0236.3650403 (128)

TỔNG HỢP CÁC NGHIÊN CỨU LÝ THUYẾT VỀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG


ĐỖ VĂN TÍNH – KHOA QTKD

 

 

1. Khái niệm:

1.1. Năng suất.

-Theo quan niệm truyền thống:

Năng suất là tỷ số giữa đầu ra và đầu vào được sử dụng để tạo ra đầu ra đó.

Các yếu tố đầu vào bao gồm vốn, lao động, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu…

Các yếu tố đầu ra được đo bằng sản lượng hiện vật, doanh thu, giá trị sản phẩm đầu ra theo giá cố định, giá trị hiện hành, …

-Theo quan niệm hiện đaị:

Năng suất lao động  là một trạng thái tư duy. Nó là một thái độ nhằm tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại .có một sự chắc chắn  rằng ngày hôm nay con người có thể làm việc tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Hơn nữa nó đòi hỏi những cố gắng không ngừng để thích ứng với các hoạt động kinh tế trong những điều kiện luôn thay đổi, luôn ứng dụng những lý thuyết và phương pháp mới. Đó là một sự tin tưởng chắc chắn trong quá trình tiến triển của loài người.

Khái niệm này nhấn mạnh mặt chất và phản ánh tính phức tạp của năng suất. Về mặt lượng năng suất vẫn được hiểu là mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra

Việc lựa chọn đầu vào và đầu ra khác nhau sẽ tạo ra các chỉ tiêu đánh giá năng suất   khác nhau.

1.2. Năng suất lao động

- Theo C. Mác: năng suất lao động  là sức sản xuất của lao động cụ thể có ích. Nó nói lên kết quả hoạt động sản xuất có mụch đích của con người trong một đơn vị thời gian nhất định.

Năng suất lao động  được đo bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, hoặc bằng lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm đó.

-Theo quan niệm truyền thống: năng suất lao động  phản ánh tính hiệu quả của việc sử dụng lao động. Thực chất nó đo giá trị đầu ra do một lao động tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc là số thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm đầu ra

 Như vậy :Năng suất lao động  phản ánh mối quan hệ giữa đầu ra (là sản phẩm) và đầu vào (là lao động) được đo bằng thời gian làm việc. Từ nhiều khái niệm khác nhau về năng suất lao động  chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát nhất “năng suất lao động  là một phạm trù kinh tế, nó phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất của người lao động trong quá trình sản xuất ”

 1.3.  Tăng năng suất lao động 

-Theo C.Mác: tăng năng suất lao động  là sự tăng lên của sức sản xuất hay năng suất lao động, có thể hiểu là sự thay đổi trong cách thức lao động, thay đổi làm rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá, sao cho số lượng lao động ít hơn mà lại có được sức sản xuất ra nhiều giá trị sử dụng hơn.

Tăng năng suất lao động  có nghĩa là giảm chi phí lao động cho một đơn vị sản phẩm. Trong một thời gian như nhau, nếu năng suất lao động  càng cao thì số lượng giá trị sử dụng sản xuất ra càng nhiều nhưng giá trị sáng tạo ra không vì thế mà tăng lên. Khi năng suất lao động tăng thì thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm càng ít, dẫn đến giá trị của đơn vị hàng hoá đó giảm, giá thành của sản phẩm đó giảm, nhưng không làm giảm giá trị sử dụng của sản phẩm đó. C.Mác viết: “ Nói chung, sức sản xuất của lao động càng lớn thì thời gian lao động tất yếu để sản xuất ra một vật phẩm sẽ càng ngắn và khối lượng lao động kết tinh trong sản phẩm đó càng nhỏ,thì giá trị của vật phẩm đó càng ít. Ngược lai, sức sản xuất của lao động càng ít  thì thời gian lao động tất yếu để sản xuất ra một sản phẩm sẽ càng dài và giá trị của nó cũng càng lớn. Như vậy là, số lượng của đơn vị hàng hoá thay đổi tỷ lệ thuận với số lượng của lao động thể hiện trong hàng hoá đó, và thay đổi tỷ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động đó.

Tăng năng suất lao động là một quy luật kinh tế chung cho mọi hình thái xã hội. Nhưng sự vận động và biểu hiện của quy luật tăng năng suất lao động  trong các hình thái xã hội khác nhau cũng khác nhau, do trình độ lực lượng sản xuất khác nhau. Dưới chế độ nô lệ, mức năng suất lao động  rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là sản xuất chỉ dựa vào sức người, sức động vật và công cụ lao động còn thô sơ. Dưới chế độ phong kiến, năng suất lao động  xã hội tăng lên chậm chạp, do hệ thống lao động vẫn chủ yếu là thủ công. Đến khi xuất hiện máy móc, năng suất lao động  tăng lên gấp nhiều lần. Ngày nay, nhờ thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến con người đã có cả một hệ thống công cụ lao động hiện đaị đưa năng suất lao động  xã hội lên rất cao, song khả năng này không dừng lại mà ngày càng tiến xa hơn nữa.

 Để tăng thêm sản phẩm xã hội có thể áp dụng hai biện pháp: Tăng thêm quỹ thời gian lao động và tiết kiệm chi phí lao động đối với mỗi đơn vị sản phẩm. Trong thực tế khả năng tăng thời gian lao động xã hội chỉ có hạn vì số người có khả năng lao động tăng thêm và số thời gian lao động kéo dài ra chỉ có giới hạn. Nhưng khả năng tiết kiệm thời gian lao động chi phí đối với một đơn vị sản phẩm là rất lớn. Nên cần phải lấy biện pháp thứ hai làm cơ bản để phát triển sản xuất.

2. Phân loại năng suất lao động

Theo phạm vi: năng suất lao động  được chia làm 2 loại là năng suất lao động  cá nhân và năng suất lao động  xã hội.

- Năng suất lao động cá nhân là sức sản xuất của cá nhân người lao động, được đo bằng tỷ số giữa khối lượng công việc hoàn thành hoặc số lượng sản phẩm với thời gian lao động hao phí để sản xuất ra số sản phẩm đó.

Lao động sống là sức lực của con người bỏ ra ngay trong quá trình sản xuất. Năng suất lao động  cá nhân được xem như thước đo tính hiệu quả của lao động sống, được biểu hiện bằng đầu ra trên một giờ lao động. Đối với các doanh nghiệp thường trả lương dựa vào năng suất lao động  cá nhân hoặc mức độ thực hiện công việc của từng cá nhân, do đó tăng năng suất lao động  cá nhân đòi hỏi hạ thấp chi phí của lao động sống.

- Năng suất lao động  xã hội là sức sản xuất của toàn xã hội, nó được đo bằng tỷ số giữa tổng sản phẩm đầu ra của xã hội với số lao động bình quân hàng năm hặc thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Trong năng suất lao động  xã hội có cả sự tiêu hao của lao động  sống và lao động quá khứ. Lao động quá khứ  là sản phẩm của lao động sống đã dược vật hoá trong các giai đoạn sản xuất trước kia( biểu hiện ở giá trị của máy móc, nguyên , vật liệu)

Giữa tăng năng suất lao động  cá nhân và tăng năng suất lao động  xã hội có quan hệ mật thiết với nhau. Năng suất lao động cá nhân tăng trong điều kiện làm việc với những công cụ hiện đại, không thể tách rời lao động của hàng loạt ngành đã tham gia vào sáng tạo công cụ đó. Mặt khác, trong quản lý kinh tế nếu chỉ chú trong đơn thuần tính theo chỉ tiêu năng suất lao động  cá nhân tức tiết kiệm phần lao động sống sẽ diễn ra hiện tượng coi nhẹ tiết kiệm vật tư, coi nhẹ chất lượng sản phẩm. Đôi khi năng suất lao động  cá nhân tăng nhưng năng suất lao động  của tập thể, của toàn doanh nghiệp lại không tăng.

 3. Các chỉ tiêu tính năng suất lao động

Việc lựa chọn đầu vào và đầu ra khác nhau sẽ tạo các chỉ tiêu tính năng suất lao động  khác nhau, do đó có nhiều loại chỉ tiêu để tính năng suất lao động, song người ta sử dụng chủ yếu 3 chỉ tiêu : chỉ tiêu năng suất lao động  tính bằng hiện vật, chỉ tiêu năng suất lao động tính bằng giá trị (tiền), chỉ tiêu năng suất lao động  tính bằng thời gian lao động.  

3.1 . Chỉ tiêu năng suất lao động tính bằng hiện vật

Chỉ tiêu này dùng sản lượng hiện vật của từng loại sản phẩm để biểu hiện mức năng suất lao động  của một công nhân

                                                Q

Công thức tính:             W  =    ------

                                                 T

Trong đó:      - W là mức năng suất lao động  của một người lao động

                                - Q là tổng sản lượng tính bằng hiện vật

                                - T là tổng số lao động

Ưu điểm:

-          biểu hiện mức năng suất lao động  một cách cụ thể, chính xác, không chịu ảnh hưởng của sự biến động về giá cả;

-          Có thể so sánh mức năng suất lao động  giữa doanh nghiêp hoặc các nước khác nhau theo một loại sản phẩm được sản xuất ra;

-          Đánh giá trực tiếp được hiệu quả của lao động.

Nhược điểm :

- Chỉ tiêu này chỉ tính cho thành phẩm mà không tính được cho các sản phẩm dở dang nên không phản ánh đầy đủ sản lượng của công nhân. Vì Q chỉ tính  đến  thành phẩm nên mức năng suất lao động  tính được chưa phản ánh đúng hiệu quả của lao động đã hao phí cho toàn bộ khối lượng sản phẩm tạo ta trong kỳ của doanh nghiệp. Vì vậy các ngành có tỷ trọng bán thành phẩm lớn không áp dụng được chỉ tiêu này.

- Chỉ dùng để tính cho một loại sản phẩm nhất định nào đó, không thể dùng làm chỉ tiêu tổng hợp tính cho nhiều loại sản phẩm nên không thể so sánh mức năng suất lao động giữ các ngành có các loại sản phẩm khác nhau, cũng như không thể so sánh được giữa các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm.

- Yếu tố chất lượng sản phẩm đôi khi bị bỏ qua hoặc không thực sự được lưu tâm.

3.2.  Chỉ tiêu năng suất lao động tính bằng giá trị

Chỉ tiêu này dùng sản lượng bằng tiền của tất cả sản phẩm thuộc doanh nhgiệp (ngành) sản xuất ra, để biểu hiện mức năng suất lao động  của một lao động

                                                     Q

               Công thức tính:   W = -----

                                                     T

                Trong đó:      - W là mức năng suất lao động  của một lao động ( tính bằng tiền)

- Q là tổng sản lượng (tính bằng tiền)

- T là tổng số lao động

Ưu điểm

- Phản ánh tổng hợp hiệu quả của lao động, cho phép tính cho các loại sản phẩm khác nhau, khắc phục được nhược điểm của chỉ tiêu tính bằng hiện vật.

- Tổng hợp chung được các kết quả mà doanh nghiệp đã tạo ra trong kỳ như thành phẩm, bán thành phẩm, các công việc và dịch vụ …

Nhược điểm

- Chỉ tiêu này ảnh hưởng bởi yếu tố giá cả

- Không khuyến khích tiết kiệm vật tư, và dùng vật tư rẻ. Nơi nào dùng nhiều vật tư hoặc vật tư đắt tiền sẽ đạt mức năng suất lao động cao.

- Chịu ảnh hưởng của cách tính tổng sản lượng theo phương pháp công xưởng. Nếu lượng sản phẩm hiệp tác với bên ngoài nhiều, cơ cấu sản phẩm thay đổi sẽ làm thay đổi mức năng suất lao động của doanh nghiệp.

- Chỉ dùng trong trường hợp cấu thành sản phẩm sản xuất không thay đổi hoặc ít thay đổi vì cấu thành sản xuất sản phẩm thay đổi sẽ làm thay đổi mức và tốc độ tăng năng suất lao động.

3.3.  Chỉ tiêu năng suất lao động tính bằng thời gian lao động

Năng suất lao động  có thể hiểu là thời gian hao phí để tạo ra mộtđợn vị sản phẩm, do đó nếu giảm chi phí thời gian lao động trong sản xuất một đơn vị sản phẩm sẽ dẫn đến tăng năng suất lao động.

                                       T

Công thức tính:   L =  ------

                                       Q

Trong đó           - L là lượng lao động  hao phí cho một sản phẩm

            - T là thời gian lao động hao phí

            - Q là tổng sản lượng

L được tính toán bằng cách người ta phân chia thành :lượng lao động công nghệ (Lcn), lượng lao động chung (Lch), lượng lao động sản xuất (Lsx), lượng lao động đầy đủ (Lđđ)

Lđđ = Lsx + Lql

Lsx = Lch + Lpvs

Lch = Lcn + Lpvq

+ Lđđ: lượng lao động đầy đủ bao gồm hao phí thời gian lao động của việc sản xuất sản phẩm do công nhân viên sản xuất công nghiệp trong Công ty  thực hiện

+ Lsx : lượng lao động sản xuất gồn toàn bộ thời gian lao động của công nhân chính và công nhân phục vủtong Công ty

+ Lql: gồm lượng lao động của cán bộ kỹ thật,nhân viê nj quản lý trong Công ty công tạp vụ, bảo vệ

+ Lch: bao gồm hao phí thời gian lao động của công nhân chính hoàn thành quả trình công nghệ và lao động phục vụ quá trình công nghệ đó

+ Lpvs: lượng lao động phục vụ sản xuất

+Lcn: lượng lao động công nghệ bao gồm hao phí thời gian lao động cuae công nhân chính hoan thành các quá trình công nghệ chủ yếu

+ Lpvc: lượng lao động phục vụ quá trình công nghệ

 Ưu điểm: phản ánh được cụ thể mức tiết kiệm về thời gian lao động để sản xuất ra một sản phẩm

Nhược điểm:Việc tính toán phức tạp nà không dùng để tính tổng hợp được năng suất lao động  bình quân của một ngành hay một doanh nghiệp có nhiều loại sản phẩm khác nhau.

