0236.3650403 (128)

Quản lý rủi ro trong hoạt động vận tải


Có ba loại rủi ro chính cần phải xem xét khi vận chuyển một lô hàng giữa hai điểm trên mạng lưới:

1.      Rủi ro lô hàng bị chậm trễ

2.      Rủi ro lô hàng không đến được điểm đích bởi vì những điểm giữa hoặc các tuyến đường nối bị phá vỡ do các thế lực bên ngoài

3.      Rủi ro vốn có của vật liệu nguy hiểm

Trong mỗi trường hợp, điều quan trọng là xác định được nguồn gốc rủi ro, hậu quả của nó và hoạch định các chiến lược giảm nhẹ tổn thất phù hợp.

Sự chậm trễ phát sinh bởi vì ùn tắc dọc các tuyến đường như các tuyến đường ô tô hay tại điểm nút giao thông như tại các cảng biển hay sân bay. Khi ùn tăc gây chậm trễ, các chiến lược giảm nhẹ tổn thất cho người gửi hàng bao gồm việc di chuyển điểm tồn kho đến gần điểm đích hơn, sử dụng các tuyến đường nhỏ khác thay thế và xây dựng một vùng đệm cho thời gian giao hàng. Chậm trễ do ùn tắc có thể được giảm nhẹ bằng cách thiết kế một mạng lưới với nhiều tuyến đường đến điểm đích và thay đổi tuyến đường dựa trên tình hình ùn tắc. Chậm trễ do ùn tắc cũng có thể giảm đi bằng cách định phí ùn tắc bởi người sở hữu tuyến đường hay điểm nút giao thông. Chậm trễ cũng có thể phát sinh do giới hạn về các phương tiện vận tải sẵn có hoặc công suất hạ tầng giao thông. Những chậm trễ như vậy dễ có khả năng xảy ra khi tài sản sở hữu của bên thứ ba phục vụ cho nhiều khách hàng. Những chậm trễ như này có thể giảm đi bằng cách sở hữu một số năng lực vận tải và ký hợp đồng dài hạn về cung cấp năng lực vận tải với bên thứ ba. Mặc dù chi phí cao khi sở hữu phương tiện vận tải nhưng đó là phương án tốt nhất trong trường hợp một phần của mạng lưới có mức độ sử dụng phương tiện cao.

Tình trạng (gián đoạn) chia cắt tại các điểm nút và các tuyến đường vận tải có thể xảy ra do các biến cố thiên nhiên như bão hoặc do con người gây ra như khủng bố. Chiến lược tốt nhất để giảm thiệt hại trong những trường hợp này là thiết kế nhiều tuyến đường khác nhau trong mạng lưới vận tải.

Khi xem xét rủi ro chậm trễ và gián đoạn, điều quan trọng là xác định nguồn gốc các rủi ro liên quan trong toàn mạng lưới. Ví dụ, dự kiện 11/9 2001 đã làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không trên toàn nước Mỹ. Chiến lược sử dụng các tuyến đường thay thế vô tác dụng trong trường hợp này vì không tuyến đường hàng không thay thế nào có thể sử dụng. Đối với những rủi ro có nguồn gốc như vậy, lựa chọn duy nhất là giảm khả năng xảy ra các gián đoạn như vậy.

Nguyên liệu nguy hiểm có thể gây hại cho con người và môi trường. Mục tiêu của giảm nhẹ rủi ro này là tối thiểu hóa khả năng xảy ra sự cố và trong trường hợp sự cố xảy ra, thì giảm thiểu tác động. Chiến lược giảm thiểu tổn thất bao gồm cả việc sử dụng các container phù hợp, các phương thức vận tải có mức độ rủi ro thấp, lựa chọn các tuyến đường có khả năng xảy ra tai nạn thấp hoặc giảm tác động đến con người và môi trường hoặc thay đổi đặc tính lý hóa của nguyên vật liệu chuyên chở để nó ít nguy hiểm hơn trong quá trình chuyên chở.

Trần Nam Trang