0236.3650403 (128)

Những vấn đề chung về cho vay bất động sản tại các ngân hàng thương mại (phần 2)


6. Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại NHTM

6.1. Các nhân tố bên ngoài

 Môi trường kinh tế

Nền kinh tế của một đất nước phát triển hay suy thoái đều có sự ảnh hưởng nhất định tới tất cả mọi hoạt động kinh tế diễn ra trong nó, và hoạt động cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sự ảnh hưởng của nền kinh tế đối với hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN của NHTM là sự ảnh hưởng cùng chiều, khi nền kinh tế phát triển thì hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN cũng có xu hướng diễn ra mạnh mẽ hơn, khi đó nhu cầu vay tiền của KHCN cũng tăng lên, cùng với đó là sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn giữa các NHTM. Và trong trường hợp ngược lại, khi nền kinh tế trong trạng thái suy thoái hoặc trong giai đoạn khó khăn thì hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN sẽ thu hẹp lại bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính Phủ tác động trực tiếp đến lãi suất cho vay của các NHTM.

Môi trường pháp lý

Hoạt động cho vay của NHTM nói chung và hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN của NHTM nói riêng đều được quy định chặt chẽ bởi các văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà Nước ban hành. Với một môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật, văn bản dưới luật sẽ khiến cho các NHTM gặp phải những khó khăn, thiếu đi tính linh hoạt cần thiết, vốn cho vay của ngân hàng dễ gặp rủi ro, đồng thời sẽ gây nên những thiệt hại về quyền lợi cho ngân hàng và khách hàng. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của hoạt động cho vay tại các NHTM. Do đó, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người vay vốn yên tâm, mạnh dạn đầu tư, mua bán BĐS, xây dựng và sửa chữa nhà cửa. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả cho vay của NHTM nói chung và cho vay BĐS đối với KHCN nói riêng.

Môi trường văn hóa – xã hội

Các yếu tố của môi trường văn hóa – xã hội như thói quen tiêu dùng, phong tục tập quán của từng vùng miền cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay BĐS của các NHTM. Khi trình độ dân trí chưa cao, người dân sẽ không hiểu rõ về các lợi ích cũng như ưu đãi của các sản phẩm cho vay BĐS đối với KHCN của NHTM, hơn nữa những người này có xu hướng “ăn chắc mặc bền”, họ sợ phải mang gánh nặng nợ nần, chính vì thế mà họ rất khó để đưa ra quyết định vay vốn của ngân hàng để đầu tư, mua bán BĐS, xây dựng và sửa chữa nhà ở. Đây sẽ là một trở ngại để ngân hàng phát triển hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN. Ngược lại, tại những nơi có nền dân trí phát triển cao, người dân có suy nghĩ thoáng và luôn muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, tham gia đầu tư, mua bán BĐS để vận hành nền kinh tế, có nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà ở nhiều hơn, hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Một số ít người khác thì sẽ có xu hướng vay vốn tại các NHTM để coi như đó là một nguồn động lực để họ cố gắng nâng cao đời sống hơn. Điều đó góp phần cho hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN tại những nơi này có cơ hội phát triển nhiều hơn.

Môi trường cạnh tranh

Môi trường cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động cho vay của NHTM nói chung và hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN nói riêng. Sự xuất hiện của các ngân hàng mới, việc mở thêm các Chi nhánh và PGD mới của các NHTM khiến cho sự cạnh tranh giữa các ngân hàng càng trở nên gay gắt hơn. Cạnh tranh có thể giúp các ngân hàng ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, tích cực nghiên cứu và triển khai các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được nhiều nhu cầu vay BĐS của khách hàng hơn. Đồng thời, cạnh tranh cũng buộc các ngân hàng phải luôn quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị tốt, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ cao, cải tiến quy trình nghiệp vụ để khách hàng dễ dàng giao dịch với ngân hàng hơn. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh khác, cạnh tranh có thể làm cho ngân hàng bỏ qua những điều kiện tín dụng cần thiết làm cho rủi ro khoản vay cao lên, làm giảm chất lượng tín dụng. Hơn nữa, cạnh tranh còn làm cho thị trường cho vay BĐS đối với KHCN bị chia nhỏ cho nhiều ngân hàng khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng thị trường cho vay của mỗi NHTM.

Khách hàng 

Khách hàng là yếu tố quyết định hoạt động cho vay của NHTM nói chung và cho vay BĐS đối với KHCN của NHTM nói riêng có đạt được hiệu quả tốt hay không. Một khách hàng có tư cách đạo đức tốt, có tình hình tài chính vững vàng, có lịch sử quan hệ với các ngân hàng khác tốt là tiền đề để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay đối với khách hàng, nhờ vào các tiêu chí đó mà ngân hàng có thể giảm bớt rủi ro cho vay, tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Ngược lại, trong quá trình thẩm định và xét duyệt cho vay, nếu khách hàng có tình hình tài chính không ổn định, lịch sử quan hệ với các ngân hàng khác không tốt thì ngân hàng có thể từ chối cho vay đối với khách hàng đó để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn tại NHTM.

Thị trường bất động sản

Đối với hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN của các NHTM thì thị trường bất động sản có sự ảnh hưởng rất lớn. Khi thị trường BĐS sôi động, nhiều nhà đầu tư tham gia, sự cạnh tranh về giá từ đó dẫn đến lượng vốn được đổ vào thị trường BĐS cũng tăng lên. Để đáp ứng được nhu cầu vốn lớn, nhiều nhà đầu tư đã quyết định thực hiện vay vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư của mình, từ đó hoạt động cho vay BĐS đối với KHCN của các NHTM cũng có cơ hội được phát triển mạnh mẽ hơn, đem đến nguồn khách hàng chất lượng và phong phú cho ngân hàng. Ngược lại, khi thị trường BĐS có xu hướng giảm hoạt trong giai đoạn khó khăn, thì khách hàng cho nhu cầu bán BĐS thu hồi vốn, vì thế mà hoạt động cho vay cũng có xu hướng giảm xuống, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM.

 

Lê Phúc Minh Chuyên