0236.3650403 (128)

Phát triển sản phẩm mới cho quỹ đầu tư


Các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư tín thác (ETF) hàng hóa, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản… là những sản phẩm đang được cơ quan quản lý nghiên cứu để cho ra đời, nhằm giúp các quỹ và nhà đầu tư bảo vệ được thành quả.

Hiệu quả hoạt động của mỗi quỹ hoàn toàn khác nhau vì vậy không nên đánh đồng nó, trên thị trường có những quỹ hoạt động tương đối tốt và có quỹ chưa hiệu quả, bởi mỗi quỹ có một mục tiêu đầu tư khác nhau. Có quỹ đầu tư chuyên về giá trị, có quỹ đầu tư các sản phẩm OTC hay theo P/E (hệ số giá trên thu nhập), bất động sản. Chẳng hạn quỹ đầu tư vào lĩnh vực A nhưng những công ty thuộc lĩnh vực đó hoạt động kém hiệu quả thì quỹ không thể tăng trưởng tốt. Quỹ là công cụ đầu tư gián tiếp, phụ thuộc rất nhiều vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà quỹ đầu tư vào theo các tiêu chí tại điều lệ quỹ, vì vậy, quỹ cũng khó mà chủ động được hoàn toàn trước những biến động của thị trường.

Một thực tế là nhiều quỹ đóng trong thời gian qua đã được giao dịch với giá trị dưới giá trị thực, tỷ lệ chiết khấu quá cao, thậm chí lên tới 30-50%, đây không thể nói đó là do hiệu quả đầu tư của quỹ mà một phần là lỗi của sản phẩm. Nhiệm vụ của chúng ta cần tiếp tục triển khai những sản phẩm mới khắc phục được những hạn chế đó. Tuy nhiên việc chuyển sang các quỹ mở lại gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục. Vì vậy thông tư 183/2011 đã có hẳn các điều khoản dành riêng cho quỹ nếu chuyển đổi. Hiện đang có 22 quỹ nội, tuy nhiên chủ yếu là quỹ thành viên, và chỉ có vài quỹ đại chúng, cụ thể là 6 quỹ đóng. Tuy nhiên mới chỉ có một vài quỹ đang lên kế hoạch chuyển đổi sang quỹ mở, và chưa có bất kỳ quỹ nào nộp hồ sơ đăng ký chuyển đổi, và chỉ loại trừ trường hợp các quỹ đóng đang có danh mục đầu tư tập trung quá nhiều vào các cổ phiếu OTC, kém thanh khoản hoặc khó định giá, không đáp ứng điều kiện về thanh khoản đối với danh mục để có thể chuyển đổi sang quỹ mở theo quy định.

Ngoài ra, cũng không loại trừ tâm lý e ngại của các công ty quản lý quỹ, khi mà việc quản lý quỹ mở hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt phải đối mặt với tình trạng rút vốn của nhà đầu tư ra khỏi quỹ khi thị trường không thuận lợi. Quỹ đóng, mặc dù có hạn chế nhất định đối với nhà đầu tư (giá thị trường luôn thấp hơn giá trị thực của quỹ), nhưng công ty quản lý quỹ thì sẽ an toàn hơn khi họ không phải đối mặt với sức ép rút vốn trong thời gian quỹ hoạt động.

Nhìn chung, sau khi kết thúc hoạt động một quỹ, lẽ đương nhiên các công ty quản lý quỹ cũng phải tính tới việc thành lập các quỹ khác. Hiện đã có một số công ty đang chuẩn bị hồ sơ cho quỹ mới. Mô hình quỹ đóng có thể sẽ không phổ biến, thay vào đó là các quỹ mở với thời hạn hoạt động không hạn chế. Các quỹ đóng có thể sẽ còn và nếu có, cũng có thể tập trung nhiều trong các lĩnh vực như bất động sản hay P/E, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 Quỹ đóng thì hiện trên thị trường chỉ có 6 quỹ,.một quỹ hoạt động khá ổn với tỷ lệ tiền mặt cao, năm quỹ còn lại chuẩn bị đến thời gian chuẩn bị đáo hạn, trong đó theo chúng tôi được biết, có một số quỹ dự định chuyển qua mô hình quỹ mở, còn lại sẽ đóng.

Vấn đề quan trọng là các  cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện cho ra các sản phẩm mới, theo đúng xu hướng tất yếu của thị trường. Cơ quan quản lý phải lập trình để cho thị trường phát triển theo một trật tự nhất định, lo trước nỗi lo của thị trường và làm chính sách không phải vì hiệu quả hiện tại, cần tập trung vào xây dựng hành lang pháp lý để khi thị trường cần có thể ra sản phẩm ngay và nhiều sản phẩm mới cũng đang được nghiên cứu để cho ra đời. Ví dụ như quỹ ETF, đặc biệt trong đó có sản phẩm ETF hàng hóa hay các sản phẩm khác như công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản nhằm kết nối thị trường chứng khoán với thị trường bất động sản, khuyến khích sự phát triển của thị trường bất động sản cho thuê phù hợp với thông lệ quốc tế, hay các sản phẩm hưu trí tự nguyện…

 Nghiệp vụ quản lý quỹ rất đặc thù, khi mà cốt lõi là lòng tin của khách hàng ủy thác. Có tin tưởng, thì khách hàng mới giao tài sản để quản lý, hoặc mới có thể huy động được quỹ. Vì vậy cần chú ý 3 vấn đề:

-Vấn đề pháp lý

- Đạo đức nghề nghiệp.

- Chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là sự cẩn trọng và tính chuyên nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý cần tập trung nghiên cứu cho ra các sản phẩm mới, chẳng hạn như các sản phẩm chứng khoán phái sinh, là công cụ giúp phòng ngừa rủi ro, giúp các quỹ và nhà đầu tư bảo vệ được thành quả. Hoặc các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ này hình thành không phải cho thị trường chứng khoán mà bảo đảm cuộc sống sau khi nghỉ hưu của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, quỹ sẽ phải tìm đến các địa chỉ đầu tư tin cậy, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ… và khi đó thị trường tài chính sẽ là một kênh dẫn vốn giúp các khoản tiền nhàn rỗi này tìm địa chỉ đầu tư.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hà