0236.3650403 (128)

LO NGẠI CỦA ANH VỀ BREXIT


Các chuyến bay không được cất cánh. Sự chậm trễ tại các cửa khẩu biên giới. Thiếu bộ phận cho các nhà máy điện hạt nhân. 75.000 việc làm tài chính bị mất. Đây là một số hậu quả kinh tế mà nước Anh phải gánh chịu vào năm 2019 khi không đạt được thỏa thuận mới với Liên minh Châu Âu (EU). Các cuộc đàm phán đã gặp trở ngại nhưng sẽ tiếp tục vào thời gian tới.

Chính phủ Anh đã đánh giá ”Brexit không thỏa thuận“ sẽ gây ra thiệt hại trên 58 ngành công nghiệp. Dưới đây là những gì các chuyên gia nói có thể xảy ra sau "Brexit không thỏa thuận":

Hàng không

Không có thỏa thuận nào có nghĩa là các hiệp định thương mại, quy định và pháp lý quan trọng của EU đang củng cố nền kinh tế của Anh sẽ bị huỷ bỏ hiệu lực vào ngày 29 tháng 3 năm 2019.

Một hậu quả ngay lập tức xảy ra đó là hàng ngàn chuyến bay đến và đi ra khỏi nước Anh có thể bị hủy bỏ vì Anh đã ký kết các thỏa thuận hàng không quốc tế thông qua EU để cho phép các chuyến bay hoạt động trong và ngoài nước.

Thomas van der Wijngaart, chuyên gia hàng không của hãng luật Clyde & Co. cho biết, các chuyến bay tới 27 nước thành viên EU sẽ bị ảnh hưởng, cùng với 17 quốc gia khác bao gồm Mỹ, Canada và Israel. Vì vậy, London và Brussels đang chịu áp lực rất lớn để đạt được thỏa thuận.

Thương mại

"Không có thỏa thuận" có nghĩa là Anh sẽ mất tự do thương mại với châu Âu, và tất cả các thỏa thuận thương mại và các hiệp ước mà EU đã đàm phán với các quốc gia khác. Thay vào đó, nước Anh sẽ buộc phải hoạt động theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Điều đó có nghĩa là giá cả cao hơn. Thuế quan đối với các sản phẩm từ sữa của EU sẽ tăng 45%, trong khi đó các sản phẩm thịt tăng 37%. Nhập khẩu từ bên ngoài EU, như xì gà Cuba và rượu Nam Phi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Một lối ra bừa bộn sẽ gây ra sự hỗn loạn tại các cửa khẩu biên giới, nơi sẽ có các trạm hải quan mới được lắp đặt.

Cảng Dover, nơi xử lý 17% hàng hóa xuất nhập khẩu của Anh, đã cảnh báo rằng chỉ hai phút tăng thêm để xử lý mỗi xe tải sẽ khiến dòng xe chờ đợi kéo dài hơn 17 dặm. Nếu các thực phẩm tươi sống bị mắc kẹt ở biên giới, chẳng hạn cà chua từ Tây Ban Nha, chúng có thể bị thối rữa trước khi được đặt lên kệ của các cửa hàng thực phẩm.

Sự thiệt hại không chỉ ở những hàng hoá vật chất: Công ty tư vấn Oliver Wyman nói rằng 75.000 việc làm tài chính có thể bị mất trong một thời gian dài nếu không đạt được thỏa thuận nào.

Điện

Điện năng nhập khẩu từ EU sẽ đắt hơn nếu nó không còn được bảo hộ bởi các giao dịch thương mại tự do.

"Không có thỏa thuận" cũng hứa hẹn làm cho ngành công nghiệp điện hạt nhân - nơi cung cấp gần 20% ​​điện của cả nước, gặp khó khăn. Nếu Anh mất quyền truy cập vào hệ thống bảo vệ hạt nhân của EU, các nhà khai thác sẽ gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các bộ phận cho lò phản ứng hạt nhân. Nếu nhà máy buộc phải đóng cửa, sự ổn định của lưới điện ở Anh có thể gặp rủi ro.

Do vậy, Anh cần nhanh chóng đàm phán các hiệp định hạt nhân mới và thiết lập giám sát nội bộ để tuân thủ các quy tắc hạt nhân quốc tế.

Nhập cư và quyền công dân

Có khoảng 3 triệu người từ các nước EU khác sống ở Anh. Trong khi đó, 1 triệu người Anh sống ở các quốc gia khác của EU. Theo luật của EU, cả hai nhóm hiện đang được hưởng các quyền tương tự khi làm việc, hưu trí và bảo hiểm sức khỏe.

Nhưng một Brexit lộn xộn có thể ngay lập tức làm cho cả hai nhóm cư dân trở thành cư dân bất hợp pháp. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, mỗi quốc gia sẽ tự định đoạt quyền của những người dân nước mình.

Jonathan Portes, giáo sư kinh tế học và chính sách công ở King's College London, nói rằng không có khả năng nước Anh hoặc các nước EU sẽ bắt đầu trục xuất người dân nếu không đạt được thỏa thuận. Nhưng với sự không chắc chắn, có thể sẽ khó khăn hơn cho họ để có được một công việc hoặc thuê một căn hộ.

Biên giới Ireland

"Không có thỏa thuận" sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với đường biên giới đất liền giữa Ireland (ở EU) và Bắc Ailen (một phần của Vương quốc Anh). Biên giới này hiện nay vô hình, với khoảng 30.000 người và 13.000 phương tiện tự do đi lại mỗi ngày. Nhiều công ty có mặt ở cả hai bên biên giới và các sản phẩm thường xuyên băng qua nó nhiều lần trước khi tiếp cận người tiêu dùng.

Andrew Gilmore, Phó giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Châu Âu của Ireland, cho biết: "Không có thoả thuận chuyển tiếp nào tại chỗ và không có quan hệ hải quan nào trong tương lai được đồng ý, chúng ta sẽ ngay lập tức thấy việc tái thiết kiểm soát hải quan tại biên giới phía Bắc Ireland.”

ThS. Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa QTKD