0236.3650403 (128)

ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG THU THẬP THÔNG TIN TRONG THỐNG KÊ NÔNG NGHIỆP CẤP HUYỆN


1. Thực trạng hoạt động thu thập thông tin trongthống kê nông nghiệp huyện

Thống kê nông nghiệp huyện triển khai các cuộc điều tra định kỳ hàng năm, điều tra chuyên đề và Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản do Cục Thống kê tỉnh chỉ đạo, theo phương án của Tổng cục và chế độ báo cáo đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, các phòng ban cấp huyện. Ngoài ra, thống kê nông nghiệp huyện còn phải triển khai các cuộc điều tra đột xuất do UBND tỉnh hoặc UBND huyện quyết định.

Các cuộc điều tra thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản cấp huyện hiện nay do Tổng cục Thống kê quyết định gồm có:

- Điều tra diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng:

Chỉ tiêu diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng nông nghiệp là những chỉ tiêu quan trọng của ngành Thống kê trồng trọt cấp huyện, được thu thập qua các cuộc điều tra.

Phương pháp thu thập thông tin cụ thể như sau: chỉ tiêu diện tích gieo trồng điều tra toàn bộ cấp huyện: Đơn vị điều tra là xã.

Dựa vào những cơ sở thông tin trên, Thống kê nông nghiệp huyện chỉ đạo thống kê xã tổ chức kiểm tra thực địa liên ngành (thống kê, tài chính, nông nghiệp, địa chính, Hội nông dân xã ...) để xem xét, xác minh những thay đổi về cơ cấu cây trồng, nguyên nhân tăng giảm diện tích cụ thể từng loại cây trồng ở từng ấp sau đó lập báo cáo kết quả gieo trồng của toàn xã theo vụ sản xuất gửi về Phòng Thống kê huyện.

Phòng thống kê huyện lập báo cáo chung toàn huyện gửi về Cục thống kê tỉnh để tỉnh tổng hợp báo cáo về TW.

- Điều tra năng suất, sản lượng cây trồng (điều tra mẫu)

Hoạt động thống kê nông nghiệp huyện tiến hành điều tra diện tích, năng suất, sản lượng lúa theo phương pháp chọn mẫu trên phạm vi cả nước. Địa bàn chọn mẫu là huyện, nên nhiệm vụ của Phòng Thống kê, chủ yếu là bộ phận thống kê nông nghiệp là chủ trì về tổ chức chỉ đạo và triển khai cuộc điều tra này ở các xã mẫu. Phương thức điều tra là phỏng vấn trực tiếp hộ nông dân về sản lượng lúa khô, sạch đã thu được trên diện tích gieo cấy của vụ sản xuất. Cuộc điều tra này còn gọi là “điều tra sản lượng thực thu của hộ gia đình”. Tất cả các huyện có sản xuất lúa đều tiến hành điều tra nên hoạt động của Phòng Thống kê huyện tập trung nhiều thời gian cho cuộc điều tra này.

Quá trình điều tra năng suất, sản lượng cây trồng của huyện gồm 2 bước:

Ước tính năng suất:

Phòng Thống kê huyện, chủ yếu là bộ phận thống kê nông nghiệp là đầu mối tổ chức trong hệ thống liên ngành nông nghiệp, tài chính, kế hoạch, thống kê đi kiểm tra các xã trọng điểm và đánh giá lại báo cáo ước tính của các xã. Trên cơ sở đó, phòng thống kê tính toán lại năng suất lúa cho toàn huyện để phù hợp thực tế mùa màng trên phạm vi toàn huyện.

Năng suất ước tính của toàn huyện không chỉ phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý, kế hoạch của lãnh đạo huyện, mà còn là cơ sở để tham khảo cho việc tiến hành điều tra thực tế các hộ khi kết thúc thu hoạch.

Điều tra thực tế:

Phương án điều tra do Tổng cục quy định: Huyện là địa bàn chọn mẫu. Quy trình chọn mẫu được tiến hành theo 3 cấp: xã, thôn và hộ gia đình nông dân trồng lúa. Tất cả các huyện đều phải áp dụng thống nhất phương pháp điều tra chọn mẫu theo phương án chung của Tổng cục Thống kê đã hướng dẫn. Căn cứ vào kết quả điều tra thí điểm nhiều năm ở các vùng cũng như đặc điểm về quy mô diện tích, quy mô xã, độ biến động năng suất của các vùng, tỉnh và điều kiện kinh phí, trình độ cán bộ của huyện, cơ sở, v.v....

- Điều tra lâm nghiệp:

Hiện nay trong thống kê lâm nghiệp có hai hình thức thu thập thông tin: Đối với quốc doanh lâm nghiệp thu thập thông tin thông qua chế độ báo cáo định kỳ. Đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thu thập thông tin qua điều tra chọn mẫu.

Cuộc điều tra lâm nghiệp ngoài quốc doanh được tiến hành trên phạm vi cả nước, ở tất cả các tỉnh thành phố do phòng Thống kê huyện chủ trì phối hợp với ngành Lâm nghiệp. Ngành thống kê nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm chính về nghiệp vụ, soạn thảo phương án có sự trao đổi thống nhất với ngành nông nghiệp và tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp với ngành thống kê lập dự trù kinh phí trình ủy ban nhân dân duyệt và cùng tham gia tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra. Đơn vị chủ trì, chỉ đạo thu thập số liệu điều tra lâm nghiệp ngoài quốc doanh là Phòng thống kê huyện.

Phương pháp điều tra cây trồng phân tán và thu hoạch sản phẩm từ rừng đã được áp dụng hơn chục năm nay, nói chung kết quả điều tra phản ánh sát với thực tế sản xuất nhưng cần hướng dẫn chi tiết hơn phương pháp phân vùng chọn đại diện. Vai trò của Thống kê huyện trong cuộc điều tra này có ý nghĩa quyết định chất lượng số liệu thu thập được.

2Đánh giá hoạt động thu thập thông tin trong thống kê nông nghiệp huyện

Tất cả các chỉ tiêu định lượng về nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện đều được thu thập, tổng hợp theo một chế độ báo cáo và điều tra thống nhất do Tổng cục thống kê ban hành, nên tính thống nhất của số liệu khá cao: từ huyện lên tỉnh, được tổng hợp theo đơn vị hành chính, phân tổ theo thành phần kinh tế với phương pháp tính thống nhất, nhất là các thông tin nhạy cảm như sản lượng lương thực, năng suất lúa, sản lượng cà phê, sản lượng thủy sản, v.v... Trừ một số số liệu Cục Thống kê phải xử lý lại qua phúc tra và kiểm tra (như sản lượng lương thực, sản lượng cà phê) nhưng nói chung số liệu đầu ra của cấp huyện là số liệu đầu vào của cấp trên trực tiếp (tỉnh) không phải xử lý. Ưu điểm này đảm bảo cho thông tin thống kê nông, lâm nghiệp các cấp có khả năng chi tiết đến từng đơn vị hành chính. Ví dụ, đối với các chỉ tiêu quan trọng: TW chi tiết đến cấp tỉnh, thậm chí đến cấp huyện như sản lượng lương thực, năng suất lúa, đàn lợn, v.v... và cộng tổng số của các cấp dưới thành số liệu của cấp trên trực tiếp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện nguyên tắc thống nhất trong ngành Thống kê về số liệu công bố và phổ biến thông tin ở TW, địa phương và các ngành, các cấp.

Tính liên tục khá cao nên đảm bảo khả năng so sánh theo không gian, theo thời gian, rất tiện lợi cho công tác phân tích thống kê. Do thống nhất về nội dung chỉ tiêu, phương pháp tính, phương pháp phân tổ nên tất cả các loại số liệu thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản cấp huyện từ trước đến nay đều có thể so sánh, phân tích và tính toán dễ dàng, không cần xử lý (trừ trường hợp thay đổi địa giới hành chính huyện và xã).

Về phương pháp thu thập thông tin cấp huyện: Hình thức thu thập thông tin nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cấp huyện chủ yếu là điều tra, nhưng do hạn chế về kinh phí và lực lượng nên chất lượng số liệu chưa cao. Đối với điều tra toàn bộ, như diện tích đất đai, diện tích gieo trồng, số lượng đàn gia súc, số lượng máy móc và các công trình thủy lợi, số lượng HTX, số lượng trang trại, tàu thuyền đánh cá, v.v... hiện nay chưa thực hiện đầy đủ cho tất cả các loại đối tượng điều tra, mà chỉ dừng lại ở một số đối tượng chủ yếu như diện tích gieo trồng lúa, ngô, cà phê, cao su, còn hầu hết các đối tượng khác chỉ điều tra theo chu kỳ 3-5 năm một lần, các năm không điều tra toàn bộ buộc phải khai thác các nguồn số liệu khác để bổ sung hoặc điều tra mẫu để điều chỉnh. Một số cuộc điều tra lẽ ra phải tiến hành toàn bộ nhưng do thiếu kinh phí nên phải điều tra mẫu (chăn nuôi, máy nông nghiệp, v.v...).

ThS. Nguyễn Thị Tiến