4. Các yếu tố làm tăng năng suất lao động

4.1 Yếu tố gắn liền với phát triển và sử dụng các tư liệu sản xuất

      Các yếu tố này bao gồm: hiện đại hoá thiết bị, cải tiến quy trình công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguyên-nhiên-vật liệu, …

      Đây là yếu tố mạnh nhất làm tăng năng suất lao động. Trình độ kỹ thuật của sản xuất được biểu hiện thông qua tính năng của công cụ sản xuất, trình độ sáng chế và sử dụng các đối tượng lao động, các quá trình công nghệ sản xuất. Tính năng của công cụ sản xuất là mực thước quan trọng nhất để đo trình độ kỹ thuật sản xuất. Ngày nay ai cũng thừa nhận, máy móc hiện đại là yếu tố mạnh mẽ nhất làm tăng năng suất lao động. Sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội thường bắt đấu từ sự thay đổi và phát triển của công cụ sản xuất, lấy máy móc thay thế cho lao động thủ công, lấy máy móc hiện đại thay thế cho máy móc cũ.

Nâng cao trình độ sáng chế và sử dụngcác đối tượng lao động biểu hiện ở chỗ ứng dụng rộng rãi các nguyên vật liệu mới , có những tính năng cao hơn, giá rẻ hơn thay thế các nguyên vật liệu cũ.

Đối với Việt Nam, một nguyên nhân làm cho năng suất lao động  nước ta còn thấp là do trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp,lao động thủ công còn nhiều, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, dẫn đến khă năng tăng năng suất lao động  còn thấp.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân nhiều ý nghĩa lớn đối với phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động. Cơ sở vật chất kỹ thuật đó biểu hiện thông qua các ngành luyện kim, cơ khí ,hoá học, năng lượng, thông tin liên lạc, giao thông vận tải,… Đây là các yếu tố gắn với tư liệu sản xuất mà bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển xã hội và tăng nhanh năng suất lao động  đều phải quan tâm.

4.2. Yếu tố gắn liền với con người và quản lý con người

Yếu tố này bao gồm: trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn của người lao động, tình trạng sức khoẻ, thái độ làm việc của người lao động, sủ dụng lao động và thời gian lao động của công nhân,điều kiện làm việc, tổ chức và phục vụ nơi làm việc, hoàn thiện bộ máy quản lý…Có thể chia thành ba loại : Các yếu tố gắn với bản thân người lao động; Các yếu tố gắn với quản lý con người; Các yếu tố gắn với bản thân người lao động.

Các yếu tố gắn với bản thân người lao động

-Trình độ văn hoá của người lao động: Là sự hiểu biết  kiến thức phổ thông về tự nhiên và xã hội của người lao động (thể hiện qua bầng cấp). Trình độ văn hoá càng cao thì khả năng tiếp thu và vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cao, qua đó ảnh hưởng tích cực tới năng suất lao động

-Trình độ chuyên môn của người lao động: Thể hiện qua sự hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo thực hiện công việc nào đó, biểu hiện trình độ đào tạo tại các trường đào tạo nghề,các trường cao đẳng, đại học,trung cấp… Trình độ chuyên môn càng sâu, nắm bắt các kỹ năng, kỹ xảo càng thành thạo thì thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm càng được rút ngắn, góp phần nâng cao năng suất lao động.Trình độ chuyên môn của người lao động có ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao, công cụ đưa vào sản xuất ngày càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có một trình độ chuyên môn tương ứng để có khả năng sử dụng, điều khiển máy móc trong sản xuất. Nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn của con người có ý nghĩa lớn đối với tăng năng suất lao động. Đây là một yếu tố không thể thiếu được, bởi vì dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao và đưa vào sản xuất các loại công cụ hiện đại, thì càng đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng. Nếu thiếu người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng thì không thể điều khiển được máy móc, không thể nắm bắt đưực các công nghệ hiện đại

- Kỷ luật lao động:Kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của người lao động mà tổ chức xây dựng nên dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Mục tiêu của kỷ luật nhằm làm cho người lao động làm việc dựa trên tinh thần hợp tác theo cách thức thông thường và có quy củ. Tuy nhiên việc sử dụng hình thức kỷ luật như thế nào để có tác dụng thúc đẩy năng sất lao động rất quan trọng, lựa chon hình thức kỷ luật tương ứng với mức độ sai phạm có tác dụng củng cố thái độ đạo đức và khuyến khích sự chủ động sáng tạo của người lao động heo hướng làm việc đúng đắn. Để việc thực hiện các biện pháp kỷ luật đã được lựa chọn mang lại kết quả mong muốn cho tổ chức người quản lý cần giải thích để ngwif lao động có liên quan hiểu được lý do của biện pháp lý luận đưa ra và thi hành đối với anh ta, chú ý thuyết phục người lao động hiểu rằng thi hành kỷ luật là để chính họ sử chữa thiếu sót để làm việc ngày càng tốt hơn, cho người lao động thấy rằng anh ta không bị ác cảm về sau này nếu cố gắng sửa sai và không tái phạm, làm cho ngươì lao động hiểu tổ chức nhìn nhận cả những ưu và nhược điểm của anh ta để khơi gợi những phản ứng tốt, cần bày tỏ sự tin tưởng và lòng tin vào người lao động. Nếu như tổ chức đảm bảo việc thực hiện kỷ luật lao động theo những nguyên tắc trên thì sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động

- Tinh thần trách nhiệm: tinh thần trách nhiệm của người lao động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cá nhân của người lao động, đồng thời giúp người lao động  đạt hiệu quả trong công việc. Người có tinh thần trách nhiệm cao luôn cẩn thận, chu đáo và hoàn thành công việc đúng thời hạn một cách tự giác, không những vậy mà sản phẩm họ làm ra cũng đạt chất lượng cao, như vậy trong doanh nghiệp có nhiều người lao động có tinh thần trách nhiệm cao sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt, đồng thời nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Ngược lại, những người  có tinh thần trách nhiệm thấp sẽ  thì họ sẽ làm việc với một tinh thần không tự giác, thiếu trách nhiệm có thể gây ra những hậu quả xấu ảnh hưởng không chỉ  đến kết quả lao động của họ mà còn ảnh hưởng tới tập thể, tới doanh nghiệp

- Sự gắn bó với doanh nghiệp: Về khách quan sự gắn bó với doanh nghiệp mang lại hiệu quả lâu dài cho cả doanh nghiệp và người lao động. Đối với doanh nghiệp khi người lao động gắn bó với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích như giảm thiểu chi phí cho việc tuyển dụng cũng như đào tạo nhân viên mới, mặt khác người lao động gắn bó với doanh nghiệp tức họ đã có một thời gian làm việc tương đối dài trong doanh nghiệp, do đó họ thông thạo hơn trong công việc cũng như nhiều kinh nghiệm làm việc, dẫn tới đem lại hiệu quả cao trong công việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đối với người lao động khi họ xác định găn bó với một tổ chức nao đó thì họ sẽ tập trung hơn vào công việc và cố gắng làm tôt công việc của mình nhằm mục đích cá nhân như thăng tiến, tăng lương,...,nhưng điều đó lại góp phần làm tăng năng suất lao động của tổ chức.

-Tình trạng sức khoẻ : Sức khoẻ của người lao động thể hiện qua chiều cao, cân nặng, tinh thần, trạng thái thoaỉ mái về thể chất, tình trạng sức khoẻ ảnh hưởng tới năng xuất của người lao động. Người lao động có tình trạng sức khoẻ tốt sẽ hoàn thành công việc với chất lượng cao hơn. Ngược lại,  nếu người lao động có trạng thái sức khoẻ không tốt sẽ dẫn đến sự mất tập trung trong quá trình lao động làm cho độ chính xác của các thao tác càng kém, là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả thấp trong lao động.

-Thái độ lao động thể hiện qua tinh thần trách nhiệm trong công việc, kỷ luật lao động cao … một người có thái độ lao động tốt tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện nghiêm túc các quy định trong lao động sẽ hoàn thành tốt công việc, đảm bảo an toàn trong lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm…Ngược lại một người có thái độ lao động không tốt, không nghiêm túc trong quá trình lao động, coi thường các quy định trong lao động, thường xuyên vi phạm kỷ luật lao động sẽ làm giảm hiệu quả lao động dẫn đến giảm năng suất lao động.

- Cường độ lao động: làmức độ khẩn trương về lao động. Trong cùng một thời gian, mức chi phí năng lượng cơ bắp, trí não, thần kinh của con người càng nhiều thì cường độ lao động càng cao. Tăng cường độ lao động có nghĩa là tăng thêm chi phí lao động trong một đơn vị thời gian, nâng cao độ khẩn trương của lao động làm cho của cải vật chất sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng thêm, nhưng không làm thay đổi giá trị của mọt đơn vị sản phẩm vì chi phí lao động cũng đồng thời tăng lên tương ứng. Cường độ lao động tăng cũng làm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên tăng cường độ lao động phải không vượt quá tiêu chuẩn, nếu cường độ lao động quá cao ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người lao động, do sự hao phí lao động trong một đơn vị thời gian lớn làm cho người lao động cảm thấy mệt mỏi, qua đó ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng sản phẩm, đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động.

Các yếu tố gắn với quản lý con người

Đi đôi với tiến bộ kỹ thuật cần nâng cao trình độ quản lý con người, như phân công và hiệp tác lao động, sự phân bố hợp lý lực lượng sản xuất và nguồn nhân lực… đều là các yếu tố làm tăng năng suất lao động xã hội.

