0236.3650403 (128)

XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


Vấn đề nghiên cứu (research proplem) là vấn đề mà nhà nghiên cứu đặt ra như là một  bức xúc, một khó khăn, một vấn nạn cần được giải quyết. Như vậy, để tìm được vấn đề nghiên cứu, ta phải tự hỏi liệu có vấn đề gì gây ra bức xúc, lo ngại, quan ngại cho cá nhân ta hay cho mọi người, hay là cho xã hội.

Bản chất của quan sát thường đặt ra những câu hỏi, từ đó đặt ra “vấn đề” nghiên cứu cho nhà khoa học và người nghiên cứu. Câu hỏi đặt ra phải đơn giản, cụ thể, rõ ràng (xác định giới hạn, phạm vi nghiên cứu) và làm sao có thể thực hiện thí nghiệm để kiểm chứng, trả lời. Thí dụ, câu hỏi: “Có bao nhiêu học sinh đến trường hôm nay?”. Câu trả lời được thực hiện đơn giản bằng cách đếm số lượng học sinh hiện diện ở trường. Nhưng một câu hỏi khác đặt ra: “Tại sao bạn đến trường hôm nay?”. Rõ ràng cho thấy rằng, trả lời câu hỏi này thực sự hơi khó thực hiện, thí nghiệm khá phức tạp vì phải tiến hành điều tra học sinh.

Cách đặt câu hỏi thường bắt đầu như sau: Làm thế nào, bao nhiêu, xảy ra ở đâu, nơi nào, khi nào, ai, tại sao, cái gì, …? Đặt câu hỏi hay đặt “vấn đề” nghiên cứu là cơ sở giúp nhà khoa học chọn chủ đề nghiên cứu (topic) thích hợp. Sau khi chọn chủ đề nghiên cứu, một công việc rất quan trọng trong phương pháp nghiên cứu là thu thập tài liệu tham khảo (tùy theo loại nghiên cứu mà có phương pháp thu thập thông tin khác nhau).

 

Ta biết rằng còn rất nhiều vấn đề mang tính lý thuyết hoặc ứng dụng mà khoa học chưa giải quyết được. Sự thiếu hụt kiến thức, sự hiểu biết này được gọi là khoảng trống kiến thức. Nếu phát hiện được các khoảng trống kiến thức này trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhà nghiên cứu có thể định hướng ý tưởng nghiên cứu nhằm giải quyết khoảng trống kiến thức này.

Trong phạm vi khoa học kinh tế, vấn đề nghiên cứu là những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế của người và người trong xã hội.

Đối với kinh tế học vi mô, vấn đề nghiên cứu chính là các câu hỏi về hành vi của cá nhân trong xã hội về việc ra quyết định phân bổ các nguồn lực khan hiếm và cung, cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong quan hệ với giá của hàng hóa và dịch vụ.

Đối với kinh tế học vĩ mô, thông thường ta băn khoăn, lo lắng về các bất ổn về kinh tế vĩ mô, ví dụ như vấn đề lạm phát, chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách tài khóa, đầu tư và hiệu quả đầu tư cho các hoạt động kinh tế quốc gia, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề thất nghiệp, tiền lương…Các vấn đề dạng này thường tạo ra tâm lý bức xúc và bất ổn của tất cả ác thành phần trong xã hội và được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Các vấn đề của kinh tế phát triển thường có tính bao quát rất cao và gắn chặt với các vấn đề xã hội, văn hóa và thể chế. Các vấn đề về tăng trưởng và phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, phân bổ phúc lợi và công bằng xã hội như nghèo đói và bất bình đẳng, sử dụng hợp lý các nguồn lực tự nhiên và tri thức của con người cho tăng trưởng và phát triển bền vững thường được quan tâm nghiên cứu

Mai Thị Hồng Nhung