0236.3650403 (128)

Phép đo lượng tiền trong lưu thông


Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách mà cụ thể là ngân hàng trung ương mỗi nước chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ, là phải biết chính xác các thành phần của lượng tiền cung ứng vào lưu thông bao gồm những loại nào, cơ cấu của chúng ra sao để có thể dự báo những biến động kinh tế tác động lên chúng. Từ đó, ngân hàng nhà nước sẽ có những tác động hợp lý và linh hoạt lên lượng cung tiền để đạt được mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế.

Tuy nhiên việc đo lường gặp phải 3 trở ngại:

Thứ nhất, một lượng lớn tiền pháp định gửi vào ngân hàng dưới hình thức những tài khoản không tham gia thanh toán ( thực hiện chức năng dự trữ) vẫn có thể chuyển thành tiền mặt với chi phí rất thấp. Như vậy, chúng vẫn có khả năng lưu thông, nếu không đưa chúng vào khối tiền lưu thông thì sẽ thiếu sót.

Thứ hai, những thay đổi về các quy chế tài chính đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh chóng, theo xu hướng nới lỏng quản lý các tài khoản thanh toán. Ví dụ: cho phép thanh toán lãi cho tài khoản thanh toán, xuất hiện tài khoản hỗn hợp giữa tiết kiệm và thanh toán...

Thứ ba, một số tài sản tài chính có tính thanh khoản cao tức là dễ chuyển thành tiền mặt và có thể tham gia thanh toán trực tiếp. Các tài sản này cũng đang nằm dưới dạng dự trữ giá trị và cũng có khả năng tham gia thanh toán nên vẫn được xếp vào các khối tiền trong lưu thông.

Do đó, việc đo lường khối tiền trở nên phức tạp và chỉ mang tính tương đối. Bên cạnh đó, vì những đặc điểm khác nhau về hệ thống tài chính và tiền tệ của từng nước mà các thành phần của từng khối tiền cụ thể của mỗi nước có thể khác nhau nhưng nét chung nhất của thành phần khối tiền vẫn bao gồm:

  • M1: bằng tổng lượng tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi thanh toán tại ngân hàng. M1 còn được gọi là khối tiền hẹp, chứa 2 loại tiền có tính lỏng cao nhất.

Tiền mặt lưu hành chính là lượng tiền giấy do NHTW phát hành nên còn được gọi là tiền Trung ương. Tiền gửi không kì hạn được xem như tiền giao dịch, bởi người gửi tiền có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào để thanh toán tiền hàng, dịch vụ… Tuy nhiên, tính kịp thời và ngay lập tức trong chi trả của loại tiền này vẫn không bằng tiền mặt. Cả tiền mặt và tiền gửi không kì hạn đều có tính thanh khoản cao, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu giao dịch của người sở hữu do đó người ta gọi M1 là tiền giao dịch hay tiền mạnh.

  • M2: bằng M1 cộng với tiền gửi tiết kiệm + tiền gửi định kì
  • M3: bằng M2 cộng với tất cả các khoản tiền gửi khác tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
  • L: bằng M3 cộng với các loại chứng khoán có khả năng chuyển hoán trên thị trường tài chính ( chứng khoán có độ lỏng cao)

Ta thấy các khối tiền được xây dựng và phân theo tính thanh khoản của chúng nhưng phép đo tổng lượng tiền không phải là hoàn toàn bất biến mà các cơ quan quản lý tiền tệ sẽ thường xuyên thay đổi kết cấu khối tiền dựa vào tính thanh khoản của chúng hoặc dựa vào mức độ thực hiện các chức năng của tiền để sắp xếp. Vì vậy có thể nói, khi nhìn vào cơ cấu tiền tệ trong chính sách tiền tệ người ta có thể thấy được trình độ phát triển kinh tế của nước đó, sự đa dạng phong phú của các loại tiền. Ví dụ: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn đưa thêm séc du lịch và các dạng tiền gửi có thể phát séc khác vào phép đo M1, ở phép đo M2 họ tách tiền gửi có kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn lượng nhỏ thì để lại M2 còn tiền gửi có kỳ hạn lượng lớn thì đưa sang M3 và thêm vào M2 tài khoản tiền gửi tại thị trường tiền tệ, cổ phần quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ. Việt Nam thì thêm kỳ phiếu ngân hàng thương mại vào M2.

Mặc dù số liệu về các khối tiền tệ được công bố và sử dụng vào những mục đích nhất định, nhưng việc đưa ra các phép đo lượng tiền chỉ có ý nghĩa khi nó vừa tập hợp được các phương tiện trao đổi trong nền kinh tế, vừa tạo cơ sở dự báo lạm phát và chu kỳ kinh doanh. Trên thực tế các quốc gia thường sử dụng phép đo M1 hoặc M2. Việt Nam chúng ta sử dụng phép đo M2.Việc lựa chọn phép đo nào phụ thuộc vào nhận thức và khả năng của NHTW trong điều hành chính sách thực tế.

ThS. Phạm Thị Uyên Thi – Khoa QTKD