0236.3650403 (128)

VAI TRÒ CỦA BẢO HIỂM


1.   Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính cho người tham gia trước tổn thất do rủi ro gây ra

       Rủi ro luôn hiện diện và gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, sản xuất kinh doanh của các cá nhân, tổ chức. Tổn thất đó sẽ được các cơ quan hay công ty bảo hiểm trợ cấp hoặc bồi thường kịp thời để người tham gia nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Từ đó, các hoạt động sẽ được khôi phục và diễn ra bình thường. Vai trò này đáp ứng được mục tiêu kinh tế của người tham gia nên đối tượng tham gia bảo hiểm ngày càng đông đảo.

2.   Bảo hiểm tạo nguồn vốn cho đầu tư tăng trưởng kinh tế

       Các cơ quan và công ty bảo hiểm thu phí bảo hiểm trước khi rủi ro và sự kiện bảo hiểm xảy ra với đối tượng bảo hiểm. Điều đó cho phép họ có một số tiền rất lớn và cần phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, luôn có một khoảng thời gian giữa thời điểm xảy ra rủi ro gây tổn thất và thời điểm chi trả hoặc bồi thường, có thể kéo dài nhiều năm, nhất là trong bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy, số phí thu được có thể được sử dụng để đầu tư vào các hoạt động kinh tế để sinh lời.

3.   Bảo hiểm đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước

       Với các loại quỹ bảo hiểm khác nhau, người tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều. Khi có tổn thất xảy ra, các cơ quan, công ty bảo hiểm sẽ trợ cấp hoặc bồi thường kịp thời cho họ để ổn định đời sống và sản xuất. Vì vậy, ngân sách nhà nước không phải chi tiền để trợ cấp cho các thành viên, các doanh nghiệp khi gặp rủi ro.

       Mặt khác, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại còn có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách thông qua các loại thuế mà các công ty bảo hiểm phải nộp. Điều này góp phần làm tăng thu cho ngân sách.

4.   Bảo hiểm góp phần ngăn ngừa và hạn chế tổn thất, giúp cuộc sống của con người an toàn, xã hội trật tự hơn

       Trong quá trình tham gia bảo hiểm, các cơ quan, công ty bảo hiểm sẽ phối hợp với người tham gia bảo hiểm để thực hiện các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh tai nạn, vệ sinh, an toàn lao động, xây dựng thêm các biển báo và các con đường lánh nạn để giảm bớt tai nạn giao thông, tư vấn và hỗ trợ tài chính để xây dựng và thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy, tiêm chủng và chăm sóc y tế cộng đồng…Tất cả những hoạt động nói trên của bảo hiểm đều giúp giảm thiểu rủi ro và hạn chế tổn thất.

5.   Bảo hiểm góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các nước

       Thị trường bảo hiểm nội địa và thị trường bảo hiểm quốc tế có mối quan hệ qua lại, thúc đẩy nhau phát triển thông qua hình thức tái bảo hiểm giữa các công ty của các nước. Nhờ vậy, quan hệ kinh tế giữa các nước sẽ được phát triển, góp phần ổn định thu chi ngoại tệ cho ngân sách.

6.   Bảo hiểm góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tạo nếp sống tiết kiệm trên phạm vi toàn xã hội

       Bảo hiểm góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp cho xã hội, giải quyết được một lượng lao động nhất định. Bên cạnh đó, bảo hiểm khuyến khích mỗi gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm chỉ với những khoản tiền rất nhỏ.

Bảo hiểm là chỗ dựa tinh thần cho mọi người dân, mọi tổ chức kinh tế- xã hội

Chỉ với một mức phí bảo hiểm khiêm tốn mà các cơ quan, công ty bảo hiểm có thể giúp đỡ cho các cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp khắc phục hậu quả rủi ro cho dù đó là những rủi ro khôn lường trong cuộc sống và sản xuất. Điều này giúp họ yên tâm trong cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

CH. Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa QTKD