0236.3650403 (128)

PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP


Giá trị doanh nghiệp:

            Trong nền kinh tế thị trường, hang hoá là một sản phẩm hoặc dịch vụ được đưa ra trao đổi, mua bán trên thị trường. mọi hàng hoá đều có 2 thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị hành hoá chỉ được biểu hiện thông qua trao đổi, mua bán, đó là mức giá cả hàng hoá. Giá cả hang hoá có cơ sở là giá trị và luôn xoay quanh giá trị, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều nhân tố khác nhau như quan hệ cung cầu, tương quan lực lượng và điều kiện mua bán giữa các bên tham gia; sự tác động của Nhà nước thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế.

            Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân, được tổ chức để thực hiện hoạt động SXKD trong một lĩnh vực nhất định với mục đích thu lợi nhuận. Trong trường hợp được đưa ra trao đổi, mua bán dù bất kỳ hình thức nào (như thanh lý, chuyển nhượng, sáp nhập, cổ phần hoá …)cũng được coi như một hang hoá, có giá trị và giá trị sử dụng. Tuy nhiên cần thấy DN là một loại hang hoá đặc biệt, bởi vì DN là một hệ thống phức tạp của nhiều yếu tố cấu thành và mối lien hệ giữa chúng. Có những yếu tố vật chất (các tài sản hữu hình) song cũng có các yếu tố phi vật chất (các tài sản vô hình). Giá trị của các yếu tố cấu thành tài sản của DN lại luôn thay đổi theo thời gian. Hơn nữa tính đặc thù của từng DN tương đối rõ rệt, giữa các DN lại thường có sự khác biệt đáng kể. Vì thế giá trị DN, đúng hơn là giá trị các bộ phận cấu thành tài sản của DN chỉ phản ánh giá trị cá biệt của từng DN.

            Mặc khác các nhà đầu tư vào DN (người mua DN) không phải chỉ là để sở hữu giá trị của các tài sản hiện hành mà quan trọng hơn chính là khả năng thu được lợi nhuận trong tương lai. Khả năng này không chỉ phụ thuộc ở khả năng thu lợi nhuận trong quá khứ và hiện tại của DN mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: uy tín DN, bí quyết kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và khả năng mở rộng thị trường (gọi chung là lợi thế thương mại), sự tác động của các chính sách kinh tế của Nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh của DN trong tương lai…Nói một cách khác đó là sự đánh giá lợi ích thực sự của DN trên cơ sở các hiểu biết sâu sắc về nó trong một môi trường xác định. Do vậy, từ góc độ của người đầu tư có thể nói rằng giá trị DN chính là biểu hiện bằng tiền của các khoản thu nhập mà DN có thể thu được trong tương lai.

Định giá Doanh nghiệp:

Định giá DN là một khoa học và nghệ thuật, đây là hoạt động chuyên môn vừa mang tính kinh tế kỹ thuật, tính pháp lý, vừa mang tính xã hội.

Định giá luôn gắn liền và có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Hiện nay, có rất nhiều khái niệm khác nhau về định giá tài sản (doanh nghiệp được xem là một loại tài sản đặc biệt), cụ thể như sau:

-Định giá là sự ước tính về giá trị của các quyền sở hữu tài sản cụ thể bằng hình thái tiền tệ cho một mục đích đã xác định được (GS.W-Sealrooke-viện Đại học Portsmouth-Vương quốc Anh).

-Định giá là một khoa học về ước tính giá trị cho một mục đích cụ thể của một tài sản cụ thể , tại một thời điểm xác định, có cân nhắc đến tất cả các đặc điểm của tài sản cũng như xem xét tất cả các yếu tố kinh tế căn bản của thị trường, bao gồm các loại đầu tư lựa chọn. (Gs.lim Lan Yuan-Khoa xây dựng và bất động sản-Đại học quố gia Singapore).

Từ những khái niệm trên chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản: Định giá DN là một điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một DN.

