0236.3650403 (128)

PHÂN LOẠI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ


1. Phân loại theo tính chất của đối tượng đầu tư

            Theo cách phân loại này, dự án đầu tư thường được chia ra làm 3 loại bao gồm: Các dự án đầu tư về sản xuất và kinh doanh dịch vụ có khả năng hoàn vốn; Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa – xã hội; và Các dự án đầu tư tổng hợp phát triển kinh tế vùng.

2. Phân loại theo mức độ chi tiết của dự án

            Theo cách phân loại này người ta chia dự án thành 3 loại dưới đây:

            - Dự án tiền khả thi: Đây thực chất là một loại dự án sơ bộ được sử dụng chủ yếu để đánh giá lựa chọn sơ bộ các cơ hội đầu tư. Loại dự án này chỉ sử dụng trong trường hợp các dự án đầu tư có quy mô đầu tư lớn (các dự án trên hạn ngạch) hoặc là các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài (do luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định).

            - Dự án khả thi: Loại dự án này đôi khi trong một số tài liệu còn được gọi là luận chứng kinh tế – kỹ thuật. Đây là loại dự án chi tiết dùng để đánh giá dự án nhằm đi đến quyết định đầu tư hoặc là quyết định cấp giấy phép đầu tư.

            - Báo cáo kinh tế – kỹ thuật: Đây thực chất là dạng rút gọn của luận chứng kinh tế – kỹ thuật dùng để nghiên cứu ra quyết định đầu tư cho các dự án có quy mô nhỏ, chủ yếu là các công trình dưới hạn ngạch.

3. Phân loại theo mối quan hệ giữa các quá trình đầu tư

Theo cách phân loại này người ta chia dự án thành 3 loại dưới đây:

- Các dự án đầu tư độc lập: Đó là những dự án đầu tư mà việc đánh giá lựa chọn thực hiện hay không thực hiện dự án đó không gây ra một tác động trực tiếp đến việc đánh giá lựa chọn một dự án khác. Ngược lại, việc quyết định lựa chọn một dự án khác cũng không có tác động trực tiếp nào đến kết quả đánh giá lựa chọn hay không lựa chọn dự án này.

- Các dự án đầu tư phụ thuộc: Là những dự án đầu tư mà việc quyết định chấp nhận hay không chấp nhận dự án này sẽ có tác động dây chuyền đến việc quyết định lựa chọn dự án khác. Ngược lại, khi đánh giá lựa chọn dự án này lại chịu ảnh hưởng tác động tới hoạt động của các dự án khác.

- Các dự án đầu tư loại bỏ nhau: Là các dự án đầu tư mà nếu dự án này được chấp thuận thì đương nhiên các dự án khác sẽ bị loại bỏ.

4. Phân loại theo phương diện quản lý của nhà nước

Theo cách phân loại này người ta chia dự án thành 2 loại là nhóm các dự án đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Nhà nước và nhóm các dự án đầu tư từ các nguồn khác.

a)Đối với các dự án đầu tư từ các nguồn không thuộc ngân sách Nhà nước thì hoạt động đầu tư được điều tiết bởi các luật như: Luật công ty, luật thương mại, luật đầu tư nước ngoài,…

b) Đối với các dự án đầu tư thuộc ngân sách Nhà nướcthì ngoài việc phải chịu sự điều tiết bởi các văn bản quản lý kinh tế chung cho mọi doanh nghiệp mà còn phải chịu sự điều tiết của các văn bản quy định riêng khác. Và để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý các dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước, theo Nghị định 177-CP các dự án đầu tư loại này được chia như sau:

- Các dự án đầu tư nhóm A bao gồm các dự án sau đây:

+ Các dự án đầu tư mới không kể mức vốn đầu tư thuộc phạm vi bí mật Quốc gia hoặc có ý nghĩa Chính trị – Xã hội quan trọng của đất nước.

+ Các dự án đầu tư thuộc các ngành: Sản xuất chất độc hại, chất nổ, khai thác chế biến các loại khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, đá quý, đất hiếm,…)

+ Các dự án đầu tư có tổng mức vốn đầu tư lớn hơn mức quy định sau: Trên 200 tỷ đồng (đối với ngành như công nghiệp điện, khai mỏ, luyện kim, chế tạo máy, nhiên liệu, xi măng, giao thông vận tải, thủy lợi, cấp thoát nước đô thị); Trên 100 tỷ đồng (cho một số ngành như công nghiệp nhẹ, bưu điện, viễn thông, các ngành sản xuất hóa dược, thuốc chữa bệnh, chế biến nông lâm sản thực phẩm, nuôi trồng thủy sản); và trên 50 tỷ đồng đối với các ngành còn lại.

+ Đối với tất cả các dự án đầu tư cải tạo mở rộng, đổi mới kỹ thuật thuộc các pham trù trên thì được xem là dự án đầu tư nhóm A khi tổng mức vốn đầu tư bằng 70% mức vốn theo quy định trên tương ứng với các lĩnh vực đầu tư.

- Các dự án đầu tư nhóm B làcác dự án sau thuộc loại tương ứng với các dự án nhóm A nhưng mức vốn đầu tư từ 25 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng cho các loại hình liên quan đến nhóm A(a) hoặc từ 15 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng cho các dự án đầu tư nhóm A(b); hoặc các dự án đầu tư có mức vốn từ 5 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng cho các dự án đầu tư nhóm A(c). Đối với các dự án khôi phục, cải tạo có mức vốn đầu tư bằng 70% mức vốn quy định trong nhóm B với các lĩnh vực đầu tư tương ứng.

- Các dự án đầu tư nhóm C bao gồm tất cả các dự án đầu tư còn lại.

ThS Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD