0236.3650403 (128)

Biến động giá hàng hóa toàn cầu – Nghiên cứu năm 2023


Thị trường hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt từ giữa năm 2022 với Chỉ số Refinitiv CoreCommodity CRB Index – chỉ số tổng hợp giá cả của 22 loại hàng hóa chính đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh năm ngoái. Sau khi hình thành xu hướng tăng kể từ năm 2020 và đạt đỉnh vào giữa năm 2022, giá hàng hóa đã chịu áp lực giảm từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Điều này có tác động lớn đến nhiều ngành kinh doanh đặc biệt là cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Giá hàng hóa có thể tiếp tục biến động khó lường: Mặc dù đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng giá hàng hóa vẫn đang cao hơn mức trước đại dịch Covid 19. Trong nửa cuối năm 2023, giá các loại hàng hóa có biến động trái chiều nhưng nhìn chung sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm khi nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái.

Diễn biến giá dầu: Tính đến ngày 12/06/2023, giá dầu Brent đã giảm khoảng 6% so với đầu năm và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái bởi (1) Nguồn cung dư thừa; (2) Nhu cầu tiêu thụ giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái. Giá dầu có thể phục hồi khi OPEC cắt giảm sản lượng: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái, OPEC đã có những động thái cắt giảm sản lượng nhằm ổn định giá dầu. Cụ thể vào tháng 4/2023, nhóm OPEC đã giảm sản lượng 310.000 thùng/ngày và tiếp tục cắt giảm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023. Từ phía Nga, sản lượng dầu của quốc gia này trong tháng 4/2023 cũng đã giảm 290.000 thùng/ngày và có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại năm 2023.

Diễn biến giá than và khí tự nhiên: Giá than và khí tự nhiên đều trong xu hướng giảm từ giữa năm 2022 và đang ở mức khá thấp từ đó đến nay. Xu hướng giảm của giá than có thể tiếp diễn: Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với than Australia; Châu Âu cũng đã tăng cường nhập khẩu than Australia, Colombia, Kazakhstan để bù đắp cho sản lượng từ Nga. Qua đó, áp lực về nguồn cung khiến than tăng giá như 2 năm qua đã đảo chiều, giúp cho giá than hạ nhiệt.

Diễn biến giá đường: Giá đường đang trong xu hướng tăng khá mạnh 1 năm trở lại đây. Hiện nay, giá đường đang ở mức khoảng 25 USD/lb, cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ. Giá đường có thể tiếp tục xu hướng tăng và duy trì mức cao bởi nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt. USDA dự báo sản lượng đường dự trữ sẽ giảm 13% trong niên vụ 2022/2023 chủ yếu do sản lượng của cả Ấn Độ và Trung Quốc sụt giảm bởi tình hình thời tiết không thuận lợi

Diễn biến giá một số loại nông sản: Giá một số loại nông sản như lúa mỳ, đậu tương đã giảm khá mạnh sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2022 khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine diễn ra. Mặc dù vậy, mặt bằng giá một số loại nông sản như lúa mỳ, ngũ cốc vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid 19 xảy ra. Theo Worldbank, giá lúa mỳ, ngũ cốc, đậu tương được kỳ vọng giảm khá mạnh trong năm 2023 và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Ngược lại, giá gạo bình quân năm 2023 kỳ vọng cao hơn 17% so với năm 2022 do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu khiến sản lượng sụt giảm. Sang năm 2024, giá gạo có thể đảo chiều giảm khi nguồn cung từ Ấn Độ và Pakistan phục hồi.

ThS. Mai Xuân Bình - Khoa QTKD