0236.3650403 (128)

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ TẠI VIỆT NAM


 ĐỖ VĂN TÍNH

 

Khái niệm ngân hàng số

Ngân hàng số là hình thức thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng trực tuyến thông qua internet. Mọi hoạt động của khách hàng đều qua các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, laptop. Nói cách khác, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử. 

Ngân hàng số còn được hiểu là hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì có thể làm ở các chi nhánh ngân hàng bình thường, giờ đây đã được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất. Với ngân hàng số tất cả những hoạt động rút tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, vay ngân hàng, sử dụng các dịch vụ tiện ích khác như: bảo hiểm, chứng khoán ... đều được gói gọn trên website hoặc thiết bị di động. 

Trong bài viết này, ngân hàng số được hiểu là sự kết hợp các công nghệ đang phát triển và công nghệ mới dựa trên cơ sở tích hợp hệ thống công nghệ và các sản phẩm với nhau để mang lại trải nghiệm khách hàng một cách hiệu quả. (Vũ Hồng Thanh, 2016).

Đặc điểm của ngân hàng số 

Sản phẩm ngân hàng khác với các sản phẩm thông thường khác là không có kích thước, hình dáng, màu sắc hay mùi vị và cũng không thể cầm, nắm, nhìn thấy được. Do đó sản phẩm ngân hàng là một sản phẩm vô hình hay cũng được gọi là dịch vụ ngân hàng. 

Ngân hàng số cũng có đầy đủ các đặc điểm của sản phẩm vô hình là: tính vô hình, tính không đồng nhất, tính không thể tách rời và tính không thể dự trữ. Chính những đặc điểm này làm cho sản phẩm ngân hàng số rất khó xác định và thông thường không thể nhận dạng bằng mắt thường được.
Lợi ích của ngân hàng số 

- Tiết kiệm chi phí và thời gian. Hình thức ngân hàng số chính là biện pháp cải thiện tối đa việc tiết kiệm chi phí cho ngân hàng từ việc sử dụng các ứng dụng tự động thay cho lao động thủ công. Với đường truyền internet mạnh, ngân hàng số cũng giúp khách hàng chủ động thời gian và không gian, tiết kiệm công sức của mình thay vì phải ra các chi nhánh ngân hàng thực hiện giao dịch như trước. 

- Thuận tiện, nhanh chóng. Ngân hàng số sẽ giúp khách hàng có thể kết nối với ngân hàng một cách 

nhanh chóng, thuận tiện để thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng tại bất kỳ thời điểm nào (24 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần) và ở bất cứ nơi đâu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các khách hàng có ít thời gian để đi đến văn phòng trực tiếp giao dịch với ngân hàng, các khách hàng nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân có số lượng giao dịch với ngân hàng không nhiều, số tiền mỗi lần giao dịch không lớn. Đây là lợi ích mà các giao dịch kiểu ngân hàng truyền thống khó có thể đạt được với tốc độ nhanh, chính xác so với ngân hàng số. 

- Tăng hiệu quả kinh doanh. Phí giao dịch ngân hàng số được đánh giá là ở mức rất thấp so với giao dịch truyền thống, đặc biệt là giao dịch qua internet, mọi thứ được thực hiện tự động, chỉ cần một phần mềm, một ứng dụng là có thể thực hiện ngay, không phải chờ đợi và chỉ cần đầu tư một lần duy nhất và sử dụng được cho một lượng lớn khách hàng, từ đó góp phần tăng thu nhập cho ngân hàng. 

Các giao dịch như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, thanh toán hóa đơn, vay vốn ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm, tham gia các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp và các tiện ích khác... đều không cần phải đến chi nhánh ngân hàng. Từ đó, giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh hiện nay. Với nền tảng kỹ thuật số giúp cải thiện sự tương tác với khách hàng và đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. 

- Tạo được độ chính xác cao. Ngân hàng số với nền tảng công nghệ vượt trội giúp xử lý và tính toán nhanh hơn, chính xác hơn đồng thời cũng giúp ghi nhận các giao dịch phát sinh một cách chính xác so với cách thức hạch toán truyền thống do con người vận hành như hiện nay. 

- Mở rộng phạm vi hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh. Ngân hàng số là một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng thương mại. Điều quan trọng hơn là ngân hàng số còn giúp ngân hàng thực hiện chiến lược “toàn cầu hóa” mà không cần mở thêm chi nhánh ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngân hàng số cũng là công cụ quảng bá, khuyếch trương thương hiệu của ngân hàng một cách hiệu quả. 

- Tăng khả năng chăm sóc và thu hút khách hàng. Chính tiện ích từ công nghệ ứng dụng, từ phần mềm, từ nhà cung cấp dịch vụ mạng, dịch vụ internet đã thu hút và giữ khách hàng sử dụng, quan hệ giao dịch với ngân hàng, trở thành khách hàng truyền thống của ngân hàng. Với mô hình ngân hàng số, kinh doanh đa năng nên khả năng phát triển, cung ứng các dịch vụ cho nhiều đối tượng khách hàng, nhiều lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng được xem là rất tiềm năng. 

