0236.3650403 (128)

VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA ĐỌC ĐỐI VỚI SINH VIÊN


- Văn hóa đọc với việc học tập, nghiên cứu khoa học

Giáo dục theo học chế tín chỉ đòi hỏi sinh viên một sự chủ động và tự trách nhiệm, tự ý thức lấy việc học của bản thân mình. Đây cũng chính là điểm yếu mà nhiều rất nhiều sinh viên Việt Nam còn thiếu. Vì vậy, cần phải có những phương pháp học tập hiệu quả khi học theo tín chỉ. Các phương pháp học tập như: tự học, tự đọc tài liệu, học nhóm có thể hỗ trợ cho nhau rất tốt trong việc giúp sinh viên tìm tòi, hiểu và nắm vững kiến thức. Trong đó, việc tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các phương pháp học tập trên. Tự học biến những tri thức trong tài liệu thành tri thức của mình bằng cách tích cực đọc. Đọc là một quá trình tự học bằng cách khám phá, đó là khám phá độc lập, bởi khi đọc bản thân người đọc phải đặt ra những câu hỏi, thắc mắc và tìm cách giải đáp những vấn đề đó. Chính trong quá trình tư duy này, kiến thức sẽ được khắc sâu và tư duy thăng hoa, nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo, khai thác tối đa khả năng tiềm ẩn của mỗi người.

Đối với sinh viên, bên cạnh việc học tập các môn trên lớp, nghiên cứu khoa học được xem như một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của sinh viên. Nó không chỉ cung cấp  cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn rèn luyện cho họ một tác phong làm việc khoa học, cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía, nâng cao kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong nghiên cứu khoa học yêu cầu sinh viên phải nắm được phương pháp tìm kiếm tài liệu tham khảo khoa học, phương pháp khai thác thông tin từ tài liệu khoa học (phương pháp đọc, trích dẫn tham khảo…). Văn hóa đọc sẽ giúp sinh viên thực hiện tốt những phương pháp trên trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, để quá trình học tập, nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao, sinh viên cần phải làm chủ thế giới thông tin. Văn hóa đọc giúp sinh viên có năng lực định hướng thông tin, có kỹ năng thông tin tốt để có thể tìm kiếm, lựa chọn tài liệu, khai thác và sử dụng thông tin hợp lý, đúng pháp luật, có phương pháp đọc hiệu quả, có kỹ năng tiếp nhận vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn đáp ứng yêu cầu tự học, tự nghiên cứu.

            -  Văn hóa đọc với việc phát triển con người toàn diện

Có thể nhận thấy, văn hóa đọc có vai trò to lớn trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ.

Con người Việt Nam toàn diện không chỉ giỏi kiến thức về chuyên môn mà còn phải có một nhân cách hoàn thiện. Đối với thanh niên sinh viên văn hóa đọc không chỉ có tác dụng định hướng mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách. Đó là các giá trị như tinh thần yêu nước, tinh thần hiếu học, tinh thần yêu lao động, yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, dũng cảm… Có một nghịch lý là bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, nhu cầu nhân lực đòi hỏi trình độ cao, nhiều người đọc vì mục đích thực dụng. Họ chủ yếu tìm đọc các sách tri thức, sách dạy kinh doanh, dạy quản lí, kế toán, sách công cụ như các loại từ điển, sách tham khảo để dùng vào việc thi cử, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,… Nhu cầu tri thức thực dụng tăng vọt so với nhu cầu đọc để làm phong phú đời sống tâm hồn. Hơn bao giờ hết, phát triển văn hóa đọc để xây dựng nền tảng văn hóa cho sinh viên nhằm đáp ứng các tiêu chí, giá trị  của thanh niên thời đại mới là vô cùng cần thiết.

Đối với sinh viên văn hóa đọc không chỉ hỗ trợ cho họ trong việc tạo lập một nền tảng kiến thức vững chắc, trở thành những nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực kinh tế của quốc gia và thế giới mà còn trở thành những doanh nhân, những nhà quản lý kinh tế có bản lĩnh, đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

                                                                                       Nguyễn Thị Thảo