- Phân công lao động: Theo C.Mác thì phân công lao động là sự tách riêng các loại hoạt động lao động “hoặc là lao động song song tức là tồn tại các dạng lao động khác nhau”.

   Có thể hiểu rằng phân công lao động là quá trình bóc tách những hoạt động lao động chung thành những hoạt động lao động riêng lẻ, các hoạt động riêng lẻ này được thực hiện độc lập với nhau để gắn với một người hoặc một nhóm người có khả năng phù hợp với công việc được giao. Phân công lao động hợp lý có tác dụng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của sản xuất, tăng năng suất lao động. Do phân công lao động mà có thể chuyên môn hoá được công nhân, chuyên môn hoá được công cụ lao động, cho phép tạo ra được những công cụ chuyên dùng có năng suất lao động cao, người công nhân có thể làm một loại bước công việc, không mất thời gian điều chỉnh lại thiết bị hoặc thay dụng cụ để làm các công việc khác nhau. Sự phân công lao động làm thu hẹp phạm vi hoạt động giúp người lao động thành thạo nhanh chóng trong công việc, từ đó tiết kiệm được thời gian lao động. Khi người lao động được phân công làm những công việc cụ thể, rõ ràng và phù hợp với năng lực của họ thì họ sẽ phát huy được khả năng và làm tốt công việc của mình, qua đó làm tăng năng suất lao động.

- Hiệp tác lao động: Theo C.Mác “ Hình thức lao động mà trong đó nhiều người làm việc bên cạnh nhau một cách có kế hoạch và trong một sự tác động qua lại lẫn nhau trong một quá trình sản xuất nào đó hoặc trong những quá trình sản xuất khác nhau nhưng lại có liên hệ với nhau gọi là hiệp tác lao động.

Có thể hiểu hiệp tác lao động là quá trình phối hợp các hoạt động lao động riêng rẽ, những chức năng cụ thể của cá nhân hoặc của nhóm người lao động nhằm đảm bảo cho hoạt động chung của tập thể được nhịp nhàng, đồng bộ, liên tục để đạt được mục tiêu chung của tập thể. Hiệp tác lao động tốt thúc đẩy quá trình sản xuất, đảm bảo cho qúa trình sản xuất diễn ra thuận lợi, đạt mụch tiêu của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy quá trình tăng năng suất lao động.

- Tạo động lực lao động : Động lực lao động là sự khao khát và tự nguyện của người lao động để tăng cường nỗ lực nhằm hướng tới việc đạt các mục tiêu của tổ chức. Động lực lao động là kết quả của rất nhiều nguồn lực hoạt động đồng thời trong con người và trong môi trường sống, môi trường làm việc của họ. Trong một doanh nghiệp, một tổ chức động lực lao động là kết quả tổng hợp của sự kết hợp nhiều yếu tố như văn hoá doanh nghiệp, các chính sách về nhân sự ... Một tổ chức chỉ có thể đạt được năng suất cao khi có nhiều nhân viên làm việc tích cực và hiệu quả. Do đó tạo động lực trong lao động trong lao động là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động trong tổ chức.

Có nhiều phương pháp để tạo động lực trong tổ chức như :

Sử dụng các yếu tố vật chất: Sử dụng tiền lương, tiền thưởng như một đòn bẩy kinh tế để kích thích vật chất đối với người lao động.Tiền lương, tiền thưởng tác động trực tiếp tới lợi ích của người lao động, do đó nó là yếu tố quan trọng tạo động lực làm việc cho người lao động. Tiền lương là phần thu nhập chính của đa số người lao động để trang trải cho những chi phí trong cuộc sống, nó ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của họ. Phấn đấu để đạt mức lương cao hơn là mục tiêu của đa số người lao động. Tiền lương phải đảm bảo công bằng tức lương phải phản ánh được sức lao động của người lao động  thì mới có thể tạo động lực làm việc cho người lao động, đồng thời là nhân tố làm tăng năng suất lao động. Sử dụng các hình thức khuyến khích tài chính như phần thưởng, tiền thưởng, tăng lương ... để nâng cao sự nỗ lực và thành tích lao động của người lao động.

Sử dụng các khuyến khích phi tài chính để động viên, thoả mãn nhu cầu tinh thần của người lao động như khen ngợi, xây dựng bầu không khí làm việc tốt trong tổ chức, tổ chức thi đua trong lao động, tạo cơ hội pháp triển năng lực chuyên môn cho người lao động, cơ hội thăng tiến. Đảm bảo công bằng giữa sự đóng gớp và quyền lợi của các nhân trong tổ chức. 

