0236.3650403 (128)

Giám đốc tài chính - Người điều khiển dòng tiền


"Giám đốc tài chính"(tiếng Anh: Chief Financial Officer, viết tắt là CFO) là một vị trí trong doanh nghiệp. Công việc của giám đốc tài chính là quản lý tài chính như nghiên cứu, phân tích và xử lý các mối quan hệ tài chính trong doanh nghiệp; xây dựng các kế hoạch tài chính; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cảnh báo các nguy cơ đối với doanh nghiệp thông qua phân tích tài chính và đưa ra những dự báo đáng tin cậy trong tương lai. Vai trò của giám đốc tài chính hoàn toàn khác với kế toán.

Một số định nghĩa xem CFO là một nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu nói như vậy thì quá rộng so với từ này, vì giám đốc tài chính là một công việc liên quan đến tài chính, và chữ "Chief" trong cụm từ CFO đã nói lên rằng giám đốc tài chính không phải là một nghề nghiệp. "Chief" có nghĩa là Người đứng đầu, mà nghề nghiệp thì không có người đứng đầu. Ví dụ như nghề giáo viên, nghề kế toán, nghề mộc, nghề xây dựng, nghề quản lý...

Những CFO cần có những kiến thức cơ bản: CFO ít nhất phải nắm được đầy đủ hoạt động của Bộ máy Kế toán, sau đó là phân nhiệm việc theo dõi thông tin cho Bộ máy Tài chính. Những thông tin mà Bộ máy Tài chính có được là từ "Hệ thống thông tin Kế toán", sau đó chuyển các Thông tin Kế toán thành "Hệ thống thông tin Tài chính". Hệ thống "Thông tin Tài chính" sẽ là cơ sở để một Giám đốc Tài chính ra quyết định.

Ngoài ra, CFO còn phải nắm vững khoa học Phân tích và khoa học Quản trị. Tức là phải tiếp cận đến các môn học như đánh giá, định lượng, thống kê, ... Từ những kến thức đó, kết hợp với các tác nghiệp nhằm đưa ra những kết quả cuối cùng là Báo cáo tình hình tài chính, hoạch định chiến lược tài chính và điều hành thực hiện chiến lược tài chính.

So sánh với nhiệm vụ của Kế toán trưởng thì Giám đốc Tài chính thoát khỏi việc điều hành tác nghiệp để tiến tới một mức độ cao hơn, đó là vận dụng các công cụ tài chính nhằm thực hiện tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn trong doanh nghiệp. Ví dụ, Kế toán trưởng quản lý Bộ máy kế toán hướng đến việc tiết kiệm tối đa chi phí thông qua quy trình, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tránh thất thoát. Còn CFO thì tiết kiệm chi phí thông qua xác định chi phí đó có hiệu quả hay không, cho nên, trong quyết định của CFO, một số loại chi phí cần cắt giảm, một số loại khác thì cần nâng lên. Vì theo CFO, những khoản chi phí nào tăng 2 lần mà làm doanh thu tăng 3 lần thì không nên tiết kiệm làm gì. Nhưng để có thể quyết định điều đó, CFO cần có công cụ để phân tích và tính toán. Những công cụ đó là gì ? đó là các Chỉ số Tài chính là do Kế toán cung cấp, các phương pháp phân tích như định lượng, toán tài chính, ma trận tối ưu chi phí, ma trận tối ưu doanh thu, xác suất các sự kiện chi phí hay doanh thu, chiến lược tài chính, kiểm soát tài chính, phân tích và hợp nhất báo cáo tài chính!

Như những mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, những đồng tiền của doanh nghiệp phải liên tục chạy. Nhưng việc chạy theo hướng nào, tốc độ ra sao, lưu lượng lớn hay nhỏ… phụ thuộc rất lớn vào quyết định của giám đốc tài chính.

Với chức năng quản trị tài chính, các CFO phải luôn theo dõi sát sao đường đi của các dòng tiền, tạo ra những ma trận hơp lý, sử dụng hiệu quả đồng vốn. Đồng thời, các CFO cũng phải rèn luyện kỹ năng “lái tàu”, có thể điều khiển được các dòng chảy với những tốc độ khác nhau trên mỗi đoạn đường để tàu có thể trôi đi nhanh nhất một cách an toàn.

Để làm tốt điều đó, các CFO không những cần nắm vững những kiến thức quan trọng, rèn luyện các kỹ năng cần thiết mà còn cần có những công cụ nhạy bén để có thể phân tích, phán đoán, đưa ra các định hướng phù hợp. Họ phải biến được "Hệ thống thông tin kế toán" thành "Hệ thống thông tin tài chính” để phân tích và xử lý các mối quan hệ tài chính trong doanh nghiệp, xây dựng các kế hoạch tài chính, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cũng như cảnh báo các nguy cơ đối với doanh nghiệp, đưa ra những dự báo đáng tin cậy trong tương lai.

Thế giới từng được chứng kiến những cú vươn mình ngoạn mục của nhiều tập đoàn nổi tiếng mà người đóng vai trò quan trọng là các giám đốc tài chính CFO. Ở tập đoàn GE Capital, dưới thời của CFO Jim Parker, lợi nhuận tập đoàn đã tăng từ 950 triệu USD lên 9 tỉ USD. Tương tự, với chiến lược tài chính khôn ngoan của Tom Schoewe, tập đoàn Wal-Mart trở thành tập đoàn bán lẻ có doanh số lớn nhất thế giới…

Tác giả: Mai Thị Hồng Nhung