0236.3650403 (128)

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỐI VỚI THỐNG KÊ VIỆT NAM


NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ TIẾN

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỐI VỚI THỐNG KÊ VIỆT NAM

I. Thực tế Thống kê Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hiện nay,hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục Thống kê luôn được chú trọng và ngày càng phát triển. Trong những ngày đầu, Thống kê Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các chuyên gia thống kê Nga, Trung Quốc và các nước khác về phương pháp luận thống kê cũng như về kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo cán bộ thống kê.

 Trong thời kỳ đổi mới, Thống kê Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu, rộng vào hoạt động của Thống kê thế giới, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

 Với chủ trương tăng cường hội nhập để phát triển, Tổng cục Thống kê đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động thống kê quốc tế trong khuôn khổ thống kê Liên hợp quốc (UNSD), các tổ chức của Liên hợp quốc như UNDP, UNFPA, UNIDO, FAO, UNESCO, UNICEF, ILO và các tổ chức quốc tế khác như WB, ADB, Viện Thống kê Quốc tế (ISI)... Trong đó có việc đáp ứng các nhu cầu thông tin thống kê, góp phần giới thiệu với thế giới về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam với tư cách Việt Nam là một thành viên ngày càng có vai trò quan trọng của Liên hợp quốc.

Các số liệu thống kê của Việt Nam phục vụ Giám sát thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ( MDGs) của Liên Hợp quốc được các tổ chức quốc tế sử dụng, đánh giá cao và Tổng cục Thống kê đã hoàn thành tốt vai trò là điều phối quốc gia trong Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) của IMF.

 Đặc biệt, Thống kê Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á và thường xuyên có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác và hoạt động thống kê khu vực.

Cùng với các hoạt động hợp tác đa phương, Thống kê Việt Nam còn chủ động đẩy mạnh hợp tác song phương với Thống kê các nước nhằm trao đổi kinh nghiệm và góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị trên quan điểm là bạn và đối tác tin cậy của nhau. Theo đó, Thống kê Việt Nam đã ký kết thoả thuận tăng cường hợp tác song phương với Thống kê nhiều nước như Lào, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovakia, Hung ga ry…

 Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Thống kê Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế về chuyên môn, nghiệp vụ và cơ sở vật chất, trong đó phải kể đến các dự án Hỗ trợ Tổng điều tra dân số của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA); Dự án Hỗ trợ chuyển đổi từ hệ thống cân đối vật chất sang Hệ thống Tài khoản quốc gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Tăng cường năng lực thống kê kinh tế (Sida, Thụy Điển ); Dự án “Hỗ trợ giám sát phát triển kinh tế - xã hội” do UNDP tài trợ, nhằm nâng cao năng lực quốc gia trong việc giám sát các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (SEDP), các mục tiêu Phát triển Việt Nam (VDGs) và các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs); Dự án Hiện đại hoá Thống kê Việt Nam của Ngân hàng Thế giới…

 Với nỗ lực phấn đấu, cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, của Chính phủ các nước, năng lực Thống kê Việt Nam đã ngày càng được cải thiện, trước hết là trong việc áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đồng thời, đội ngũ cán bộ thống kê ở cả Trung ương và địa phương ngày càng được nâng cao trình độ về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ thông qua các khoá đào tạo, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm được tổ chức ở trong và ngoài nước…Vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng quốc tế đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, để hội nhập sâu rộng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, Thống kê Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong hoạt động hợp tác quốc tế, cũng như tham gia tích cực hơn trong việc thực hiện các cam kết đối với các nước và các tổ chức quốc tế theo phương châm hợp tác quốc tế là một trong bốn trụ cột của hội nhập thống kê đầu thế kỷ 21.

Đồng thời, Thống kê Việt Nam phải luôn tuân thủ nguyên tắc là muốn đẩy mạnh hợp tác quốc tế thì phải thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

II. Giải pháp tăng cường hội nhập quốc tế cho thống kê Việt Nam

Một làtập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tiếp thu phương pháp thống kê hiện đại và học tập kinh nghiệm thành công của các nước tiên tiến để hoàn thiện phương pháp nghiệp vụ chuyên môn thống kê, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế.

         Hai là, đẩy mạnh trao đổi thông tin thống kê giữa nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế,thực hiện đầy đủ cam kết về thống kê với các nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin thống kê nước ngoài và phương pháp luận chuẩn quốc tế; chủ động tham gia vào các diễn đàn Thống kê khu vực và quốc tế trước mắt là tổ chức thành công Hội nghị Thủ trưởng cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN

Ba làtăng cường kêu gọi và triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho ngành Thống kê Việt Nam.

Bốn là: Riêng đối với thống kê công nghiệp, khẩn trương thay thế phương pháp Thống kê Công nghiệp hàng tháng không phù hợp hiện nay, bằng một phương pháp mới có tính khoa học và phù hợp với các chuẩn mực Thống kê Công nghiệp quốc tế.

Phương pháp Thống kê Công nghiệp hàng tháng hiện nay được hình thành trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp và đã tồn tại gần 50 năm, phương pháp này hoàn toàn thích ứng với cơ chế quản lý cũ, nhưng khi nền kinh tế đã chuyển từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cuả Nhà nước ta, thì phương pháp Thống kê Công nghiệp hàng tháng chủ yếu là giá trị sản xuất tính theo giá cố định ngày càng bộc lộ những nhược điểm hạn chế khiến không thể tiếp tục duy trì trong lĩnh vực thống kê hiện nay.

Phương pháp mới dự định thay thế phương pháp cũ hiện nay là hàng tháng áp dụng chỉ số khối lượng sản phẩm phản ánh tốc độ tăng trưởng, chỉ số tiêu thụ phản ánh tình hình tiêu thụ sản phẩm, chỉ số tồn kho phản ánh tồn kho sản phẩm của sản xuất. Hàng năm dùng chỉ tiêu giá trị tăng thêm theo giá so sánh để đánh giá tăng trưởng của sản xuất theo số chính thức năm. Để tính được theo phương pháp mới, thì hàng tháng phải tiến hành điều tra sản phẩm công nghiệp (Điều tra chọn mẫu) và năm phải tính được giá trị tăng thêm theo giá so sánh.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu trong Thống kê Công nghiệp.Hệ thống chỉ tiêu hiện nay tuy đã được đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhưng còn thiếu một số chỉ tiêu rất quan trọng về các lĩnh vực khoa học công nghệ, xử lý chất thải bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư.

 

Một số chỉ tiêu đã có nhưng phải được mở rộng nhất là chỉ tiêu sản phẩm, phải từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng số lượng sản phẩm thống kê hiện nay. Chỉ tiêu giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm theo giá so sánh phải được thống kê thường xuyên hành quý. Chỉ tiêu chi phí sản xuất phải được thống kê thường xuyên hàng năm. Tiếp tục đổi mới thống kê doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Cải tiến phương pháp điều tra, nội dung và hệ thống chỉ tiêu đề ra, hoàn thiện cơ sở dữ liệu gốc nhằm cung cấp rộng rãi cho các đối tượng dùng tin khai thác, tính toán các chỉ tiêu theo yêu cầu riêng của mỗi đối tượng.