0236.3650403 (128)

THIẾT KẾ CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ KỸ THUẬT


Bộ phận công nghệ có nhiệm vụ phân chia các công việc cho thợ đứng máy trên từng chỗ làm việc sao cho sản phẩm làm ra đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Chức năng này tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu có hiệu năng và ít lãng phí nhất.

Theo truyền thống Việt Nam hiện nay phòng công nghệ và phòng KCS có trách nhiệm kiểm tra và theo dõi chất lượng sản phẩm, tuy nhiên theo quan điểm mới mọi thành viên của công ty đều được khuyến khích cải tiến chất lượng ngay trong công việc mình làm, đồng thời cung cấp hàng tốt ở đầu vào công việc kế tiếp. Như vậy có sự ăn ý nhau giữa bộ phận thiết kế công nghệ và bộ phận KCS. Bộ phận công nghệ sẽ hợp tác với các công nhân trong việc cải tiến công nghệ và quản lý chất lượng. Sau đó các kỹ sư có trách nhiệm trong việc đo lường kết quả công cuộc cải tiến chất lượng đồng thời nâng cao năng suất và hạ chi phí sản xuất và dịch vụ.

Có các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình thiết kế công nghệ là:

Khối lượng sản phẩm sản xuất:

Là khối lượng sản xuất trên một đơn vị thời gian, vì thế, nó có thể đồng nghĩa với tốc độ sản xuất. Khối lượng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của máy móc thiết bị và phương pháp sản xuất.

Khối lượng sản xuất dự kiến xác định trên cơ sở dự báo lượng bán. Ứng với mỗi lượng bán cụ thể chúng ta mới có thể xem xét thực tế kinh phí cần thiết, cũng như hiệu quả của các đầu tư. Khối lượng các công việc giống nhau càng lớn càng cho phép chọn các thiết bị hiện đại hơn. Cũng vậy, các phương pháp chế tạo sẽ thay đôi trong một khoảng rộng của khối lượng sản xuất.

- Yêu cầu chất lượng sản phẩm sẽ chế tạo sẽ ảnh hưởng quyết định đến việc thiết kế quy trình công nghệ. Trách nhiệm của các kỹ sư thiết kế sản phẩm là phải cụ thể hóa các yêu cầu chất lượng thành những bản vẽ, chi tiết hóa các yêu cầu kỹ thuật. Các tài liệu này là căn cứ để xây dựng các phương pháp, lựa chọn các thiết bị để sản xuất đạt yêu cầu, với chi phí thấp nhất.

- Những trang thiết bị có thể sử dụng, hay có thể mua sắm là nền tảng cho việc tạo ra quy trình hợp lý. Trong nhiều tình huống thì khả năng thiết bị hiện có và có thể huy động là cơ sở cho việc xây dựng quy trình sản xuất, tất nhiên, với sản phẩm mới thì có thể không hoàn toàn làm như vậy được. Thiết kế quy trình sản xuất sẽ chú ý tới các kiểu thiết bị sẵn có, khả năng điều phối sử dụng các năng lực các nhóm máy khác nhau.

Tuy nhiên, việc hạn chế chỉ sử dụng các máy cũ có thể làm giảm tính sáng tạo của người thiết kế quy trình, tốt hơn là cho phép áp dụng máy mới trong các điều kiện đáng giá như: đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về chất lượng, khối lượng công việc đủ lớn để đảm bảo sử dụng hiệu quả, sự ảnh hưởng đến các khâu khác của sản xuất.

Việc thiết kế và áp dụng quy trình có liên hệ mật thiết với loại hình sản xuất. Đối với sản xuất liên tục các phương pháp và quy trình được nghiên cứu tỷ mỷ và gắn vào dây chuyền. Các thiết bị chuyên dùng có khuynh hướng được ưu tiên. Chỉ cần những thay đổi nhỏ về quy trình trong sản xuất thường ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền, nên nếu cần thay đổi những bộ phận của quy trình người ta phải chờ đến khi thay đổi mẫu mã. Ngược lại, đối với sản xuất gián đoạn việc thiết kế các phương pháp và quy trình sao cho thích hợp với các máy có sẵn hoặc sẽ được mua. Máy móc vạn năng thường được sử dụng. Những cải tiến, sửa đổi quy trình được áp dụng nhanh.

v Trình tự cơ bản có thể áp dụng cho việc thiết kế quy trình công nghệ như sau:

1- Người thiết kế sản phẩm và kỹ sư thiết kế quy trình hợp tác với nhau trong quá trình thiết kế chi tiết để đảm bảo cho các vấn đề chế tạo đều được tính đến khi thiết kế chi tiết.

2- Xác định các yếu tố cơ bản là khối lượng, chất lượng, thiết bị cần thiết. Trong nhiều trường hợp có thể phải tính đến việc mua sắm các thiết bị hiện đại hơn.

3- Xét quyết định “mua hay làm” với một số các chi tiết.

4- Xác định các công việc cần làm để chế tạo các chi tiết từ dạng nguyên liệu thành chi tiết hay gia công hoàn chỉnh để lắp ráp.

5- Gồm các công việc cần làm thành các công đoạn. Cần thực hiện bước này trong ảnh hưởng của khối lượng sản xuất, chất lượng yêu cầu và thiết bị. Sau đó, xét giao các công đoạn này cho các kiểu máy nào, nơi làm việc nào cho hiệu quả, ước lượng nhu cầu công nhân.

6- Sắp xếp các công đoạn theo trình tự hợp lý.

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung