0236.3650403 (128)

TÍNH CÁCH ĐỘNG CƠ THÀNH ĐẠT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG VIỆC


Người có động cơ thành đạt cao thể hiện cường độ khát khao được vượt trội, khát khao thành công trong các công việc khó khăn và mong muốn làm tốt hơn người khác.

Người có động cơ thành đạt cao thường hứng thú với những công việc khó khăn, họ thích những công việc có mức độ thách thức vừa phải. Họ không thích những công việc quá dễ vì không có tính thách thức, nhưng họ cũng né tránh những công việc khó mà khả năng thành công là rất thấp. Những người có động cơ thành đạt cao thích đương đầu với những công việc mà sự thành công của nó được đóng góp trực tiếp bởi các nỗ lực của họ. Họ thích đương đầu với những công việc mà cơ may thành công là 50/50, vì những công việc quá dễ thì không đủ thách thức như mong muốn và những công việc quá khó thì lại dễ dẫn đến thất bại ( điều này là không thể chấp nhận được).

Những người có động cơ thành đạt thấp thường ưu tiên cho những công việc ít khó khăn ( vì dễ thành công ) còn nếu giao công việc khó khăn, họ có thể bào chữa cho thất bại của mình.

Về quan hệ với thành công trong quản trị. Có phải những người có nhu cầu thành đạt cao là những nhà quản trị thành công?  Chúng ta đã miêu tả những người có động cơ thành đạt cao là những người có quan điểm định hướng công việc với mức độ cao. Họ quan tâm đến việc thực hiện công việc, điều này khuyến khích họ làm việc chăm chỉ và cố gắng thành công. Tuy vậy, có phải những người này luôn luôn thành công hay không, đặc biệt là trong các chức vụ quản trị? Cũng như nhiều câu hỏi khác trong lĩnh vực hành vi tổ chức, câu trả lời này không được rõ ràng lắm.

 Với khát khao vượt trội manh mẽ, có thể bạn nghĩ rằng những người có động cơ thành đạt cao sẽ đạt được thành công trong sự nghiệp lớn hơn so với những người khác. Điều này là đúng trong một chừng mực nào đó. Những người có động cơ thành đạt cao thường được thăng tiến nhanh hơn những người có động cơ thành đạt thấp, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Mong muốn đạt được thành công “khởi động” sự nghiệp của họ nhưng khi sự nghiệp tiến triển thì việc không vượt qua được những thử thách khó khăn sẽ gây trở ngại cho thành công sau này của họ.

 Ngoài ra, những người này thường quá tập trung vào thành công riêng của mình nên nhiều khi họ không ủy quyền cho người khác, do đó không giúp cho thuộc cấp có được những công cụ cần có để đưa ra được những quyết định khả thi cho tổ chức. Thực vậy, những CEO có động cơ thành đạt cao thường chỉ tập trung quyền lực của tổ chức vào một số người. Điều này dẫn đến thất bại trong trao quyền cho các thành viên nhóm như cần thiết, việc này được cho là một chiến lược kém hiệu quả cho quản trị.

Đồng thời, những người có động lực thành đạt cao còn có một đặc điểm quan trọng nữa là: Họ rất mong muốn được phản hồi về thành tích của họ. Nói cách khác, vì họ rất muốn thành đạt nên họ rất muốn được biết mình đang làm việc như thế nào, như vậy họ có thể điều chỉnh mục tiêu của mình. Không ngạc nhiên khi những người có nhu cầu thành đạt cao thường thích những hệ thống trả lương dựa trên công trạng ( tức là hệ thống trả lương dựa trên thành tích ) hơn vì những hệ thông này công nhận các thành tích cá nhân. Đồng thời, họ thường không thích hệ thống trả lương dựa trên tuổi tác ( tức là hệ thống trả lương dựa trên thời gian làm việc trong công ty ), vì những hệ thống này không công nhận những khác biệt về thành tích dựa trên công việc của mọi người

                                                         Nguyễn Thị Thảo