0236.3650403 (128)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN ĐẦU TƯ


1.Khái niệm về dự án đầu tư: trên nhiều khía cạnh mà dự án đầu tư được đề cập như sau:

+Về mặt hình thức: Dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết có hệ thống các hoạt động và chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.

+ Về mặt nội dung: Dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được hoạch định nhằm đạt được các mục tiêu đã xác định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định trong một khoản thời gian xác định (dự án đầu tư trực tiếp)

+ Về mặt quản lý: Dự án đầu tư là một công cụ quản lý vốn, vật tư, lao động để tạo ra các kết quả tài chính, kinh tế trong một thời gian dài

+ Về mặt kế hoạch hóa: Dự án đầu tư là một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một cuộc đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội làm tiền đề cho các quyết định đầu tư và tài trợ. Dự án đầu tư là một hoạt động riêng biệt, nhỏ nhất trong công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân

+ Một cách tổng quát: Dự án đầu tư là một tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những đối tượng nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng, cải tiến hoặc nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó trong một khoản thời gian xác định (dự án đầu tư trực tiếp)

Như vậy dự án đầu tư không phải là một ý định hay một phác thảo sơ bộ mà là một đề xuất có tính cụ thểvà mục tiêu rõ ràng nhằm biến các cơ hội đầu tư thành một quyết định cụ thể.

2.       Yêu cầu của một dự án đầu tư:

Để dự án đầu tư khả thi thì dự án đầu tư phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

+ Tính khoa học: Những người soạn thảo dự án đầu tư phải có một quá trình nghiên cứu tỷ mỷ, tính toán thận trọng và chính xác từng nội dung dự án, đặc biệt là các nội dung về công nghệ, tài chính, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tức là dựa vào các kỹ thuật phân tích lợi ích -chi phí

+ Tính thực tiễn: Yêu cầu từng nội dung dự án phải được nghiên cứu xác định trên cơ sở phân tích đánh giá đúng mức các điều kiện và hoàn cảnh có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động đầu tư. Có nghĩa là phải phân tích kỹ lưỡng các yếu tố của môi trường vĩ mô và vi mô ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, đến sự cần thiết của dự án

+ Tính pháp lý: Người soạn thảo dự án phải dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, tức là phải nghiên cứu đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Địa phương cùng các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động đầu tư

+ Tính đồng nhất: Dự án phải tuân thủ đúng các quy định chung của ngành chức năng về hoạt động đầu tư đó là quy trình lập dự án, các thủ tục, quy định về đầu tư.

3.       Phân loại dự án đầu tư:

- Căn cứ vào mối quan hệ giữa các hoạt động đầu tư:

+ Dự án độc lập với nhau: Là những dự án có thể tiến hành đồng thời, có nghĩa là việc ra quyết định lựa chọn dự án này không ảnh hưởng đến việc lựa chọn những dựán còn lại.

+ Dự án thay thế nhau (loại trừ): Là những dự án không thế tiến hành đồng thời. Khi quyết định thực hiện dự án này sẽ loại bỏ việc thực hiện dự án kia. Ví dụ lựa chọn kỹthuật khác nhau cho cùng một nhà máy.

+ Dự án bổ sung: (phụ thuộc) Các dự án phụ thuộc nhau chỉ có thể thực hiện cùng một lúc với nhau. Ví dụ dự án khai thác mỏ và dự án xây dựng tuyến đường sắt đểvận chuyển khoángsản, chúng phải được nghiên cứu cùng một lượt.

-         Căn cứ vào mức độ chitiết của các nội dung trong dự án:

+ Dự án tiền khả thi: Được lập cho những dự án có qui mô đầu tư lớn, giải pháp đầu tư phức tạp và thời gian đầu tư dài. Do đó không thể nghiên cứu tính toán ngay dự án khả thi mà phải qua nghiên cứu sơ bộ, lập dự án sơ bộ. Tác dụng của dự án tiền khả thi là cơ sở đểchủ đầu tư quyết định có nên tiếp tục nghiên cứu để lập dự án chi tiết hay không.

+ Dự án khả thi: Là dự án được xây dựng chi tiết, các giải pháp được tính toán có căn cứ và mang tính hợp lý. Tác dụng của dự án khả thi:

□    Là căn cứ để cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và cấp giấy phép đầu tư

□   Là cơ sở để nhà đầu tư xin vay vốn hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư khác

□    Là cơ sở nhà đầu tư lập kế hoạch tổ chức thực hiện quá trình đầu tư nhằm đạt mục tiêu

□    Là căn cứ để các đối tác đầu tư quyết định có nên góp vốn cùng với nhà đầu tư để thực hiện dự án hay không

4. Chủ đầu tư:

Tất cả các dự án không phân biệt nguồn vốn, hình thức đầu tư đều phải xác định rõ chủ đầu tư ngay từ khi chuẩn bị dự án “Chủ đầu tư là người chủ sở hữu vốn, người vay vốn hoặc người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng vốn để thực hiện đầu tư theo qui định của pháp luật”. Chủ đầu tư là người ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án./.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hà