0236.3650403 (128)

ĐÔ THỊ HÓA TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ


Đỗ Văn Tính

 


Đô thị hoá là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay điện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỷ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian. Nếu tính theo cách đầu thì nó còn được gọi là mức độ đô thị hoá, còn theo cách thứ hai, nó có tên là tốc độ đô thị hoá.

Hiện nay, tỷ lệ dân số đô thị ở nước ta dưới 40%, theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 80%.Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, tương đương với số dân cư sinh sống tại đô thị chiếm trên 45 triệu dân. Mục tiêu đề ra cho diện tích bình quân đầu người là 100m2/người. Nếu đạt tỷ lệ 100m2/người, Việt Nam cần có khoảng 450.000ha đất đô thị, nhưng hiện nay, diện tích đất đô thị chỉ có 105.000ha, bằng 1/4 so với yêu cầu. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hoá.Đó là: Vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị, làm cho mật độ dân số ở thành thị tăng cao; vấn đề giải quyết công ăn việc làm, thất nghiệp tại chỗ, nhà ở và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp; vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước...

Dự báo phát triển đô thị Việt Nam đến 2020.Triển vọng của một công cuộc đô thị hoá hết sức năng động cũng được dự báo, vì sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hoá và hiện đại hoá với tỷ lệ tăng trưởng dân số đô thị cao, do luồng dân di cư ồ ạt từ nông thôn đổ về các thành phố. Hà Nội và Tp.HCM sẽ cuốn hút rất nhiều dân nhập cư từ các vùng nông thôn.Vậy, việc đầu tư lớn cho hạ tầng mới và mở rộng lãnh thổ các thành phố trên là cần thiết, để đáp ứng phục vụ cho tăng trưởng dân số là mở rộng diện tích khu vực xây dựng của đô thị.

Quy hoạch đô thị trung tâm lớn (metropolitian planning) đã bắt đầu tại Hà Nội (sáp nhập Hà Tây và một số đơn vị hành chính khác), Tp.HCM, Đà Nẵng mới chỉ hạn hẹp trong phạm vi quy hoạch không gian. Hai thành phố Hải Phòng và Cần Thơ đã chuẩn bị các chiến lược phát triển thành phố tương ứng, còn các đô thị khác vẫn còn đang trong giai đoạn quy hoạch chung, theo cách thức vừa làm vừa chờ xem thế nào.Sự chuyển đổi sử dụng đất, và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ phi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác.

Các cách tiếp cận dựa theo cân nhắc chi phí-hiệu quả là rất cần thiết nhằm giảm bớt áp lực vào các thành phố chủ chốt (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) thông qua việc cần đẩy nhanh sự phát triển của các thành phố, cụ thể là: Biên Hoà, Nha Trang, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Long Xuyên, Vinh, Tân Hiệp, Quy Nhơn, Hải Dương, Rạch Giá và Thuận Hiệp; Hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đóng vai trò chủ chốt tại khu vực đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên cần trải xuống tới các thành phố hành lang như Hải Dương, Vĩnh Yên và Bắc Ninh mới có hiệu quả cao.Trong khu vực đồng bằng sông Hồng, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương có số lượng người lao động lớn nhất tại thời điểm năm 2005 và sẽ tiếp tục dẫn đầu vào năm 2020. Các thành phố Hạ Long, Móng Cái và Cẩm Phả sẽ phải đóng vai trò lực hướng tâm cho tỉnh Quảng Ninh, (tỉnh có số lượng công nhân các xí nghiệp lớn nhất của vùng Đông Bắc); Phú Thọ và Thái Nguyên là hai tỉnh có số lượng người làm công ăn lương lớn nhất của vùng Tây Bắc tính đến thời điểm 2005, dự đoán cũng sẽ như vậy tới năm 2020.Với sự phục hồi của thành phố ngã ba sông Việt Trì, bổ sung bởi sự gia tăng phát triển tại thành phố Thái Nguyên và Thị xã Phú Thọ, có thể thấy trước được triển vọng phát triển lan toả cho toàn khu vực Bắc bộ. Các đô thị gồm thị xã Hoà Bình, thành phố Yên Bái, thành phố Lào Cai và Điện Biên Phủ sẽ trợ giúp sự phát triển đa cực của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; Đối với khu vực duyên hải miền Trung, các động lực trọng yếu trải dọc theo chiều dài với thành phố Đà Nẵng ở vị trí trung tâm, 2 thành phố Thanh Hoá và Vinh ở Bắc Trung bộ, 2 đô thị là thành phố Quy Nhơn và Nha Trang ở Nam Trung bộ; Đối với khu vực Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là lực lượng kinh tế chủ đạo, bổ sung thêm bởi thành phố Đà Lạt. Triển vọng phát triển và đô thị hoá của khu vực Đông Nam Bộ sẽ dẫn đầu bởi mũi nhọn Tp.HCM, tiếp sau bởi các đô thị ngoại biên gồm Biên Hoà, Thủ Dầu Một và Vũng Tàu; Thành phố Cần Thơ như một thành phố trục của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được bổ sung bởi các đô thị ngoại biên gồm Mỹ Tho, Rạch Giá, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cà Mau sẽ là các cánh quạt phát triển trong vùng; Các đô thị vùng biên giới như thành phố Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái và thị xã Cao Bằng, sẽ đóng vai trò như các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Thành phố Điện Biên Phủ sẽ thông thương với Lào, thị xã Hồng Ngự và Hà Tiên là những cửa ngõ thương mại với Campuchia; Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với cộng đồng quốc tế qua chính sách mở cửa và hội nhập. Dân tộc Tày là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất sống tại vùng núi và trung du miền Bắc, tập trung dân cư chủ yếu tại khu vực Đông Bắc từ châu thổ sông Hồng đến các đồng bằng duyên hải, và dân tộc Thái là nhóm có nhiều bộ tộc đa dạng nhất tại vùng núi Tây Bắc giáp biên với Lào và Trung Quốc; Chỉ tính riêng tại khu vực đông bắc, dân số đô thị của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đa số là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 68% và 57% tương ứng mỗi tỉnh; Còn tại phía Nam, số lượng lớn người dân tộc Kh'me sống tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, các chiến lược phát triển cho các đô thị, gồm cả chiến lược nâng cấp đô thị cho các đô thị thuộc các khu vực trên cần phải tính đến nhu cầu văn hoá xã hội của các nhóm dân tộc ít người này.

Phát triển bền vững là một nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi không tránh được của Việt Nam. Các hợp tác liên tỉnh, phối hợp và cộng tác liên đô thị có thể mang lại sức mạnh vượt qua các khó khăn nguồn lực và tài chính. Nguồn lực còn hạn chế như về đất, nước, có thể được giải quyết qua các mối quan hệ liên ngành trong chính phủ, từ đó giảm thiểu chi phí và tối ưu hoá các lợi ích phát triển.Đểđạt được mục tiêu đó, cân thiết phải tăng cường công tác giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Song song với việc nâng cao dân trí là tiến hành quy hoạch phân bố đồng đều các khu công nghiệp, khu đô thị tại các thành phố trên cả nước. Tăng cường giáo dục nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới đối với cư dân đô thị. Hạn chế và quản lý tốt hơn đối với dân nhập cư, góp phần lập lại trật tự xã hội đảm bảo cho việc xây dựng xã hội đô thị ổn định, bền vững. Có chiến lược, lộ trình quy hoạch đô thị đồng bộ. Hoàn thiện và và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông đường bộ thuận tiện, không ách tắc và hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho các loại nhiên liệu gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt. Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại không gây ô nhiễm. Cần xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng là giải pháp trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị. Có thể nói, đô thị hoá tự phát, thiếu quy hoạch khoa học sẽ làm nảy sinh và để lại nhiều hậu quả tiêu cực và lâu dài, cản trở sự phát triển của đất nước.

 

 

Bài viết được tổng hợp từ:

  1. Bộ KH&ĐT
  2. BộTN&MT
  3. Bộ Xây dựng