0236.3650403 (128)

KỸ NĂNG ĐỌC


Kỹ năng đọc là một loại kỹ năng mềm, phương thức giúp người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất. Cùng với nhu cầu đọc, hứng thú đọc thì kỹ năng đọc là yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa đọc. Kỹ năng đọc là thành tố quan trọng nhất trong cấu trúc văn hóa đọc, là khả năng hiểu, lĩnh hội và cảm thụ tác phẩm,  biến tri thức, kinh nghiệm trong sách thành tri thức, kinh nghiệm của bản thân để có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo trong khi tiến hành các hoạt động sống khác nhau.

Kỹ năng đọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tri thức, kinh nghiệm, năng lực và mục đích đọc của mỗi cá nhân. Trong đó, mục đích đọc là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp đọc phù hợp với yêu cầu đọc. Từ đó sẽ giúp các bạn tránh được đọc tràn lan, tốn công sức và quản lý thời gian đọc sách hợp lý.

Kỹ năng đọc là năng lực của chủ thể thực hiện thuần thục một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm đạt được mục đích đọc. Kỹ năng đọc bao gồm  phương pháp đọc, kỹ thuật đọc

- Phương pháp đọc

Phương pháp đọc chính là những cách thức đọc giúp chủ thể đạt được mục đích đọc. Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích đọc và loại tài liệu và hoàn toàn do mục đích đọc quy định. Qua nghiên cứu, tác giả xin trình bày khái quát một số cách đọc và nội dung chính của các cách đọc đó:

Đọc lướt: Bao gồm hai bước: Đọc lướt có hệ thống và đọc lướt toàn bộ.

+ Đọc lướt có hệ thống: Mục đích là để nắm được hình thức và cấu trúc của tài liệu. Cách đọc là: xem trang đầu và phần giới thiệu, mục lục, tóm tắt của tài liệu, đọc các đề mục chính và phụ trong bài để tạo một mối liên hệ chung giữa toàn bộ các khái niệm quan trọng, các từ khoá mô tả phạm vi giới hạn và trọng tâm của tài liệu, đọc những câu tóm lược trong phần mở đầu hay kết thúc chương để nắm được luận điểm chính của tài liệu, đọc ngẫu nhiên một vài đoạn hoặc một vài trang, đặc biệt là lời kết.

+ Đọc lướt toàn bộ: Mục đích là để bước đầu hiểu và nắm nội dung tài liệu. Cách đọc là: đọc hết tài liệu, không dừng lại khi đọc và không đọc thụt lùi kể cả khi người đọc thấy có những chi tiết khó hiểu.

Đọc lướt yêu cầu tốc độ đọc nhanh, thời gian đọc ngắn, không nên cố gắng hiểu tất cả các từ, trang hay toàn bộ tài liệu. Cách đọc này nhằm đánh giá sơ bộ nội dung và xác định mức độ phù hợp của tài liệu với nhu cầu để quyết định sẽ đọc chi tiết hay bỏ qua tài liệu.

Đọc phân tích: Sau khi đọc lướt tài liệu, nếu người đọc xác định cần đọc chi tiết thì sẽ vận dụng cách đọc phân tích. Mục đích đọc phân tích nhằm làm sáng tỏ nội dung tài liệu, gồm các bước:

+ Phân loại tài liệu đọc theo thể loại và chủ đề; Tóm tắt nội dung tài liệu; Phác thảo dàn ý (lập đề cương) cho từng phần chính và toàn bộ nội dung.

+ Diễn giải lại được các vấn đề chính mà tác giả đề cập

+ Trả lời được các câu hỏi và tìm ra hướng giải quyết vấn đề của tác giả

Đọc phân tích đòi hỏi tốc độ đọc chậm, thời gian đọc lâu hơn đọc lướt. Trình tự đọc tùy thuộc vào mức độ hiểu của người đọc và có ghi chép, sử dụng ký kiệu để đánh dấu những phản ứng, suy nghĩ trong quá trình đọc.

Đọc hiểu sâu: Sau khi đọc phân tích mới tiến hành đọc hiểu sâu. Trình tự đọc phụ thuộc vào người đọc. Yêu cầu của đọc hiểu sâu là:

+Đọc có ghi chép dưới dạng phân tích, tổng hợp, đánh giá

+Đọc có phê bình (phản đối hay đồng tình với lập luận của tác giả), có tái hiện lại những tri thức cũ khi đọc

+Hệ thống hóa lại các tri thức đã biết

+ Đọc thêm nhiều tài liệu khác có cùng chủ đề để so sánh, đối chiếu, hiểu sâu hơn các khía cạnh của vấn đề đang đọc

+Tự đặt ra các câu hỏi và tìm ra hướng giải quyết vấn đề bằng cách ứng dụng tri thức mới đọc được

+Trích rút thông tin cần thiết để tái cấu trúc và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ riêng của mình

+ Diễn giải, thuyết phục và truyền đạt được kiến thức tiếp thu được cho người khác hiểu

+ Có thể đề xuất những tri thức, ý tưởng mới từ kiến thức đã đọc được. Những nguyên tắccần thiết cho các phương pháp đọc hiệu quả là:

  • Đọc nhiều không có nghĩa là đọc hiệu quả. Đọc là một quá trình khám phá độc lập. Khi đọc phải tập trung cao độ, sắc sảo trong quan sát, luôn sử dụng trí nhớ, trí tưởng tượng và rèn luyện trí tuệ để phân tích và phản ánh. Đọc phải đi đôi với ghi chép, suy nghĩ và đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi trong quá trình đọc.
  • Biết áp dụng các phương pháp đọc khác nhau cho các hình thức, thể loại, nội dung tài liệu khác nhau. Đọc sách văn học khác đọc sách khoa học, đọc sách lý thuyết khác với đọc sách hướng dẫn thực hành…
  • Không áp dụng một tốc độ đọc duy nhất cho mọi quyển sách mà cần biết dùng tốc độ phù hợp. "Mọi cuốn sách nên được đọc không chậm hơn mức mà nó đáng đọc và không nhanh hơn mức mà bạn có thể đọc để thông hiểu và thấy hài lòng" [1, tr.43]. Bởi vì đọc bằng trí óc chứ không phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của đôi mắt.
  • Đọc những tài liệu khó cần phải chuẩn bị trước kiến thức nền để có thể hiểu sâu sắc những vấn đề được trình bày.
  • Để nâng cao kỹ năng đọc không thể đọc tràn lan, sách nào cũng đọc. Đọc để giải trí hoặc lấy thông tin không giúp nâng cao kỹ năng đọc. Người đọc cần có quá trình đọc từ thấp đến cao, đọc sách nằm trong khả năng đến sách vượt khả năng, giúp họ động não nhiều hơn, học được nhiều điều hơn.

                                                                                                          Nguyễn Thị Thảo