0236.3650403 (128)

Tổng quan về Quản trị tài chính


Tổng quan về quản trị tài chính

1.Khái niệmquản trị tài chính

        Quản trị tài chính là việc quản trị các hoạt động tài chính nhằm đạt được các mục tiêu của DN, trong đó chủ yếu là các mục tiêu về tài chính. QTTC là môn học liên quan đến việc duy trì và tạo ra giá trị và lợi ích kinh tế, vì vậy quản trị tài chính liên quan đến các nội dung như: hoạch định các nguồn tài trợ, kiểm soát tài chính, các quyết định trong quản trị tài chính

        Quản trị tài chính là quá trình tác động đến nguồn lực tài chính và điều khiển luồng tiền tệ của doanh nghiệp để đáp ứng các kế hoạch kinh doanh và đạt được những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

        Quá trình tác động và điều khiển thông qua các chức năng cơ bản của quản trị là hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm ra; và các quyết định cơ bản của quản trị tài chính là quyết định đầu tư, quyết định tài trợ và quyết định phân phối (chính sách trả cổ tức).

2.Mục tiêucủa quản trị tài chính

        Quá trình hình thành và phát triển của các doanh nghiệp trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Do đó, mục tiêu quản trị tài chính cũng tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh hay rơi vào tình trạng khủng hoảng thì mục tiêu thực tế nhất là tồn tại – tránh khó khăn về tài chính. Tiếp đến, khi doanh nghiệp bắt đầu ổn định và phát triển, đặc biệt là khi chu kỳ kinh doanh của công ty ở vào giai đoạn phát triển thì công ty sẽ quan tâm đến mục tiêu tối đa hoá doanh số và thị trường.

Sau đó, công ty sẽ nỗ lực quản lý chi phí để đạt mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Và đích cuối cùng trong mục tiêu quản trị tài chính của các doanh nghiệp là tối đa hoá giá trị doanh nghiệp. Nếu là công ty cổ phần đại chúng có cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì mục tiêu là tối đa hoá giá trị cổ phiếu – giá trị tài sản cổ đông.

a. Tối đa hoá lợi nhuận của Doanh nghiệp

         Có thể nói bất cứ một doanh nghiệp nào tham gia kinh doanh cũng đều hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Trong mục tiêu này các doanh nghiệp cần phải tìm cách kết hợp giữa giá cả và sản lượng hàng hóa bán ra để tối đa hóa lợi nhuận. Lợi nhuận kế toán là giá trị ròng của doanh thu và chi phí và thường được tính trong ngắn hạn, nhưng nhà quản trị tài chính cần có cái nhìn lợi nhuận trong dài hạn, vì vậy các quyết định theo quan điểm kinh tế học phải dựa trên lợi nhuận kinh tế chứ không phải lợi nhuận kế toán.

                       Lợi nhuận kinh tế = Lợi nhuận kế toán – chi phí cơ hội

         Tuy nhiên khi xem xét lợi nhuận thường bỏ qua 2 yếu tố là rủi ro và giá trị theo thời gian của tiền tệ.

         Ngoài ra khi nhìn vào phần giá trị chênh lệch này thì doanh nghiệp có thể phán đoán được mình có đi đúng hướng hay không.Chính bởi vậy, nó được xem là một phần quan trọng trong đích đến của quản trị tài chính doanh nghiệp.

         Tuy nhiên, nhà quản trị cũng cần lưu ý rằng lợi nhuận không phải là thước đo hoàn hảo để xác định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi lẽ như phân tích ở trên thì nó không thể phản ánh đầy đủ mức thu vào, mức giá trị cũng như khối lượng tài sản thực tế mà doanh nghiệp đạt được.

Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng không thể hiện được chính xác nguồn tiền mà doanh nghiệp thu vào được.

Do đó, các nhà quản trị hiện nay thông thường vẫn dựa vào các giá trị lợi nhuận dựa trên vốn cổ phần để đánh giá mức độ kinh doanh hiệu quả của tổ chức, doanh nghiệp.

b.Tối đa hóa giá trị của Doanh nghiệp

         Tối đa hóa giá trị doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu và nắm vai trò quan trọng nhất trong các mục tiêu của quản trị tài chính.Cụ thể ở mục tiêu này các nhà quản trị hướng đến việc tối đa hóa giá trị mà doanh nghiệp sở hữu. Đôi khi việc này cũng có thể hiểu là tối đa hóa giá trị cổ phần của doanh nghiệp. Nhờ vậy giúp nâng cao được số tài sản mà doanh nghiệp sở hữu cũng như góp phần không nhỏ vào việc giúp doanh nghiệp tạo một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

         Ngoài ra trong quá trình xây dựng chiến lược hướng đến mục tiêu cuối cùng thì nhà quản trị cần phải phân biệt được giữa mục tiêu đối đa hóa giá trị và tối đa hóa lợi nhuận. Bởi lẽ trên thực tế tổ chức ghi nhận có lợi tức nhưng lại không có tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh.

         Cụ thể trong trường hợp trên sổ sách doanh nghiệp đang sinh lời do bán được hàng nhưng họ mới chỉ nhận được tiền cọc.

        Bên cạnh đó, một nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận không phản ánh đúng giá trị là do chi phí khấu hao sẽ xuất hiện. Do đó người làm quản trị tài chính cần phải phân biệt rõ được giữa hai thuật ngữ này để tránh việc nhầm lẫn không đáng có. Không chỉ vậy, điều này còn giúp đánh giá được chính xác lợi ích thực tế mà doanh nghiệp nhận về để có các phương án thích hợp.

       Theo kinh tế học giá trị của doanh nghiệp phụ thuộc vào dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp đó đem lại, nên để làm giá trị doanh nghiệp tăng lên nhà quản trị sẽ điều chỉnh hành vi quản lý và ra các quyết định nhằm làm tăng dòng tiền trong tương lai, điều đó làm cho giá cổ phiếu tăng lên, cũng chính là tối đa hóa giá trị cho các cổ đông.

c.Thể hiện trách nhiệm đối với xã hội

          Bên cạnh những mục tiêu trên thì mục tiêu về trách nhiệm xã hội cũng sẽ được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức để tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, cần thực hiện các công việc sau:
- Bảo đảm an toàn cho người lao động
- Bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng
- Có ý thức bảo vệ môi trường
- Tham gia các chương trình giáo dục.

Mối quan hệ giữa các mục tiêu trên:

-Trách nhiệm xã hội làm giảm lợi nhuận do tăng chi phí, nên làm giảm lợi nhuận của công ty và từ đó có thể ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu.

- Nhưng khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với xã hội sẽ làm tăng doanh số do người tiêu dùng muốn mua sản phẩm của những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Qua đó về lâu dài sẽ làm tăng giá trị cổ phiếu.

           Vì vậy 2 mục tiêu trên không mâu thuẩn với nhau mà ngược lại sẽ hổ trợ nhau, nếu công ty thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, thì tương lai giá trị cổ phiếu của công ty sẽ tăng lên.

Nguyễn Thị Minh Hà