-Tổ chức và phục vụ nơi làm việc:

Nơi làm việc là một phần diện tích và không gian sản xuất được trang bị thiết bị các phương tiện vật chất kỹ thuật cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất đã xác định

Tổ chức nơi làm việc là một hệ thống các biện pháp nhằm thiết kế nơi làm việc, trang bị cho nơi làm việc những thiết bị dụng cụ cần thiết và sắp xếp bố trí chúng theo một trật tự nhất định, tổ chức và phục vụ nơi làm việc gồm các nội dung: thiết kế nơi làm việc, trang bị và bố trí nơi làm việc. Phục vụ nơi làm việc được chia thành: Phục vụ chuẩn bị sản xuất bao gồm việc giao nhiệm vụ cho từng nơi làm việc, chuẩn bị tài liệu, nguyên nhiên vật liệu, bán thành phẩm; Phục vụ dụng cụ bao gồm cung cấp cho nơi làm việc các loại dụng cụ đo đạc, cắt, bào, cưa, tiện...đồng thời thực hiện việc bảo quản, theo dõi tinh hình sử dụng, kiểm tra chất lượng, sửa chữa khi cần thiết; Phục vụ vận chuyển và bốc dỡ bao gồm chuyển các phương tiện vật chất kỹ thuật đến nơi làm việc như nguyên vật liệu, bán thành phẩm,...vận chuyển vào kho cất giữ các sản phẩm, bán thành phẩm...;Phục vụ năng lượng, đảm bảo các nhu cầu về năng lượng cho nơi làm việc như điện, xăng dầu...;Phục vụ điều chỉnh và sửa chữa thiết bị như hiệu chỉnh, điều chỉnh, sửa chữa thiết bị. Phục vụ kiểm tra bao gồm kiểm tra chất lượng nguyên nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm; Phục vụ kho tàng; Phục vụ xây dựng và sửa chữa nơi làm việc; Phục vụ sinh hoạt, văn hoá tại nơi làm việc.

 Tổ chức nơi làm việc một cách hợp lý, đảm bảo phục vụ tốt quá trình sản xuất của người lao động như: Bố trí khoảng cách giữa các máy sản xuất, bố trí vị trí các công cụ làm việc sao cho thuận tiện nhất để người lao động có thể lấy các dụng cụ làm việc một cách dễ dàng, đảm bảo cho người lao động có thể làm việc trong các tư thế thoải mái, đảm bảo độ an toàn. Từ đó giúp người lao động tạo hứng thú trong công việc và yên tâm khi làm việc, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.  

- Thái độ cư xử của cán bộ lãnh đạo: trong mọi chức, công tác lãnh đạo quản lý con người đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành tổ chức. Để làm tốt công tác quản lý thì cán bộ lãnh đạo phải biết cách đối sử với người lao động làm sao đế tạo động lực về mặt tinh thần cho họ. Thái độ cư xử của người lãnh đạo đối với nhân viên dưới quyền rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy người lao động làm việc hăng say hơn, nhưng nó cũng có thể làm giảm động lực làm việc, làm xấu bầu không khí tâm lý nhóm. Trong một tổ chức sẽ tồn tại nhiều kiểu người cùng một lúc, với mỗi kiểu người khác nhau cán bộ quản lý cần biết cách ứng xử khác nhau. Với các nhân viên thuộc kiểu người thành đạt người lãnh đạo nên ít khiển trách hoặc khen thưởng hơn là những người mới vào làm và các nhận xét của người lãnh đạo đối với họ cần chính xác, có căn cứ. Đối với những người thuộc kiểu nhân viên yếu kém người lãnh đạo cần phải mạnh dạn lựa chọn các giải pháp như tạo cơ hội giúp họ tiến bộ như thay đổi vị trí làm việc phù hợp với khả năng của họ...

- Bầu không khí làm việc trong Công ty: là hiện tượng tâm lý biểu hiện mức độ hoạt động, hoà hợp về các phẩm chất tâm lý cá nhân của người lao động trong nhóm, nó được hình thành từ thái độ của mọi người đối với công việc, bạn bè, đồng nghiệp và người lãnh đạo. Bầu không khí tâm lý lành mạnh thể hiện ở sự đoàn kết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau giữa những người lao động và nó giúp cho mọi người vượt qua khó khăn trong công việc. Bầu không khí tâm lý lành mạnh trong Công ty còn giúp cho mọi người gắn kết với nhau, hoà đồng, coi Công ty như gia đình thứ hai của mình, từ đó tạo động lực thúc đẩy người lao động làm việc đạt hiệu quả tốt, đồng thời làm tăng năng suất lao động của công ty.   

