0236.3650403 (128)

Triển vọng đầu tư giai đoạn cuối năm 2022


Thu nhập lãi thuần có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do dư địa room tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.  Hạn mức tín dụng không còn nhiều. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm đạt 9,91%. Như vậy, với mục tiêu tăng tín dụng trong hạn mức 14% thì room tín dụng trong 4 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 4%. Vừa qua, NHNN đã có quyết định nới room chính thức cho các ngân hàng với mức tăng có sự phân hóa, dao động từ 0,7% - 4%. Đa số ưu tiên các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt, xếp hạng tín nhiệm cao, cơ cấu danh mục tín dụng lành mạnh và tham gia thực hiện tái cơ cấu TCTD yếu kém. Đặc biệt, STB là ngân hàng TMCP gây ấn tượng với hạn mức được nới cao nhất ngành (4%). Theo sau là một số ngân hàng có chỉ số tài chính tốt, tham gia nhận chuyển giao bắt buộc TCTD như MBB và HDB (trên 3%), VCB (2,7%). Ước tính quy mô điều chỉnh thêm vừa qua vẫn chưa chạm tới mục tiêu 14% trong bối cảnh NHNN phải cân đối giữa ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng vào một đợt bổ sung room giai đoạn cuối năm cho một số ngân hàng.

Dự báo NIM toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá neo cao, thanh khoản căng, lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ, vừa qua NHNN đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định mức thấp. Cùng với đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (1 tháng đến dưới 6 tháng) được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%. Các chuyên gia cho rằng, NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới khi định hướng điều hành của NHNN hiện nay là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Thêm vào đó, Thông tư 08/2021 quy định về điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng.

Thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh, tiếp tục xu hướng tăng nửa cuối năm, trong đó đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance và phí thẻ. Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng. Theo số liệu Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm ước đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng (+15,6% so với cùng kỳ). Như vậy, mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, kỳ vọng Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành. Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm (như VIB đàm phán lại với Prudential, HDB đang tìm kiếm đối tác,...). Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển lợi nhuận các ngân hàng.

Nợ xấu có thể tăng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực, Tổng nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng được niêm yết tại thời điểm 30/6/22 đã tăng 10,4% so với thời điểm 31/12/21. Điều này có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Một số ngân hàng có mức tăng so với đầu năm như: VCB (+70,1%), MBB (+44,9%), LPB (+42,9%). Ngược lại, một số ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm là: ABB (-44,6%), ACB (-20,7%), MSB (-20,7%), VPB (-9,6%). Tác động Nghị định 65 tới các ngân hàng, các chuyên gia kỳ vọng, thị trường TPDN có thể sẽ bớt ảm đạm hơn từ quý cuối năm khi Nghị định 65 được ban hành vừa qua sẽ củng cố hành lang pháp lý, khơi thông lại nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh huy động qua kênh TPDN thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn (chiếm khoảng 80% tổng huy động). Thêm vào đó, kỳ vọng nghị định 65 có thể cân đối hài hòa giữa thị trường vốn và tiền tệ, thúc đẩy phát triển việc tìm kiếm vốn trung dài hạn qua kênh TPDN, vốn ngắn hạn qua các ngân hàng. Hiện nay định hướng điều hành của NHNN là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, kiểm soát chặt hơn việc đầu tư TPDN cùng hạn mức tín dụng không còn nhiều dư địa trong các tháng cuối năm. Do vậy, mặc dù nắm giữ lượng lớn trái phiếu phát hành ra thị trường nhưng việc đầu tư vào TPDN của các ngân hàng có thể sẽ kỹ lưỡng và chọn lọc hơn.

ThS. Mai Xuân Bình – Khoa QTKD