- Giúp tăng cường bảo mật tốt hơn. Với bất kỳ giao dịch phát sinh nào từ hình thức ngân hàng số thì người dùng cũng đều nhận được mã OTP riêng cho mỗi lần sử dụng, đồng thời cũng nhận được các thông báo và email. Với ngân hàng số thì người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng. 

- Cung cấp dịch vụ trọn gói, đa chức năng. Điểm đặc biệt của dịch vụ ngân hàng số là có thể cung cấp dịch vụ trọn gói. Theo đó các ngân hàng có thể liên kết với các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty tài chính khác để đưa ra các sản phẩm tiện ích đồng bộ nhằm đáp ứng căn bản tất các nhu cầu của một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng về các dịch vụ liên quan tới ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán... 

Tình hình phát triển ngân hàng số của các ngân hàng tại Việt Nam 

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tăng 81% và giá trị giao dịch qua internet cũng tăng 67% so với năm 2016. Cả nước hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên đa dạng, các ngân hàng đã nghiên cứu, hợp tác với các đối tác trong nhiều lĩnh vực để đưa các ứng dụng ngân hàng số vào đời sống hàng ngày như: thanh toán tiền điện, nước, internet, thanh toán khoản vay, tích hợp công nghệ thanh toán bằng mã QR Code ... 

Năm 2017, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng thông qua dịch vụ ngân hàng số, chiếm tới 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở. Hơn 42.000 khoản vay đã được thực hiện qua dịch vụ ngân hàng số, trong đó hơn 30.000 tỷ đồng đã được giải ngân. Các thông số này khá ấn tượng và cũng đã góp phần giúp tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 25.026 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. 

Với VPBank, khái niệm ngân hàng số hiện tại là một hệ sinh thái thời trang, ẩm thực, mua sắm, giải trí...phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Ứng dụng Yolo của VPBank hướng đến thế hệ trẻ đã sinh ra và lớn lên trong môi trường thiết bị số, màn hình cảm ứng và kết nối không dây, dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội. Dù chỉ mới ra mắt vài tháng, Yolo đã được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng. 

Đây là ứng dụng ngân hàng số thứ hai mà VPBank phát triển, sau ngân hàng số Timo. 

Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng số. Ngân hàng Quân đội (MB) nay đã cho phép khách hàng chuyển tiền qua ứng dụng Facebook và triển khai việc trao đổi, tương tác với khách hàng qua Chatbot - phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm thiểu công việc của con người. Khi vào một chi nhánh của Vietcombank, khách hàng có thể tự khởi tạo các giao dịch nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản... tại một không gian giao dịch riêng mang tên ngân hàng số Digital Lab. Ngân hàng 100% vốn nước ngoài CIMB (Malaysia) vừa gia nhập thị trường Việt Nam cũng đã cho ra đời ứng dụng OCTO by CIMB với nhiều tính năng vượt trội đúng như tuyên bố chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tiên triển khai hệ thống ngân hàng số tại Đông Nam Á. 

Một số ngân hàng khác tại Việt Nam cũng đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa như sử dụng các giải pháp Ebanking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB); ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Sacombank. 

Thử nghiệm mô hình kinh doanh số như không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab của Vietcombank, nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) của Ngân hàng Phương Đông (OCB); đẩy mạnh khái niệm “chi nhánh ngân hàng điện tử” và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ cho khách hàng (như VietinBank, Vietcombank, VIB, Sacombank ...). 

Ngành ngân hàng toàn cầu và Việt Nam đang trải qua sự phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay và mọi ngân hàng đều phải thay đổi để đáp ứng những chuyển động này. Quá trình số hóa nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm dịch vụ tích hợp của khách hàng trong kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên sự phát triển đột phá của ngành dịch vụ tài chính ngân hàng thế hệ mới. 

Theo đó, các ngân hàng đang định hình lại mô hình kinh doanh để có những cách thức quản lý mới, bắt đầu từ những việc như phân tích và tạo ra thu nhập từ số lượng lớn dữ liệu khách hàng và giao dịch trong thời gian thực. 

Những khó khăn chung khi phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Thứ nhất, phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số. Đặc biệt, chưa có khung pháp lý cho những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu, nhận biết khách hàng điện tử ... vẫn chưa được ban hành để tạo cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán an tâm đầu tư. 

Ngoài ra, vấn đề khó khăn khi chuyển sang giao dịch qua môi trường số là việc xác thực người dùng, bởi việc sử dụng ngân hàng số sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng nên để xác thực đòi hỏi nền tảng công nghệ đặc thù như hệ thống xác thực sinh trắc học, chứng minh thư điện tử, chữ ký số ... cũng như các vấn đề pháp lý liên quan mới có thể đáp ứng được yêu cầu. 

Thứ hai, thủ tục cấp giấy phép cho các dịch vụ liên quan đến ngân hàng số còn phức tạp, gây trở ngại cho ngân hàng bởi hầu hết thông tư hiện hành chưa có quy định về giấy phép cho lĩnh vực này. Thậm chí, có những sản phẩm ngân hàng đã phát triển xong trong thời gian rất ngắn nhưng để hiện thực hóa ngoài thị trường thì mất đến 3 tháng do thủ tục nhiêu khê. 

Thứ ba, thách thức từ hệ thống bảo mật, an ninh mạng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tránh rủi ro cho các ngân hàng. Tại Việt Nam, thách thức an ninh của ngân hàng số ngày càng phức tạp và các ngân hàng phải đối mặt với việc bị phát tán virus, mã độc tinh vi, đa dạng như qua email, phần mềm miễn phí, mạng xã hội ảo... Ngoài lừa đảo trực tuyến, tội phạm an ninh mạng còn sử dụng một số thủ đoạn như sử dụng các thiết bị gắn vào máy ATM/POS hoặc cài phần mềm gián điệp, mã độc tấn công vào ATM, hệ thống thẻ để ăn cắp thông tin về tài khoản thẻ của khách hàng, làm thẻ giả rút tiền, mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ... 

Thứ tư, nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu. Do hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số là nghiệp vụ mới nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp cũng gặp khó khăn nhất định. Ngoài nghiệp vụ ngân hàng nói chung thì đội ngũ nhân sự cần phải nắm bắt về công nghệ, hiểu biết về khách hàng... thì mới có thể phát triển ngân hàng số được.

Các vấn đề cần giải quyết để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam 

Cơ sở hạ tầng. Ngân hàng số ra đời là do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Chính vì vậy, chỉ có thể tiến hành thực tế và có hiệu quả các hoạt động của ngân hàng số khi có một hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tốt. Đòi hỏi về hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin bao gồm hai mặt: một là tính hiện đại về công nghệ và thiết bị, hai là tính phổ cập về kinh tế, đủ rẻ để đông đảo người có thể tiếp cận được (Nguyễn Thị Hằng Nga, 2012). 

Khả năng phát triển sản phẩm. Khả năng phát triển sản phẩm thể hiện quá trình khuyến khích sự đổi mới liên tục sản phẩm và dịch vụ trong việc tạo ra giá trị mới cho các doanh nghiệp; doanh nghiệp nào càng có nhiều sáng kiến thì càng có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh (Damanpour, 1991). 

Việc phát triển, ứng dụng và đưa ra các sản phẩm mới là thước đo trình độ của các doanh nghiệp, ngoài ra nó còn phản ánh được năng lực sáng tạo của doanh nghiệp. (Deshpandé & Farley, 2004). 

Với đặc thù là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hầu như không có sự khác biệt thì để cạnh tranh được các ngân hàng cần phải thiết kế các sản phẩm độc đáo, đa dạng tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm và chiếm lĩnh phân khúc mà mình nhắm đến. 

Nguồn nhân lực. Việc triển khai và phát triển các sản phẩm ngân hàng theo hướng số hóa đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia thông tin đủ mạnh để đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống. Con người luôn là nhân tố quyết định đến sự thành công của bất kì hoạt động nào, phát triển nhân lực mạnh mẽ sẽ là yếu tố chính cho những thành công của quá trình số hóa một cách toàn diện (Hoàng Nguyên Khai, 2013). 

Khi phát triển dịch vụ ngân hàng số, có thể các ngân hàng giảm được đáng kể nguồn nhân lực do có nhiều công đoạn được tự động hoá và có máy móc hỗ trợ đắc lực. Nhưng cũng chính điều này đòi hỏi mỗi nhân viên ngân hàng phải trang bị cho mình những kỹ năng ứng dụng công nghệ một cách có hiệu quả, có thói quen làm việc bằng các phương tiện điện tử, đồng thời các nghiệp vụ ngân hàng lại phải nắm chắc hơn vì họ không còn làm việc trực tiếp với khách hàng nữa. Tương tự, trình độ tiếp cận Internet của người dân, trình độ sử dụng công nghệ tin học của đội ngũ nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức,... cũng liên quan mật thiết đến sự phát triển của ngân hàng số. 

Tài chính. Để xây dựng, phát triển và đưa vào vận hành hệ thống ngân hàng số đòi hỏi phải đầu tư nguồn vốn lớn, trong đó chi phí vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là hết sức cần thiết và mang tính quyết định cho khả năng phát triển sản phẩm ngân hàng số của mỗi ngân hàng. Việc đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tùy thuộc vào quy mô và khả năng tài chính của mỗi ngân hàng (Cao Thị Thủy, 2016). 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2000), Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 về việc Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại 
  2. Lê Thị Mận, 2020. Nghiệp vụ ngân hàng thương mại. NXB Lao động Xã hội.
  3. Vũ Hồng Thanh, 2016. Ngân hàng số - hướng phát triển mới cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí ngân hàng, số 21, tháng 12 năm 2016.