuế chỉ là công cụ cuối cùng: Sự ra đời của Luật Thuế tài nguyên trong thời gian tới, xét cho cùng cũng chỉ nhằm siết chặt hơn việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên toàn quốc, tránh thất thoát và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, để công cụ thuế được thực thi có hiệu quả, cần phải có những quy hoạch, chính sách rõ ràng, đồng nhất từ trung ương đến địa phương thì mới quản lý được tận gốc các nguồn tài nguyên, thay cho việc “đụng đâu, thu đó”.

Giải pháp phát triển công nghiệp khai khoáng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phải bắt đầu từ các dự án khai thác mỏ, cần theo đúng Luật Khoáng sản và theo cam kết của các doanh nghiệp, nếu dự án không triển khai theo đúng tiến độ thì sẽ bị thu hồi. Các dự án hết hạn đều không cho gia hạn.

Với thực trạng khá lộn xộn ở các địa phương hiện nay, việc cấp phép mỏ mới cho các doanh nghiệp nên dừng lại và phải tập hợp các điểm mỏ, lập danh sách theo nhóm nguyên liệu và tổ chức đấu thầu theo nhóm. Tiếp đến là lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong ngành khai khoáng, có dự án đầu tư chế biến và có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu nhà đầu tư lập đề án và triển khai đánh giá thăm dò địa chất, quy hoạch các điểm mỏ làm nguồn nguyên liệu, báo cáo kết quả đánh giá thăm dò địa chất.

Với kết quả thăm dò địa chất, nếu nhà đầu tư tiếp tục dự án thì yêu cầu lập dự án khả thi về chế biến, lựa chọn sản phẩm, quy mô, công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư triển khai dự án đã được phê duyệt. UBND tỉnh giám sát tiến trình thực hiện dự án. Những bước đi trên là cách làm cho nguồn nguyên liệu vốn ít ỏi, phân tán được đánh giá đúng trữ lượng, được tập trung sử dụng.

Nguồn nguyên liệu tập trung sẽ giúp cho việc lựa chọn công nghệ, quy mô lớn và giảm chi phí sản xuất. Nguyên liệu được chế biến sâu, không còn xuất thô, giá trị thương mại cao hơn, tận thu sử dụng có hiệu quả. Theo đó, các dự án đảm bảo có nguồn bao tiêu sản phẩm, tránh được những tác động về biến động giá trên thị trường.

Cũng nên thu thuế tài nguyên theo dự án được duyệt. Từ kết quả báo cáo địa chất và dự án được duyệt, xác định trữ lượng và chia theo tuổi đời dự án, Nhà nước thu thuế tài nguyên cho một, hai hoặc ba năm đầu tiên ngay trước khi cấp phép khai thác. Từ các năm sau sẽ thu theo từng năm.

Trong thời điểm hiện nay, khi suất đầu tư vào các dự án khai khoáng rất lớn, hiệu quả kinh tế lại không cao, giá cả quốc tế biến động giảm làm giảm hiệu quả dự án, công nghiệp khai khoáng là ngành non trẻ, Nhà nước không nên nâng thuế tài nguyên với biên độ cao như đề xuất của Bộ Tài chính. Việc thất thu thuế tài nguyên không phải do thuế suất thấp mà do gian lận thương mại, kê khai thuế không đúng với sản lượng khai thác cũng như xuất bán, nhất là xuất lậu.

ThS. Hoàng Thị Xinh