0236.3650403 (128)

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI ĐÀ NẴNG


1. Một số dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Tác động tiêu cực rõ nhất của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất ở Đà Nẵng là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp FDI do vi phạm về bảo vệ môi trường, đã bị chính quyền thành phố buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì không có những biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất. Vấn đề mâu thuẫn giữa tăng trưởng sản xuất công nghiệp, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao với sự ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra vẫn là bài toán nan giải đặt ra cho chính quyền Đà Nẵng. Điều này lại đặc biệt rõ nét trong hoạt động thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hoạt động FDI chủ yếu được tiến hành trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chất thải có nhiều thành phần độc hại, nếu không được xử lý và kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội hiện tại và tương lai sẽ vô cùng lớn, làm giảm khả năng đạt tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, hiện tại, Đà Nẵng có hai KCN có lượng nước thải lớn. Đó là KCN Hoà Khánh: 4500 m3 /ngày và Khu Công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản: 1000 m3/ngày. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số điểm trên địa bàn thành phố. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải của hai KCN này vượt tiêu chuẩn Việt Nam nhiều lần.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nói chung trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp hàng năm thải ra 7000 - 8000 tấn rác. Trong khi đó, khả năng thu gom của các đơn vị hiện tại chỉ được khoảng 5000 tấn, trung bình một doanh nghiệp thải 20 tấn/ngày, lượng rác thực tế thu gom được khoảng 14 tấn/ngày. Các công nghệ đang sử dụng trong chế biến rác chưa thực hiện được việc tách các chất thải rắn nói chung và chất thải rắn nguy hại, mà vẫn gom chung với các chất thải thông thường. Dù chưa điều tra cụ thể, nhưng có thể khẳng định cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI đều tham gia việc thải chất rắn độc hại ra môi trường .

Ngoài những tác động gây ô nhiễm môi trường trực tiếp qua hoạt động sản xuất, việc chuyển giao công nghệ lạc hậu cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, tuy mức độ ảnh hưởng không lớn, nhưng cũng là vấn đề cần được quan tâm, trong đó đặc biệt chú ý các ngành bia rượu, giấy bao bì, dệt may trình độ công nghệ thấp hơn trình độ chung của ngành.

2. FDI tạo sự cạnh tranh không bình đẳng đối với một số doanh nghịêp trong nước

FDI đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, lành mạnh đối với các doanh nghiệp địa phương cùng sản xuất một mặt hàng. Có trường hợp, thành phố đã phải chuyển nhượng luôn phần vốn góp của đối tác trong nước cho đối tác nước ngoài trong liên doanh như Nhà máy Bia Sông Hàn đã phải bán cho Công ty Bia Fosters’ của Australia do sản phẩm bia của địa phương không cạnh tranh được trên thị trường. Có thể nói, trong thời gian qua, tác động tiêu cực của FDI đối với doanh nghiệp trong nước thông qua việc cạnh tranh chưa nhiều; nhưng đang có xu hướng tăng cạnh tranhtrong thời gian tới. Những doanh nghiệp FDI, nhất là những công ty xuyên quốc gia có ưu thế về vốn, trình độ công nghệ, quản lý sản xuất gây sức ép cạnh tranh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp trong nước. Nhiều trường hợp, hàng hóa và dịch vụ của công ty xuyên quốc gia lấn át, dẫn đến doanh nghiệp trong nước mất dần thị trường, dễ lâm vào tình trạng phá sản. Nhiều ngành sản xuất mới trong nước khó có thể cạnh tranh được với các công ty xuyên quốc gia, do vậy, sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển.

Trong thời gian qua, ở thành phố Đà Nẵng đã có nhiều doanh nghiệp trong nước rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Nhất là các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến bia, nước giải khát. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản, hoặc phải bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài như Công ty bia Sông Hàn đã nêu trên.

3. Vấn đề chuyển giá và hạch toán lỗ của một số doanh nghiệp FDI

Đối với một số doanh nghiệp FDI theo hình thức liên doanh, phía đối tác nước ngoài dùng nhiều thủ đoạn nâng cao giá thành sản phẩm thông qua các hoạt động như quảng cáo, mua nguyên vật liệu từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng thua lỗ giả và làm giảm tỷ lệ phần vốn góp của phía Việt Nam trong liên doanh (thường chỉ là 30% bằng quyền sử dụng đất). Do đó, hoặc là phía Việt Nam phải tăng vốn góp hoặc là phải chuyển nhượng phần góp vốn của mình cho phía đối tác nước ngoài, từ đó chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, gây nên thất thoát trong quản lý kinh tế. Vấn đề này còn gọi là chuyển giá (transfering price).

