0236.3650403 (128)

LÀM SAO TÌM ĐƯỢC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


Để tiến hành một đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng, việc đầu tiên cần làm là xác định một vấn đề cụ thể mà nghiên cứu của chúng ta tập trung vào. Nói cách khác, ta cần có ý tưởng nghiên cứu. Các bước tiếp theo trong nghiên cứu sẽ thay đổi tùy thuộc vào vấn đề mà chúng ta lựa chọn.

Các “vấn đề” nghiên cứu khoa học thường được hình thành trong các tình huống sau:

Quá trình nghiên cứu, đọc và thu thập tài liệu nghiên cứu giúp cho nhà khoa học phát hiện hoặc nhận ra các “vấn đề” và đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu (phát triển “vấn đề” rộng hơn để nghiên cứu). Đôi khi người nghiên cứu thấy một điều gì đó chưa rõ trong những nghiên cứu trước và muốn chứng minh lại. Đây là tình huống quan trọng nhất để xác định “vấn đề” nghiên cứu.

Trong các hội nghị chuyên đề, báo cáo khoa học, kỹ thuật, … đôi khi có những bất đồng, tranh cải và tranh luận khoa học đã giúp cho các nhà khoa học nhận thấy được những mặt yếu, mặt hạn chế của “vấn đề” tranh cải và từ đó người nghiên cứu nhận định, phân tích lại và chọn lọc rút ra “vấn đề” cần nghiên cứu.

Trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, qua hoạt động thực tế lao động sản xuất, yêu cầu kỹ thuật, mối quan hệ trong xã hội, cư xử, … làm cho con người không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm tốt hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu đời sống con người trong xã hội. Những hoạt động thực tế này đã đặt ra cho người nghiên cứu các câu hỏi hay người nghiên cứu phát hiện ra các “vấn đề” cần nghiên cứu.

 “Vấn đề” nghiên cứu cũng được hình thành qua những thông tin bức xúc, lời nói phàn nàn nghe được qua các cuộc nói chuyện từ những người xung quanh mà chưa giải thích, giải quyết được “vấn đề” nào đó.

Các “vấn đề” hay các câu hỏi nghiên cứu chợt xuất hiện trong suy nghĩ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu qua tình cờ quan sát các hiện tượng của tự nhiên, các hoạt động xảy ra trong xã hội hàng ngày.

Tính tò mò của nhà khoa học về điều gì đó cũng đặt ra các câu hỏi hay “vấn đề” nghiên cứu.

 

Ý tưởng nghiên cứu có thể sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau. Đầu tiên, ta có thể tìm thấy ý tưởng nghiên cứu từ hệ thống quản lý nghiên cứu khoa học chính thống của nhà nước. Thông thường, theo kế hoạch 5 năm, nhà nước thường công bố chiến lược, chương trình mục tiêu, chương trình hành động và kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Căn cứ vào các văn bản định hướng này, nhà nghiên cứu có thể tìm thấy các vấn đề nghiên cứu mà nhà nước quan tâm và đề xuất các đề cương nghiên cứu phù hợp. Với đặc trưng của hệ thống quản lý khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học công nghệ và các bộ chuyên ngành là những đầu mối quản lý và tài trợ cho nghiên cứu khoa học với dòng ngân sách nhà nước. Hàng năm, dựa trên đề xuất ý tưởng của cộng đồng khoa học, các cơ quan này công bố danh mục các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu cấp Nhà nước hoặc cấp bộ đã được phê duyệt, đưa ra các mục tiêu, nội dung nghiên cứu cơ bản và các yêu cầu đầu ra phải đạt được, để các nhà nghiên cứu tham gia đấu thầu thực hiện. Các đề tài nghiên cứu kinh tế thường nằm trong nhóm chủ đề khoa học xã hội – kinh tế.

Nguồn thứ 2 về ý tưởng nghiên cứu có thể từ các đề xuất của cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp, địa phương, ban quản lý các dự án phát triển, đơn vị nghiên cứu- đào tạo, tổ chức và cá nhân các hiệp hội và các hội khoa học, các hội đồng khoa học thông qua hội thảo, hội nghị chuyên đề.

Nguồn thứ 3 chính là các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng ngày, qua các kênh thông tin này, ta có thể thấy cuộc sống quanh chúng ta đầy rẫy các vấn đề mà xã hội quan tâm, lo ngại, bức xúc, ta cũng có thể phát hiện vấn đề nghiên cứu thông qua đọc tài liệu nghiên cứu hoặc quan sát từ thực tiễn, với sự nhạy cảm cá nhân.

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung