0236.3650403 (128)

NHU CẦU CẢM TÍNH CỦA KHÁCH HÀNG


Trong thời đại hiện nay, do đời sống ngày càng được nâng cao, khi mua sắm một món hàng nào đó, người mua không chỉ muốn có được giá trị sử dụng của mặt hàng mà còn muốn thoả mãn những ý thích nhất định. Nhu cầu đó gọi là nhu cầu cảm tính. Ví dụ: Khi mua sắm quần áo, người phụ nữ không những muốn có một bộ quần áo để mặc mà họ còn cảm thấy thích thú vì bộ quần áo đó, với kiểu dáng, kích thước, màu sắc phù hợp để tôn thêm vẻ đẹp của họ, khiến họ hài lòng và người thân của họ phải thốt lên “Em mặc bộ đồ này đẹp quá!”

Một em bé được mẹ mua cho một con búp bê và dịp sinh nhật. Con búp bê đó không những mang lại cho em một món đồ chơi mà còn khiến cho em cảm thấy thích thú vì khuôn mặt của nó rất xinh, bộ tóc rất đẹp và bộ váy của nó cũng giống bộ váy mà mẹ mua cho em năm ngoái.

Nguyên liệu để làm nên một gói mỳ ăn liền rất đơn giản nhưng với hình vẽ rất đẹp trên bao bì, người mua cảm thấy thích thú ngay khi nhìn thấy nó và khi ăn, với những gói gia vị thích hợp, cảm giác thích thú càng tăng lên.

Nhu cầu cảm tính của người tiêu dùng đối với hàng hoá rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đi sâu nghiên cứu để thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu đó, kể cả ngoại hình, màu sắc, bao bì hàng hoá…Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất không những phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt mà còn phải làm cho sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích. Nói cách khác, là nhà sản xuất phải nghiên cứu “sản xuất ra sản phẩm như thế nào để hấp dẫn người mua”.

Ở đây, có một điều cần chú ý là nhu cầu cảm tính của người tiêu dùng đối với hàng hoá không cố định mà thường xuyên thay đổi. Ví dụ: Nhu cầu cảm tính về màu sắc quần áo trong mùa hè và mùa đông khác nhau. Nhu cầu về kiểu dáng quần áo thường xuyên thay đổi. Vì vậy, nhà sản xuất phải thường xuyên theo dõi sự thay đổi thị hiếu của khách hàng để kịp thời cải tiến, thay đổi kiểu dáng, màu sắc sản phẩm và thông qua đó để hấp dẫn khách hàng.

Sái Thị Lệ Thủy