Một Số Vấn Đề Cơ Bản Về Benchmarking
Giảng viên : Lê Thị Kiều My
1. Khái niệm
Benchmarking ban đầu mang ý nghĩa nghiên cứu những đối tượng thành công lâu dài để học hỏi, phấn đấu. Thuật ngữ Benchmarking ngày nay mang ý nghĩa một tiêu chuẩn tham khảo mà các đối tượng khác có thể so sánh được. Có nhiều khái niệm khác nhau về Benchmarking.
Benchmarking là “Là một quá trình liên tục đánh giá, đo lường những sản phẩm, dịch vụ so với những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất hoặc những tổ chức dẫn đầu trong ngành” (David T. Kearns, cựu chủ tịch tập đoàn Xerox)
Benchmarking “Là quá trình tìm hiểu liên tục và áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn tốt hơn nhằm đạt khả năng cạnh tranh cao hơn” ( Westinghouse)
Benchmarking là “là một quá trình mang tính hệ thống và liên tục để đo lường các sán phẩm, dịch vụ và hoạt động của mình so với đối tác bên ngoài nhằm đạt được sự cải tiến như mong muốn ” (Ashok Rao)
2. Phân loại
+Benchmarking cạnh tranh là một dạng so sánh với bên ngoài bào gồm cả so sánh về quá trình, sản phẩm, chi phí với các đối thủ cạnh tranh.
+ Benchmarking các đặc tính của sản phẩm nhằm xác định những đặc tính tạo lợi thế cạnh tranh đối với đối thủ và xác định xem tổ chức cần làm gì đối với công tác thiết kế để tạo ra những đặc tính này.
+ Benchmarking chi phí nhằm xác định và loại trừ chi phí sản xuất không hợp lý.
- Benchmarking chức năng là sự so sánh chức năng trong các ngành khác nhau
- Benchmarking quá trình nhằm xác định các quá trình có hiệu quả nhất từ nhiều tổ chức có quá trình tương tự.
- Benchmarking kết quả hoạt động giúp các công ty đánh giá vị trí cạnh tranh của mình thông qua so sánh sản phẩm, bao gồm cả dịch vụ
- Benchmarking chiến lược xem xét cách thức cạnh tranh của các tổ chức, qua đó xây dựng chiến lược đem lại sự thành công của tổ chức trên thị trường
- Benchmarking tổng quát là cách so sánh toàn diện về hoạt động của công ty. Đây là một hình thức so sánh có hiệu quả nhất nhưng công phu và không phải lúc nào cũng có điều kiện thực hiện.
- Benchmarking nội bộ là sự so sánh trong cùng một tổ chức
- Benchmarking với bên ngoài là sự so sánh với các tổ chức khác tương tự.
3. Các phương pháp thực hiện benchmarking
- Nghiên cứu trong tổ chức: Xem xét các tài liệu và thông tin đã được công bố sẵn có trong tổ chức. Cách thức này có thể thu thập được các thông tin cần thiết cho benchmarking khi tổ chức chỉ cần tìm kiếm các kết quả hoạt động.
- Nghiên cứu thông qua bên thứ ba: Có nhiều công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu và tư vấn có khả năng thực hiện các dự án benchmarking. Phương pháp này sử dụng khi tổ chức cần các thông tin khó kiếm như các thông tin về đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay tiến hành các diễn đàn dành cho nhiều tổ chức để thu thập các luồng thông tin khác nhau.
- Trao đổi trực tiếp: Đôi khi có thể trao đổi các thông tin cần thiết về nghiên cứu benchmarking thông qua các dạng như bảng câu hỏi, thăm dò ý kiến qua điện thoại, hội thảo trực tuyến. Trao đổi thông tin trực tiếp như bảng câu hỏi hay tổ chức hội thảo qua điện thoại là một bước quan trọng trước khi trực tiếp thảo luận giữa các nhóm.
- Gặp gỡ và thảo luận trực tiếp: Những buổi gặp mặt trực tiếp giữa các nhóm thực hiện benchmarking cho phép các nhóm thảo luận, trao đổi thông tin trực tiếp và vạch kế hoạch cụ thể. Phương pháp này là cách thú vị và hiệu quả nhất để thực hiện benchmarking
4. Các bước thực hiện so sánh chuẩn
Chuẩn bị
- Xác định nhu cầu, có sự cam kết của lãnh đạo
- Xác định dạng so sánh chuẩn, xem xét các quá trình nào cần ưu tiên, quyết định phạm vi so sánh
- Thành lập nhóm công tác, tiến hành đào tạo
- Phân tích quá trình của công ty, tìm đối tác, lập công cụ thu thập thông tin;
bảng câu hỏi
- Lựa chọn đối tác, liên hệ với các đối tác tiềm năng
Thực hiện
- Xây dựng mối quan hệ, trao đổi thông tin, bày tỏ thiện chí, tiến hành tham quan, nghiên cứu, lập báo cáo.
- Lập kế hoạch, xây dựng phương pháp, phân công, lập kế hoạch tiến độ.
- Thực hiện kế hoạch, báo cáo tiến độ thực hiện đến người phụ trách và giám sát thực hiện.
Hoàn thiện
- Đánh giá các kết quả đạt được, tiếp tục quá trình so sánh chuẩn, cập nhật các phương pháp tốt nhất để không ngừng cải tiến công việc