0236.3650403 (128)

Những xu hướng kỳ vọng báo hiệu sự phục hồi đầu năm 2024


Sự khởi sắc trở lại của nhóm ngành xuất khẩu: Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong năm 2023: Nền kinh tế nói chung và các nhóm ngành xuất khẩu nói riêng đã trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn. Các bạn hàng, đối tác thương mại chính như Mỹ, EU, Trung Quốc đều phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD (-4,6% yoy). Mặc dù vẫn sụt giảm so với cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu các tháng gần đây đã có sự cải thiện. Giá trị xuất khẩu của một số nhóm ngành hàng sau khi chạm đáy trong Q1.2023 đã liên tục phục hồi có thể kể đến như thủy sản, dệt may, gỗ & các sản phẩm từ gỗ. Bước sang năm 2024, nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi trên mức nền thấp của cùng kỳ 2023. Các nhóm ngành hàng xuất khẩu tiềm năng phục hồi có thể kể đến như: Thủy sản, dệt may, xơ – sợi, gỗ & các sản phẩm từ gỗ.

Giá thép phục hồi: Giá thép HRC hiện tại đã phục hồi khoảng 60% từ mức đáy năm 2023 và cao hơn khoảng 30% so với mức giá bình quân trong năm vừa qua. Tương tự, giá thép thanh cũng đã phục hồi và tăng khoảng 10% so với mức đáy trong năm 2023. Theo World Steel, nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2024 có thể tiếp tục phục hồi nhờ kỳ vọng thị trường BDS Trung Quốc ấm dần lên trong bối cảnh tồn kho thép đang giảm xuống mức thấp.

Hưởng lợi từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Giải ngân đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong năm 2023 vừa qua, giải ngân đầu tư công tới hết tháng 12 đạt khoảng 580.000 tỷ đồng (tăng 17% so với thực hiện năm 2022). Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công đạt khoảng gần 680.000 tỷ đồng (tăng gần 20% so với thực hiện năm 2023). Nhìn lại giai đoạn 2018-2023, con số giải ngân đầu tư công qua các năm liên tục tăng, thể hiện tầm quan trọng của đầu tư công và sự quan tâm của Chính phủ tới việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tổng cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi từ cả trong và ngoài nước.

ThS. Mai Xuân Bình - Khoa QTKD