0236.3650403 (128)

Nguồn thông tin nghiên cứu thị trường thế giới


Thành phần cơ bản của bất kỳ quá trình ra quyết định nào về thị trường nước ngoài là sự có sẳn của thông tin thị trường. Trên thực tế các nguồn thông tin về thị trường nước ngoài rất phong phú và đa dạng. Vấn đề đặt ra là phải tìm được thông tin đáng tin cậy và thích hợp nhất cho công ty quốc tế. Thu thập thông tin, tổ chức tìm kiếm nguồn tin, phương pháp thu thập và xử lý tin, phổ biến kết quả cho các bộ phận liên quan…là công việc rất quan trọng của người làm marketing.

Có hai nguồn thông tin cơ bản nghiên cứu thị trường thế giới: thông tin thứ cấp và thông tin sơ cấp.

Nguồn thông tin thứ cấp

Nguồn thông tin thứ cấp là nguồn dữ liệu có sẵn, đã được công bố. Bao gồm thông tin bên trong và thông tin bên ngoài công ty quốc tế.

  • Thông tin bên trong: Đó là thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty quốc tế, thông tin về tình hình tiêu thụ sản phẩm theo thị trường, các thị trường mới, tình hình tồn kho…
  • Thông tin bên ngoài: Bao gồm các nguồn thông tin như sau:

+    Thông tin từ mạng internet: Mạng internet cung cấp thông tin đa dạng phong phú. Nếu kết nối mạng internet, người nghiên cứu có thể truy cấp thông tin ngay trên bàn làm việc cuả mình. Có thể thu thập thông tin qua trang web để biết địa chỉ, tìm kiếm theo từ khóa, sử dụng công cụ tìm kiếm (www.google.com, www.msn.com, www.altavista...) và tìm kiếm tại các cổng thông tin theo ngành hàng.

+    Thông tin của các tổ chức quốc tế như WTO, ITC, WB, IMF,ADB… và của các tổ chức quốc tế theo ngành như OPEC…

+    Thông tin từ các Bộ như: Bộ thương mại, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thủy Sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

+    Thông tin từ cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài: Đại sứ quán, Tổng lãnh sự. Thông tin từ cơ quan thương vụ của Việt nam ở nước ngoài.

+    Thông tin của các tổ chức như: Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, hiệp hội chuyên ngành, các tổ chức xúc tiến, các ngân hàng, các công ty tư vấn.

+    Thông tin từ sách báo, tạp chí kinh tế, thương mại, cơ sở dữ liệu CD-ROM, nên giám thống kê xuất nhập khẩu của các nước, thời báo tài chính, bản tin Reuter…

+    Thông tin từ thư viện quốc gia, thư viện tỉnh, thư viện các trường đại học, viên nghiên cứu,…

Ưu điểm cơ bản của các thông tin thứ cấp là chi phí thu thập thấp, thông tin thu được rất đa dạng. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tính cập nhật, độ tin cậy của thông tin và đảm bảo sự so sánh đối chiếu.

Nguồn thông tin sơ cấp          

Là thông tin do bản thân công ty quốc tế tự thu thập trên thị trường thế giới. Những phương pháp thu thập chính như sau:

  • Quan sát (observation) trên thị trường: Là phương pháp thu thập thông tin qua đó nhà nghiên cứu tiến hành quan sát trực tiếp đối tượng nghiên cứu hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật như camera, máy ghi âm… kết quả nghiên cứu sẽ gợi ý nhiều giải pháp marketing hữu ích.

Trong những năm 70, những nhân viên nghiên cứu marketing của hãng TOYOTA đã đến bãi đậu xe của các siêu thị để quan sát khách hàng chất thực phẩm vào ngăn xe. Trên kết quả nghiên cứu này, họ đã thiết kế lại ngăn chất hàng của xe TOYOTA nhằm cung cấp nhiều chỗ và dễ dàng chất các bao bì hàng.

  • Nghiên cứu thực nghiệm (experimentation): Là phương pháp thích hợp nhất để thu thập các thông tin về quan hệ nhân quả bằng cách tác động những thực nghiệm khác nhau vào các nhóm thử nghiệm, kiểm tra các yếu tố ngoại lai và kiểm tra sự khác biệt của các nhóm sau thực nghiệm.

                                                            Trần Thanh Hải – Khoa Quản trị kinh doanh