Phương pháp định giá doanh nghiệp:

Hiện nay có nhiều phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp được các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện định giá doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng và không có một phương pháp nào là tối ưu nhất.Chính vì vậy khi định giá doanh nghiệp chúng ta cần linh hoạt sử dụng các phương pháp cho phù hợp với tình huống, yêu cầu định giá vì thường khi định giá các doanh nghiệp thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Tại Việt nam, để định giá doanh nghiệp thường sử dụng các phương pháp sau:

a.Phương pháp giá trị tài sản thuần-NAV (Net Asret Value):

*Công thức sử dụng:

Phương pháp tài sản là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá giá trị thực tế toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị của doanh nghiệp.(Thông tư 126/2004/TT-BTC)

Phương pháp định giá theo tài sản thường được sử dụng hiện nay là phương pháp giá trị tài sản thuần. Theo phương pháp này, giá trị của doanh nghiệp bằng với giá thị trường của toàn bộ tài sản trừ cho giá thị trường của tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp, hay nghĩa là, giá trị thực tế của tài sản trừ đi giá trị thực tế của tất cả các khoản nợ.

Giá trị DN=Giá trị thị trường TS-Giá trị thị trường các khoản nợ.

*Đặc điểm của phương pháp NAV:

Định giá doanh nghiệp bằng phương pháp giá trị tài sản thuần thường mất nhiều thời gian và chi phí. Để xác định giá thị trường của các loại tài sản hữu hình khác nhau của doanh nghiệp, cần phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia định giá cho nhiều loại tài sản khác nhau. Do đó, doanh nghiệp có thể mất nhiều thời gian để tìm kiếm các chuyên gia và chi phí cho việc định giá các tài sản của doanh nghiệp.

            Phương pháp này cũng không đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc định giá các tài sản vô hình như danh tiếng, uy tín trên thị trường, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuê, phát minh sáng chế…Do đó việc xác định giá trị của tài sản vô hình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người định giá dẫn đến việc giá trị của chúng có thể được định giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị hợp lý.

Phương pháp định giá này không quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, vì phương pháp chỉ xác định giá trị thị trường của tài sản thời điểm hiện tại.

b.Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF-Disscout cashflow):

*Công thức sử dụng:

Cơ sở lý thuyết của phương pháp đầu tư-dòng tiền chiết khấu DCF này xuất phát từ quan điểm: giá trị của doanh nghiệp là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai mà doanh nghiệp sẽ tạo ra.Không phụ thuộc vào giá trị của tài sản doanh nghiệp.

            Phương pháp này dựa trên lý thuyết tài chính được mọi người chấp nhận rằng giá trị của một khoản đầu tư chính là những giá trị tương lai do sự đầu tư đó mang lại được chiết khấu về hiện tại để thể hiện giá trị theo thời gian của dòng tiền.

            Theo phương pháp này, tỷ suất chiết khấu dùng để chiết khấu dòng tiền tương lai thể hiện tỷ suất sinh lời mong muốn của doanh nghiệp được định giá và rủi ro của nó. Do đó, giá trị của doanh nghiệp, trong trường hợp khái quát nhất, có thể được viết thành hiện giá của ngân lưu tự do kỳ vọng của doanh nghiệp đó.

Ta có giá trị của DN được  xác định dưới dạng tổng quát nhất, theo công thức sau:

Trong đó:

 V: Giá trị tài sản

n: thời gian hữu dụng của tài sản

CFt: dòng tiền thu được ở thời kỳ t

k: tỷ lệ chiết khấu, phản ánh rủi ro của dòng tiền. Ta có, tỷ lệ chiết khấu là một hàm số của rủi ro đối với dòng tiền được chiết khấu.

*Đặc điểm của phương pháp DCF:

Phương pháp DCF được áp dụng khá phổ biến hiện nay, đây là phương pháp thể hiện sự kỳ vọng tương lai về doanh nghiệp, chính vì vậy rất phù hợp với quan điểm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm sau:

-Rất khó xác định chính xác dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp và chứng minh các số liệu.

-Tỷ lệ chiết khấu dòng tiền khi xác định thường mang tính chủ quan cao, nếu xác định quá cao sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp và ngược lại.

-Khó xác định được tiềm năng tăng trưởng của công ty, do môi trường kinh doanh luôn biến động và khó dự đoán. Đặc biệt là trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Chính những nhược điểm trên, phương pháp này cần được thận trọng và có phương pháp ước lượng dòng tiền phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể kết hợp thêm các phương pháp định giá khác để bảo đảm tính hợp lý khi xác định giá của doanh nghiệp./.

Nguyễn Thị Minh Hà