0236.3650403 (128)

PHÂN LOẠI THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU TRONG DỰ ÁN ĐẦU TƯ


1. Phân đoạn thị trường

    Phân đoạn thị trường là việc chia tổng thể thị trường thành những đoạn thị trường nhỏ mà ở đó khách hàng có sự đồng nhất về nhu cầu, ước muốn, thói quen và có những phản ứng giống nhau trước một kích thích Marketing.

Hiện nay có nhiều tiêu chí để phân đoạn thị trường như:

- Phân loại theo địa lý: Theo vùng miền (Bắc – Trung – Nam); Theo Tỉnh (Thành phố), Quận, Huyện,…

- Phân loại theo nhân khẩu học: Dân số, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, xã hội,…

- Phân loại theo tâm lý: Thói quen, sở thích,…

- Phân loại theo hành vi tiêu dùng: Tiêu dùng sản phẩm vì lý do gì?

    Tuy nhiên, để việc phân đoạn thị trường đạt được những hiệu quả trong quá trình tiếp cận thị trường sản phẩm của dự án sau này thì quá trình phân đoạn thị trường cần đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

- Phải đo lường được thị trường cả về quy mô và hiệu quả.

- Phải tiếp cận được thị trường.

- Phải đảm bảo được tính quan trọng đó là khách hàng trên đoạn thị trường đó phải có nhu cầu đồng nhất và có quy mô đủ lớn.

- Phải có tính khả thi: Chủ đầu tư phải có đủ nguồn lực để đầu tư.

2. Lựa chọn và xác định thị trường mục tiêu

    Khi thực hiện lập dự án đầu tư thì nhà đầu tư cũng như nhà quản lý dự án cần tập trung vào khai thác một đối tượng khách hàng cũng như thị trường mục tiêu cụ thể. Thị trường mục tiêu là đoạn thị trường cụ thể và hấp dẫn nhất để tiến hành kinh doanh hay là đoạn thị trường mà việc đầu tư vào dự án có thể thực hiện một cách có hiệu quả và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng.

    Khi xác định và lựa chọn thị trường mục tiêu, để việc xác định và lựa chọn chính xác thì nhà quản lý dự án cần chú ý đến một số yêu cầu sau:

- Thị trường mục tiêu phải có quy mô đủ lớn và mức tăng trưởng ổn định để bù đắp được các chi phí hoạt động sản xuất và các chi phí cho hoạt động Marketing.

- Phải chú ý đến tính hấp dẫn của đoạn thị trường từ các mối đe dọa và các sức ép khác nhau.

- Đoạn thị trường đó phải tạo ra được những ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh.

- Phải chú ý đến tính hiệu quả khi đầu tư vào đoạn thị trường đó.

- Việc lựa chọn thị trường mục tiêu phải phù hợp với khả năng của chủ đầu tư như vốn, năng lực chuyện môn, trình độ quản lý dự án,…

ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD