0236.3650403 (128)

THỐNG KÊ TÀI CHÍNH TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG


1.     Vai trò của thống kê tài chính trong cơ chế thị trường

Tài chính là một phạm trù kinh tế khách quan, phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể (Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các hộ gia đình hay cá nhân dân cư) trong xã hội.

     Tài chính đóng vai trò to lớn trong việc phân phối lần đầu và phân phối lại tổng sản phẩm trong nước (GDP), trong đó phân phối lại được thực hiện thông qua công cụ tài chính có phạm vi rộng lớn và mang tính chất chủ yếu. Nếu như phân phối lần đầu GDP được thực hiện trước hết và chủ yếu ở khâu cơ sở của hệ thống tài chính (tài chính doanh nghiệp, tài chính hộ gia đình), thì phân phối lại GDP được thực hiện trong tất cả các khâu của hệ thống tài chính.

     Trong điều kiện nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế vận động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, hoạt động của ngành tài chính nước ta ngày càng phát triển và đổi mới không ngừng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của sự  nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tác dụng của thống kê tài chính không ngừng tăng lên. Mối quan hệ đặc biệt của thống kê tài chính với vai trò của tài chính trong cơ chế thị trường được thực hiện thông qua việc thiết lập, phân phối và phân phối lại GDP, sử dụng các công cụ tài chính để đẩy mạnh quá trình tái sản xuất mở rộng và đáp ứng các nhu cầu xã hội khác.

     Cùng với sự phát triển của ngành tài chính, công tác thống kê tài chính giữ một vai trò hết sức quan trọng. Thống kê tài chính cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin kinh tế cần thiết về hoạt động tài chính thông qua việc tính toán một hệ thống chỉ tiêu có căn cứ khoa học, là cơ sở để nghiên cứu tác dụng của các quy luật kinh tế trong lĩnh vực tài chính, những quan hệ kinh tế trong lĩnh vực phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm quốc dân và tổng sản phẩm quốc nội với sự hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ tập trung và quỹ tiền tệ không tập trung ở các chủ thể trong xã hội nhằm mục đích đã định.

2.  Nhiệm vụ của thống kê tài chính:

Với tư cách là một môn khoa học thống kê đi sâu nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính, phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu, thống kê tài chính có nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể như sau:

-         Nhiệm vụ chung: thu thập, chỉnh lý, tổng hợp và phân tích các thông tin thống kê cần thiết về hoạt động tài chính chung của nhà nước và tài chính các doanh nghiệp, các ngành của nền kinh tế quốc dân nhằm dự báo xu hướng biến động, phát triển củacác hoạt động bảo hiểm, đảm bảo thông tin thống kê phục vụ  tổ chức quản lý tài chính của các ngành, các doanh nghiệp, cũng như quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước về tài chính.

-         Nhiệm vụ cụ thể:

Để thực hiện được nhiệm vụ chung, thống kê tài chính cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

+ Xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu có cĂn cứ khoa học nhằm lượng hóa một cách có hệ thống và chính xác các hoạt động phong phú và đa dạng diễn ra trong lĩnh vực tài chính, và đề ra phương pháp luận tính toán các chỉ tiêu đó để phản ánh và phân tích hoạt động tài chính trên phạm vi từng doanh nghiệp, từng ngành và toàn bộ nền kinh tế quốc dân

+ Nghiên cứu nhằm hoàn thiện chế độ báo cáo thống kê của ngành tài chính phù hợp với các dạng và hình thức biểu hiện của hoạt động tài chính, tăng cượng tổ chức điều tra chuyên môn để có thể thu thập được nguồn thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu, phân tích và tính toán hệ thống chỉ tiêu thống kê, và tổng hợp số liệu về hoạt động tài chính trong các ngành, các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo từng tháng, quý năm.

+ Phát hiện, phát huy và động viên được tất cả tiềm năng tài chính cho nền kinh tế quốc dân và làm tốt hơn công tác kiểm tra, thanh tra tài chính.

+ Nghiên cứu tình trạng tài chính, khả năng thanh toán của chúng, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch lợi nhuân, doanh lợi và nộp thuế cho ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp.

+ Nghiên cứu tổ chức thống kê tài chính của Nhà nước, các ngành và các doanh nghiệp của nền kinh tế quốc dân.

+ Dự báo thống kê ngắn hạn các chỉ tiêu về tài chính của các doanh nghiệp, các ngành và trên giác độ toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

+ Lưu trữ và cung cấp nguồn thông tin, số liệu theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp, ngành và của Nhà nước.

Giảng viên: Nguyễn Thị Tiến