0236.3650403 (128)

Nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh tại Việt Nam


Tại Việt Nam, sự biến động khó lường của giá cả hàng hoá, lãi suất, tỷ giá hối đoái, chứng khoán… là những nguyên nhân gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia các thương vụ giao dịch.

Để hạn chế những rủi ro này, các nghiệp vụ tài chính phái sinh đã được hình thành và từng bước đưa vào hoạt động. Trước nhu cầu đó, một số sản phẩm phái sinh xuất phát từ công cụ gốc là cà phê, hạt điều, vàng, lãi suất và hối đoái đã hình thành và phát triển ở các mức độ khác nhau.

Phái sinh tiền tệ là loại công cụ phái sinh xuất hiện sớm nhất, diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng, trong đó ngân hàng là một bên trong hợp đồng và bên còn lại có thể là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hoặc định chế tài chính.

Trong thời gian đầu, phái sinh tiền tệ chỉ tập trung vào một số ít ngân hàng lớn của Nhà nước (Vietcombank, Techcombank, Eximbank) và một số ngân hàng nước ngoài (HSBC, Citibank...) nhưng vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại trong nước giới thiệu và cung cấp các loại sản phẩm phái sinh tiền tệ. Tuy nhiên, số lượng khách hàng còn ít, khối lượng giao dịch cũng khá nhỏ so với nhu cầu có thật của thị trường về phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất.

Trên thị trường hàng hóa, các giao dịch đối với các hàng hóa cơ bản ngày càng phát triển và được các doanh nghiệp sử dụng nhiều trên các Sở giao dịch phái sinh nước ngoài như COMEX (SGD vàng, cao su, tơ lụa và gia súc) hoặc LME (SGD kim loại London)…

Thị trường hàng hóa trong nước có 3 sàn giao dịch là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam và Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín…, đã bước đầu triển khai một số sản phẩm phái sinh như SGD hàng hóa Việt Nam (VNX) thực hiện niêm yết và giao dịch Hợp đồng tương lai của 3 nhóm hàng hóa gồm: cà phê (Robusta và Arabica), cao su (RSS3) và thép thỏi cán nóng (HRC). Nhưng đa phần các giao dịch phái sinh cũng mới chỉ dừng ở mức thăm dò, thử nghiệm, sự tham gia của các DN XNK và nhà đầu tư còn hạn chế.

Như vậy, sự xuất hiện của các sản phẩm phái sinh trên thị trường phi tập trung đã khẳng định nhu cầu của nhà đầu tư với loại công cụ mới này. Tuy nhiên, các sản phẩm phái sinh còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước và mang tính rủi ro cao. Điều này đặt ra yêu cầu thiết lập một thị trường phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở là chứng khoán, có cơ chế pháp lý đầy đủ và được vận hành dưới sự quản lý của Nhà nước.

Mai Xuân Bình – Khoa QTKD