Chuyển giá là những giao dịch về giá ẩn bên trong giao dịch giữa các công ty mẹ và các chi nhánh công ty con . Những giao dịch về giá này được thực hiện dựa trên những tính toán bên trong của các công ty xuyên quốc gia và giá của những giao dịch này không phản ánh đúng giá trị thị trường. Các công ty xuyên quốc gia thường sử dụng chuyển giá như là một biện pháp để hạch toán lãi thành lỗ, lãi nhiều thành lãi ít, nhằm mục đích cuối cùng là thôn tính sở hữu đối với bên liên doanh trong nước, tránh đánh thuế chuyển lợi nhuận, thuế nhập khẩu và kiểm soát tỷ giá. Tác hại của lợi dụng chuyển giá không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà còn tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Ví dụ như:

Công ty TNHH Kad Industrial SA Việt Nam:

Trụ sở của DN đặt tại Lô số 10, đường 11B Khu Công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng là DN 100% vốn đầu tư của DN Hàn Quốc, hoạt động trong ngành may mặc, DN đi vào hoạt động từ tháng 6/2007. DN này liên tục khai báo thua lỗ trong nhiều năm.

Theo kết quả thanh tra thuế của cơ quan thuế địa phương năm 2012, toàn bộ máy móc thiết bị tạo tài sản cố định của Công ty đều đã qua sử dụng được nhập khẩu từ một nhà máy ở Mỹ và được tính vào giá trị vốn góp của công ty mẹ ở Hàn Quốc. Kết quả lỗ một phần là do chi phí khấu hao máy móc, thiết bị đưa vào giá thành cao, gấp 1,5 lần theo kế hoạch. Tuy nhiên, cơ quan thuế không đủ cơ sở để xử lý vì không thể xác định được giá các loại máy móc trên. Đầu mối định giá từ phía cơ quan hải quan không có vì máy móc ngành may mặc không thuộc diện chịu kiểm soát rủi ro về giá và số máy móc thiết bị nhập khẩu này để tạo tài sản cố định nên được miễn thuế nhập khẩu.

Để chống hiện tượng chuyển giá, nghiệp vụ của cơ quan tài chính và cơ quan thuế phải rất cao trong giám sát doanh nghiệp. Trong khi đó, Sở Tài chính và Cục Thuế Đà Nẵng chưa có điều kiện để điều tra, xác minh, tiến hành phân tích, xác định thực tế giao dịch liên kết và rủi ro về gian lận qua chuyển nhượng. Việc phân tích phải bao gồm cả thu thập các thông tin về bên nước ngoài và về kinh tế ngành. Nhưng ở cấp địa phương, khó có thể tiến hành xác minh được vấn đề này, do thiếu trình độ, kinh phí, phân cấp về thẩm quyền; hơn nữa, nhiều quốc gia chưa có hiệp định về thuế quan với Việt Nam

4. FDI góp phần tạo nên một số vấn đề xã hội mới

Điểm khác biệt so với các doanh nghiệp trong nước là thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp FDI có sự chênh lệch rất cao giữa người quản lý và người lao động trực tiếp. Thu nhập của người làm việc trong các doanh nghiệp FDI cũng cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước cùng loại, tạo ra sự phân biệt về thu nhập, đời sống giữa các tầng lớp trong xã hội. Trên thực tế, hiện tượng "chảy máu chất xám" đã khá phát triển. Khu vực FDI có xu hướng thu hút nhân lực giỏi từ khu vực doanh nghiệp trong nước và cơ quan quản lý nhà nước.

Ngược lại, một số chủ doanh nghiệp đối xử bất công, xúc phạm nhân phẩm đối với người lao động, làm phát sinh những mâu thuẫn, hành động phản kháng của công nhân Việt Nam như xô xát, đình công, lãn công, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhà đầu tư và tập thể lao động trong doanh nghiệp.

Nguyên nhân đình công tập trung chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI này huy động làm thêm giờ quá quy định, nhưng không báo trước, trả lương thấp, chậm trả nợ lương, định mức lao động quá cao, phạt người lao động bằng tiền không thoả đáng; khi tranh chấp xảy ra, thì người lao động thiếu am hiểu pháp luật để có thể tiến hành đấu tranh một cách có phương pháp trên cơ sở những quy định pháp luật hiện hành; tổ chức công đoàn và các đoàn thể khác ở các doanh nghiệp này yếu, có doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, dẫn đến thiếu đại diện và tổ chức hướng dẫn người lao động đấu tranh trong khuôn khổ luật pháp. Một số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nhưng cán bộ công đoàn do doanh nghiệp trực tiếp trả lương, sợ ảnh hưởng đến công ăn, việc làm nên không dám đấu tranh bảo vệ lợi ích người lao động.

Nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp các ngành dệt may, giày da thường sử dụng nhiều lao động, mà nguồn lao động chủ yếu từ vùng nông thôn. Do vậy một bộ phận dân cư từ nông thôn của thành phố (thường không lớn), và một lượng lớn lao động từ các tỉnh lân cận đổ về Đà Nẵng, gây nên sức ép rất lớn về chỗ ở, học hành, chữa bệnh, an ninh trật tự xã hội. Đây vừa là vấn đề phát sinh từ CNH, từ phát triển FDI, vừa là thách thức trong tương lai đối với chính quyền Đà Nẵng./.

Nguyễn Thị Minh Hà