Các yếu tố gắn với điều kiện lao động

Điều kiện làm việc ảnh hưởng trực tiếp tới  sức khoẻ của người lao động, do đó nó ảnh hưởng tới khả năng lao động của họ. Điều kiện làm việc bao gồm các yếu tố như: Độ ẩm, tiếng ồn, ánh sáng, độ bụi, độ rung, nồng độ các chất độc hại trong không khí…Ngoài ra điều kiên lao động còn  các yếu tố như bầu không khí làm việc, cách quản lý của người lãnh đạo đối với nhân viên…Nếu Công ty, doanh nghiệp nào có điều kiện làm việc không tốt là nguyên nhân làm giảm năng suất lao động  của Công ty, doanh nghiệp đó. Cụ thể như: những nơi làm việc có tiếng ồn lớn thường gây đau đầu, căng thẳng khiến người lao động mất tập trung trong khi làm việc, nơi có độ sáng quá sáng hoặc quá tối đều làm giảm thị lực của người lao động, nơi có nhiều chất độc hại trong không khí như các mỏ khai thác than, các nhà máy hoá chất…thường gây cho người lao động các bệnh về đường hô hấp…Tóm lại điều kiện làm việc không tốt là nguyên nhân hạ thấp năng suất lao động, do đó các nhà quản lý cần quan tâm đến yếu tố này để khai thác khả năng tiềm tàng của lao động sống và làm tăng năng suất lao động.ắn liền với điều kiện tự nhiên

4.3.  Yếu tố gắn liền với điều kiện tự nhiên

Vai trò của các điều kiện thiên nhiên đối với năng suất lao động là khách quan và không thể phủ nhận. Thời tiết và khí hậu của mỗi nước là khác nhau do đó ảnh hưởng tới năng suất lao động cũng khác nhau.

Những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp sẽ đưa lại năng suất lao động cao cho các nghành này.

Đối với các nước có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt là điều khó khăn trong sản xuất. Trong nông nghiệp, độ phì nhiêu tự nhiên của đất, rừng, biển khác nhau đem lại sự chênh lệch cho cây trồng, năng suất đánh bắt cá, năng suất tăng trưởng và khai khác rừng rõ rệt. Trong công nghiệp khai thác mỏ, các vấn đề như hàm lượng của quặng, chữ lượng các mỏ … Tác động đến khả năng khai thác do đó tác động đến năng suất lao động. ở những nước mà có nhiều các mỏ than quặng, dầu mỏ, đá quý thì phát triển nghành khai thác dầu, ngành công nghiệp kim loại làm tăng năng suất lao động trong các ngành này, và ngược lại. Con người đã có nhiều hoạt động hạn chế tác hại của thiên nhiên đến sản xuất và đạt được kết quả rõ rệt, như việc dự báo thời tiết, diệt trừ côn trùng phá hoại mùa màng … Nhưng không thể khắc phục đuợc hoàn toàn do đó yếu tố thiên nhiên vẫn là yếu tố quan trọng. Cần phải tính đến trong các ngành nông nghiệp, trồng rừng, Khai thác và đánh bắt hải sản, khai thác mỏ và cà trong ngành xây dựng.

5. Sự cần thiết của tăng năng suất lao động

-Năng suất lao động  tăng làm cho giá thành sản phẩm giảmvì tiết kiệm được chi phí tiền lương cho một đơn vị sản phẩm

-Tăng năng suất lao động  cho phép giảm được lao động, tiết kiệm được quỹ tiền lương, đồng thời tăng tiền lương cho cá nhân người lao động và khuyến khích,tạo động lực làm việc cho người lao động

- Năng suất lao động  tăng tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô sản xuất, tăng tốc độ của tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân

-Thay đổi được cơ chế quảnlý, giải quyết thuận lợi các vấn đề tích luỹ, tiêu dùng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]     Bagozzi, Richard P. et al. (20144), (Eds), Principles of Marketing Research, Cambridge, Mass, Blackwell Business.

[2]     Crabill John(2010), Production Operations Level Transition-To-Lean Roadmap, Massachusetts Intitude of Technology.

[3]     David J. Luck/ Ronald S. Rubin(người dịch Phan Văn Thăng & Nguyễn Văn Hiến)  (2013), Nghiên cứu Marketing, NXB TP. HCM.

[4]     Damodar Y.Golhar & Satish P. Deshpande(2009), "Productivity comparisons between Canadian and US TQM firms: an empirical investigation", International Journal of Quality & Reliability Management, Vol. 16   No. 7   pp. 714-722.

[5]     C.Mác- V.LêNin –  Bàn về tiết kiệm và tăng năng suất lao động– NXB Sự Thật Hà Nội, 2009

[6]     Giáo trình kinh tế lao động– NXB Giáo Dục, 2012; PGS.TS Mai Quốc Chánh và PGS.TS Phạm Đức Thành.

[7]      Giáo trình tâm lý xã hội học lao động– Chủ biên và biên soạnThS. Lương Văn Úcvà TS. Phạm Thúy Hương.