0236.3650403 (128)

ƯỚC LƯỢNG MÔ HÌNH HÀM CẦU & ĐỘ CO DÃN


Ước lượng mô hình hàm cầu và độ co dãn là một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến nhất đối với các nhà Kinh tế học vi mô nhằm củng cố lý thuyết về cầu hàng hóa. Mặt khác, đối với các Nhà hoạch định chính sách, các Nhà kinh doanh thì một khi đã xây dựng được mô hình hàm cầu, việc tiến hành dự báo thị trường như lượng cầu, xác định độ co dãn của cầu theo giá hoặc thu nhập hoặc là các yếu tố khác,… hoặc cần ra những quyết định trong những tình huống cụ thể với mức tin cậy nhất định, thì mô hình kinh tế lượng tỏ ra có ưu thế. Tuy nhiên, một trong những khó khăn thông thường nhất trong việc ước lượng hàm cầu đối với các quốc gia đang phát triển là thiếu nguồn dữ liệu thứ cấp (đặc biệt là dữ liệu theo thời gian). Phân tích cầu tiêu dùng là một trong những chủ đề quen thuộc nhất trong kinh tế học ứng dụng. Các nghiên cứu trước đây thường sử dụng mô hình phương trình đơn để ước lượng cầu hàng hóa của người tiêu dùng. Hơn nữa, các đặc trưng mô hình phương trình đơn được đề cập ban đầu chủ yếu là để ước lượng độ co dãn và dành một ít sự chú ý đến lý thuyết tiêu dùng (Deaton và Muellbauer, 1980b). Nhưng trong những thập niên gần đây, phân tích cầu tiêu dùng đã có những cách tiếp cận mới theo hướng mở rộng mang tính hệ thống. Cách tiếp cận này đảm bảo hệ thống cầu là phù hợp với lý thuyết tiêu dùng, vì các hàm cầu được xây dựng dựa trên lý thuyết về sự lựa chọn của người tiêu dùng. Do vậy, các nghiên cứu thực nghiệm nên tiến hành phân tích cầu tiêu dùng theo cách tiếp cận hệ thống nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình phương trình đơn. Có rất nhiều các đặc trưng của hệ thống hàm cầu cho phân tích cầu tiêu dùng, đó là dạng hàm LES (Linear Expenditure System) của Stone (1954); dạng hàm Rotterdam của Barten (1964) và Theil (1965); mô hình Translog của Christensen và cộng sự (1975); mô hình AIDS (Almost Ideal Demand System) của Deaton và Muellbauer (1980a); dạng hàm GAIDS (Generalized Almost Ideal Demand System) được đề nghị bởi Bollino (1987). Gần đây hơn, Banks và cộng sự (1997) đã giới thiệu một dạng hàm tổng quát hơn, nó bao gồm một số hạng chi tiêu bình phương trong mô hình AIDS và được gọi là mô hình QUAIDS (Quadratic Almost Ideal Demand System). Về mặt lý thuyết, hiện nay chưa có một tiêu chuẩn rõ ràng để lựa chọn dạng hàm nào là phù hợp cho phân tích cầu tiêu dùng và dạng hàm sẽ được thực hiện tốt nhất phụ thuộc vào cấu trúc chính xác trong dữ liệu cơ sở (Frank Asche và cộng sự, 2005). Nhìn chung, mỗi dạng hàm cầu khác nhau có những hàm ý khác nhau (Lee và cộng sự, 1994). Theo Nguyen Tien Thong (2012), sự lựa chọn dạng hàm phụ thuộc vào nghiên cứu thực nghiệm. Chính vì thế, một vấn đề quan trọng trong phân tích thực nghiệm là chọn dạng hàm thích hợp, dạng hàm đó sẽ cung cấp các ước lượng thích hợp về mặt thống kê và có ý nghĩa nhất về lý thuyết kinh tế cũng như tính thực tiễn của nó. Vì vậy, rõ ràng cái mà một nhà nghiên cứu cần là một quá trình kiểm định thống kê cho phép họ so sánh tính thực tiễn của các dạng hàm thay thế để lựa chọn dạng hàm thích hợp nhất.

Việc phân tích cầu tiêu dùng của hộ gia đình cho các loại thực phẩm khác nhau là một vấn đề rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt cho mục đích hoạch định chính sách. Bởi vì một sự hiểu biết lên các kiểu hình tiêu dùng thực phẩm của một quốc gia cụ thể là rất hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết ba vấn đề chính sách lớn. Thứ nhất, nó giúp các nhà hoạch định chính sách xác định những can thiệp về mặt chính sách thích hợp nhất trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của các cá nhân và hộ gia đình. Thứ hai, nó rất hữu ích trong việc thiết kế các chiến lược trợ cấp thực phẩm khác nhau. Thứ ba, sự hiểu biết về hành vi cầu thực phẩm là cần thiết cho việc tiến hành các phân tích chính sách vĩ mô và ngành (Sadoulet và Janvry, 1995). Trọng tâm của phân tích hành vi tiêu dùng thực phẩm là ước lượng các độ co dãn của cầu theo giá, theo chi tiêu, hoặc theo các nhân tố khác có ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng thực phẩm của hộ gia đình sẽ hỗ trợ trong việc xác định cơ cấu và phát triển các chính sách nông nghiệp và thực phẩm khác nhau.

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN